TP.HCM: Bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết vào mùa

(PLO)- Một số bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sốt xuất huyết... bắt đầu vào mùa, người dân cần chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm để kịp thời điều trị.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chị NKT (33 tuổi, ngụ tỉnh Long An) chăm con trai 2 tuổi đang điều trị bệnh tay chân miệng tại BV Nhi đồng TP. Chị T cho biết con chị đã nhập viện được hai ngày.

Tưởng chỉ cảm sốt thường

Trước đó con chị T nóng sốt liên tục, chảy máu cam nhưng chưa nổi phát ban. Gia đình nghĩ con bị cảm sốt bình thường nên cho bé uống hạ sốt. Tuy nhiên nhiệt độ có giảm nhưng sau đó bé nhanh chóng sốt trở lại.

Chị T đưa con đến BV Nhi đồng Thành phố khám, BS chẩn đoán bé bị tay chân miệng kèm viêm amidan.

BS còn nghi ngờ bé bị sốt xuất huyết, tuy nhiên xét nghiệm kết quả bình thường. Bé được nhập viện theo dõi, điều trị bệnh tay chân miệng.

“Con đã bị tay chân miệng một lần lúc 1 tuổi, lần đó nhẹ hơn, không sốt. Lần này con sốt cao 38-39 độ C, lở miệng rồi bắt đầu phát ban.

Hiện con đỡ sốt, nhiệt độ hạ còn 37,5 độ C. BS nói nếu tình hình tiến triển tốt, dự kiến 3-4 ngày nữa thì xuất viện” - chị T chia sẻ.

Tay chân miệng tại TPHCM
Bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị tại BV Nhi đồng Thành phố. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Còn bệnh nhi ĐTNH (15 tuổi) là con gái chị ATMK (47 tuổi, ngụ TP.HCM) mới nhập BV Nhi đồng Thành phố ngày 23-4 vì bị sốt xuất huyết. Cách nhập viện 4 ngày, bé H bị sốt, đau đầu, buồn nôn và chán ăn.

“Nghĩ con bị sốt siêu vi, tôi mua thuốc ở tiệm về cho con uống và thấy nhiệt độ. Hôm sau vẫn ổn, nhưng đến ngày thứ ba, con cứ nóng đi nóng lại. Tôi đổi qua tiệm khác mua thuốc uống vẫn không bớt nóng sốt nên tôi đưa con đi khám tại phòng khám tư gần nhà” - chị K nói.

Tại phòng khám tư, BS xét nghiệm máu và cho biết con chị bị sốt xuất huyết, được chuyển lên BV Nhi đồng TP điều trị.

Bệnh nhi cấp cứu trong tình trạng sốt cao, mệt, lừ đừ, đi không nổi, người lạnh run. BS chẩn đoán bệnh nhi bị sốt xuất huyết, cho nhập viện điều trị tại khoa Nhiễm. Hiện bệnh nhi đỡ sốt, vẫn được tiếp tục theo dõi, điều trị.

Tay chân miệng và sốt xuất huyết tăng nhẹ

BS CKI Phan Thị Phương Tâm, khoa Nhiễm BV Nhi đồng Thành phố, cho biết tính từ đầu năm đến nay, khoa điều trị khoảng 170 ca tay chân miệng.

Riêng tháng 4 có khoảng 34 ca, hầu hết là ca nhẹ (1, 2A, 2B độ 1). Ca nặng nhất ở độ 2B nhưng chỉ vài ca mỗi tuần.

“Qua đợt dịch tay chân miệng năm ngoái, đa số người dân đã có kiến thức cơ bản nhận biết bệnh để đưa trẻ đến khám sớm.

Hiện đã vào mùa bệnh tay chân miệng, người dân cần chủ động phòng ngừa. Đối với những trẻ sốt cao đến khám, BS thấy có ban tay chân miệng sẽ chẩn đoán và điều trị kịp thời. BS cũng hẹn tái khám khá gần, từ 1-2 ngày nên kịp thời phát hiện nếu có dấu hiệu nặng” - BS Tâm nói.

Đối với bệnh sốt xuất huyết, tính từ đầu năm 2024 khoa tiếp nhận điều trị khoảng 130 ca. Riêng tháng 3 và 4, khoa điều trị khoảng 60 ca, tăng nhẹ so với những tháng đầu năm.

tay-chan-mieng-2.jpg
Bác sĩ BV Nhi đồng 2 thăm khám cho bệnh nhi mắc tay chân miệng. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Tại BV Nhi đồng 2 (TP.HCM), trong tháng 3, BV tiếp nhận khám khoảng 280 ca tay chân miệng, điều trị nội trú 15 ca.

Tuy nhiên, hai tuần đầu tháng 4, số ca tay chân miệng đến khám tăng lên 330 ca, điều trị nội trú cũng tăng lên 25 ca.

Về bệnh sốt xuất huyết, hai tuần đầu tháng 4 BV tiếp nhận khám 52 ca, điều trị nội trú 13 ca, tăng nhẹ so với trước đó.

Để nhận biết dấu hiệu nặng của sốt xuất huyết, ThS.BS Nguyễn Đình Qui, Phó Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2, chia sẻ thường ngày 4, ngày 5 của bệnh là giai đoạn nguy hiểm.

Dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết trở nặng cần đưa đến BV ngay: Nôn ói nhiều, ói ra máu hoặc đi tiêu phân đen; đau bụng nhiều; bứt rứt hoặc li bì; tay chân lạnh ẩm, rịn mồ hôi; tiểu ít.

Từ ngày 1-3 của bệnh, trẻ sốt cao liên tục 39-40 độ C, có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt paracetamol cách 4-6 tiếng/lần kết hợp lau mát với nước ấm. Nên cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu hóa, tránh thực phẩm có màu đỏ, màu đen vì nếu lỡ nôn ói sẽ khó phân biệt do thức ăn hay máu.

Khuyến cáo phát hiện sớm tay chân miệng

Nếu xung quanh trẻ có người mắc tay chân miệng, nên theo dõi sức khỏe của trẻ để sớm phát hiện và điều trị kịp thời. Thỉnh thoảng nên kiểm tra lòng bàn tay, chân và miệng của trẻ để kịp thời phát hiện các bóng nước. Nếu trẻ biếng ăn hay sốt cao khó hạ, ngủ giật mình chới với, nôn ói nhiều, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám.

Nếu trẻ bệnh nhẹ, được chỉ định theo dõi điều trị tại nhà, nên cách ly ở nhà khoảng 10 ngày, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh. Luôn giữ vệ sinh môi trường sống, khử khuẩn bề mặt tiếp xúc và đồ chơi của trẻ. Thường xuyên rửa tay và nhắc nhở trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Người lớn nên rửa tay bằng xà phòng sau khi thay quần áo, tã, chăm sóc trẻ, xử lý phân, dịch tiết để phòng ngừa lây lan.

BS TRƯƠNG HỮU KHANH - nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm