Sở TN&MT TP.HCM vừa ban hành kế hoạch trong hai năm (2023-2024) sẽ thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ các tuyến sông suối, kênh rạch… trên địa bàn TP. Việc cắm mốc lần này là để làm căn cứ kiểm tra, xử lý các trường hợp xây dựng, san lấp lấn chiếm, đồng thời tạo quỹ đất để xây dựng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật dọc sông, kênh rạch.
Cắm mốc 59 tuyến, kể cả sông Sài Gòn
“Việc cắm mốc là để triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông suối, kênh rạch, mương và hồ công cộng trên địa bàn TP.HCM” - kế hoạch của Sở TN&MT TP nêu.
Ngoài ra, theo Sở TN&MT TP, công tác này cũng nhằm bảo vệ sự ổn định của bờ sông, kênh rạch và phòng, chống các trường hợp xây dựng, san lấp chiếm đất ven sông suối, kênh rạch; làm căn cứ kiểm tra, xử lý các trường hợp xây dựng, san lấp lấn chiếm, những hành vi gây tác hại xấu, gây sạt lở bờ sông suối, kênh rạch trên địa bàn TP.
|
Sông Sài Gòn nằm trong danh sách cắm mốc bảo vệ hành lang sông lần này. |
Đồng thời, sở cho rằng việc cắm mốc sẽ tạo quỹ đất để xây hạ tầng kỹ thuật dọc sông, kênh rạch (như đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải, công trình điện, thông tin liên lạc, trồng cây, xây công trình chống sạt lở, công trình thủy lợi, công viên và các công trình khác…).
“Việc cắm mốc cũng nhằm đảm bảo thuận lợi cho chủ đầu tư dự án, người sử dụng đất xác định tọa độ, cao độ, lộ giới khi xây dựng và công tác quản lý nhà nước của UBND các cấp. Đồng thời, công khai quy hoạch đô thị phục vụ công tác quản lý xây dựng và đầu tư phát triển đô thị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” - Sở TN&MT TP xác định rõ.
Quan trọng hơn, Sở TN&MT TP khẳng định việc cắm mốc là để bảo vệ hiện trạng tự nhiên của bờ sông suối, kênh rạch, mương và hồ công cộng; bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh trước diễn biến của biến đổi khí hậu.
Theo kế hoạch, cơ quan chức năng sẽ thực hiện cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ sông suối, kênh rạch, hồ công cộng 59 tuyến với tổng chiều dài tuyến khoảng 553,2 km, tổng chiều dài mép bờ cao khoảng 926,8 km.
Cắm mốc để không còn lấn chiếm
“Trước đây chúng ta chỉ có kế hoạch chứ chưa thực thi được nhiều nên thực tế hiện nay hành lang bảo vệ sông, kênh rạch trong tình trạng răng cưa, so le vì mỗi nơi mỗi kiểu khi chưa có mốc bảo vệ” - ông Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, cho biết.
Theo ông Mười, khi thực hiện việc cắm mốc rõ ràng thì hành lang bảo vệ sông, kênh rạch hiện hữu một cách chính xác, điều này giúp cả những người mua bán đất bờ sông xác định rõ ranh bảo vệ hành lang sông, rạch là ở đâu, còn các chủ đầu tư dự án, công trình ven sông cũng biết rõ phạm vi thực hiện dự án của mình.
Theo kế hoạch, cơ quan chức năng sẽ thực hiện cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ sông suối, kênh rạch, hồ công cộng 59 tuyến với tổng chiều dài tuyến khoảng 553,2 km, tổng chiều dài mép bờ cao khoảng 926,8 km.
“Cắm mốc cũng sẽ hạn chế tình trạng lấn chiếm sau này. Còn về việc lấn chiếm hành lang sông, kênh rạch trước đây và còn đang tồn tại, chúng ta cần xác định rõ hành vi này là trước khi có quy định hay sau khi có quy định, rồi mới từng bước xử lý theo từng trường hợp cụ thể, trên cơ sở cả lý và tình” - ông Mười nói.
Quy định được ông Mười nhắc tới là Quyết định 22/2017 của UBND TP.HCM về ban hành quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông suối, kênh rạch, mương và hồ công cộng và Quyết định 150/2004 về quy định quản lý, sử dụng hành lang bờ sông, kênh rạch.
Trên thực tế, câu chuyện lấn chiếm hành lang sông, kênh rạch ở TP.HCM không mới, như sông Sài Gòn, ghi nhận thực tế cho thấy đô thị dọc sông hiện nay còn phát triển manh mún, chưa có thiết kế đô thị một cách khoa học, bài bản. Xuôi theo sông Sài Gòn từ trung tâm về phía cầu Bình Lợi, bờ sông được phát triển bởi các cụm dân cư, nhà riêng lẻ không theo một quy luật nào, đó là chưa kể tình trạng lấn chiếm hành lang sông vô tội vạ như làm quán cà phê, quán ăn sát bờ sông để kinh doanh.
Về yêu cầu triển khai việc cắm mốc, Sở TN&MT nêu: Việc triển khai cắm mốc hành lang bảo vệ bờ sông suối, kênh rạch phải được thực hiện đồng bộ, công khai, dân chủ, đảm bảo an toàn về bảo vệ sự ổn định của bờ, đồng thời đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân có liên quan. “Việc cắm mốc, xác định ranh giới hành lang bảo vệ bờ sông suối, kênh rạch phải được thể hiện trên nền bản đồ địa chính và thực địa, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, UBND quận, huyện và TP Thủ Đức trong tổ chức triển khai thực hiện” - Sở TN&MT TP nêu yêu cầu.
Sở cũng đề nghị UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức hỗ trợ cung cấp hồ sơ, dữ liệu, bản đồ các dự án đầu tư được cơ quan thẩm quyền phê duyệt, đã triển khai nằm trong chỉ giới hành lang bảo vệ sông suối, kênh rạch, hồ công cộng của 59 tuyến trên.
UBND cấp xã được đề nghị thông báo đến các tổ chức và hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong khu vực khảo sát định vị cắm mốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công thực hiện nhiệm vụ.•
Đã cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ cho 20 tuyến
Sở TN&MT TP cho biết căn cứ Quyết định 22/2017 của UBND TP quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông suối, kênh rạch, hồ công cộng trên địa bàn TP, trước đây sở đã thực hiện cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ cho 20 tuyến sông suối, kênh rạch trên địa bàn TP.HCM. Kế hoạch trong hai năm tới, sở sẽ thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ các tuyến sông suối, kênh rạch… ở các tuyến còn lại trên cơ sở mép bờ cao đã được Sở GTVT TP công bố trên địa bàn TP.