Tháng 11-2017, trước tình hình dự án “Cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi, TP.HCM tới cảng Bến Súc, tỉnh Bình Dương theo hình thức BOT, trong đó có xây dựng cầu đường sắt mới Bình Lợi” bị chậm, Bộ GTVT đã chấp thuận điều chỉnh tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án đến 30-11-2018, thay vì tháng 5-2018.
Vướng nhà dân, trụ điện
Tuy nhiên, thông tin mới nhất từ Ban quản lý dự án 7 Bộ GTVT (Ban 7 - đơn vị thay mặt Bộ GTVT quản lý dự án), đến nay tổng khối lượng thi công công trình mới đạt khoảng 20%. Theo ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó Giám đốc Ban 7, vướng mắc lớn nhất là hiện còn vướng 7/34 hộ dân ở phía đầu cầu quận Bình Thạnh chưa bàn giao mặt bằng. “Do vướng số hộ này nên chưa thể thi công trụ cuối, mố cầu và đường dẫn vào cầu ở phía bờ Bình Thạnh” - ông Khoát cho biết.
Cạnh đó, cũng ở phía bờ Bình Thạnh hiện còn vướng, chưa di dời được hai trụ điện cao thế cấp điện cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Ông Đinh Việt Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi, giải thích: “Sau khi hai trụ điện này di dời xong, chúng tôi mới có thể làm đường sắt tạm hình vòng cung bên phía tay phải, theo hướng Bắc-Nam, thời gian thi công khoảng 20 ngày. Sau đó, có mặt bằng thoáng, không bị vướng tàu chạy qua mỗi ngày thì mới làm được trụ, mố, đường dẫn phía Bình Thạnh” - ông Tiến cho hay.
Theo quan sát của PV Pháp Luật TP.HCM, hiện phía bờ quận Thủ Đức đã trống hoàn toàn nhưng các hạng mục mố, đường dẫn tương tự như đầu bờ Bình Thạnh cũng chưa được thi công. Ông Tiến giải thích phải chờ phía đầu bờ Bình Thạnh giải tỏa xong thì mới thi công được đường sắt tạm dài khoảng 300 m, cách đường sắt hiện hữu 1-4 m, rồi làm đồng bộ trụ, mố, đường dẫn ở cả hai đầu bờ. “Nếu làm phía đầu bờ Thủ Đức trước thì tàu lửa phải đi rất chậm qua đoạn đường sắt tạm này. Thời gian sau mới làm phía đầu Bình Thạnh thì tổng thời gian tàu đi chậm qua khu vực này sẽ bị kéo dài ra. Như thế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác điều độ, thời gian chạy tàu trên toàn tuyến Thống Nhất Bắc-Nam” - ông Tiến cho biết.
Các trụ giữa sông của cầu đường sắt Bình Lợi mới đã được thi công. Ảnh: LƯU ĐỨC
Theo ông Khoát, việc di dời hai trụ điện phía đầu Bình Thạnh sẽ hoàn thành trong tháng 3-2018 và toàn dự án sẽ hoàn thành vào tháng 11-2018 như tiến độ điều chỉnh của Bộ GTVT. Nhưng ông Đinh Việt Tiến thì bày tỏ lo ngại về tiến độ bàn giao mặt bằng của bảy hộ dân và di dời hai trụ điện phía Bình Thạnh sẽ chậm, ảnh hưởng lớn đến tiến độ đã định.
Theo tính toán của Bộ GTVT và nhà đầu tư BOT đưa ra trước đây, thời gian thu hoàn vốn sẽ là 20 năm chín tháng, mức thu là 70 đồng/tấn. km đối với phương tiện 300 tấn trở lên và lưu thông qua khu vực là 30 chiếc/ngày đêm. Nay lưu thông đã lên 120-150 chiếc/ngày đêm thì Bộ GTVT và nhà đầu tư phải tính lại thời gian và mức thu trên. |
Sẽ thu phí hay giá?
Hợp phần của dự án trên là nạo vét luồng sông Sài Gòn, đoạn từ cầu Bình Lợi đến cảng Bến Súc đến nay chưa được triển khai. Theo ông Khoát, hợp phần này có khối lượng thi công rất nhỏ. Theo đó, chỉ có việc chỉnh trị lại 13 vị trí bờ sông nhô ra hoặc lõm vào làm bó hẹp luồng sông giành cho lưu thông tàu. “Các vị trí nhô ra, lõm vào này nằm rải trên 25 km trong tổng số chiều dài 70 km của tuyến sông nên chỉ cần nạo vét đủ độ sâu của lòng sông, dựng kè bờ, chống sạt lở cho đủ chiều rộng luồng sông tiêu chuẩn trong một thời gian ngắn là xong” - ông Khoát nhấn mạnh.
Theo dự án lập hồi năm 2014 thì sau khi làm xong cầu mới và cải tạo, nâng cấp luồng sông thì nhà đầu tư BOT sẽ được thu phí đường thủy nội địa để hoàn vốn đầu tư cho cả hai hợp phần. Nhưng theo Luật Phí và Lệ phí có hiệu lực từ 1-1-2017, các loại phí nhà đầu tư BOT thu lâu nay được chuyển sang thành giá (phí là thu cho ngân sách nhà nước, giá thu cho nhà đầu tư BOT - PV) trong khi phí đường thủy nội địa không có trong danh mục phí lâu nay nên không thể chuyển sang thành giá. “Công trình cầu Bình Lợi và nạo vét sông Sài Gòn là công trình BOT đầu tiên trên lĩnh vực đường thủy nên khi luật thay đổi thì cả các cơ quan nhà nước lẫn chủ đầu tư, đơn vị thi công đều lúng túng, không biết gọi nó là phí hay giá!” - một quan chức của Bộ GTVT cho biết.
Còn ông Tiến thì cho biết do sự thay đổi khái niệm của luật nên nay chủ đầu tư phải lập lại phương án thu hồi vốn. “Theo tôi, phí hay giá cũng chỉ là cách gọi và bản chất cũng là thu tiền của người sử dụng các công trình thôi. Các bác ở trên cho gọi là phí hay giá thì chúng tôi cũng phải thu để hoàn vốn đầu tư” - ông Tiến nói.
Dự án BOT đường thủy đầu tiên Dự án “Cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi, TP.HCM tới cảng Bến Súc, Bình Dương” được động thổ tháng 4-2015, đến năm 2016 mới thực sự triển khai thi công. Đây là dự án đường thủy đầu tiên trên cả nước thực hiện theo hợp đồng BOT. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.300 tỉ đồng. Trong đó, phần quan trọng nhất là thi công mới cầu sắt Bình Lợi để nâng tĩnh không thông thuyền của cầu hiện nay từ 1,5 m lên 7 m. Cầu đường sắt Bình Lợi mới có đường dẫn và phần cầu chính dài hơn 1,3 km, nằm cách cầu cũ hơn 100 năm tuổi 12 m về phía hạ lưu. Khi hoàn thành, cầu sẽ đặt ray khổ 1 m cho các đoàn tàu hiện có lưu thông và sau này có thể lắp ray khổ 1,435 m cho các đoàn tàu tương lai. |