TP.HCM cần chính sách thông thoáng để nhân tài tự đến
Ngày 26-7, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học “Khơi dậy và phát huy truyền thống năng động, sáng tạo để phát triển TP giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo”.
Cần tháo gỡ về cơ chế
Góp ý tại hội thảo, bà Phạm Phương Thảo – nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM cho rằng, muốn sáng tạo phải đổi mới cơ chế, bởi vì hiện nay cơ chế còn ràng buộc nhiều.
Bà Phạm Phương Thảo góp ý tại hội thảo. Ảnh: TÁ LÂM
“Tôi không nghĩ đội ngũ cán bộ TP trì trệ, không dám đổi mới. Cán bộ sẵn sàng đổi mới, nếu như người lãnh đạo dám đứng ra đỡ đòn cho những đột phá, đổi mới đó. Tôi nhớ cái lúc TP làm một cửa liên thông và các ngành phải ngồi lại để tìm cơ chế tháo gỡ. Chứ chúng ta nói mãi đổi mới cũng vậy thôi, phải tháo gỡ. Nó kẹt từ trong cơ chế chính sách, ràng buộc tất cả mà không ai chịu trách nhiệm cuối cùng hết. Chúng ta phải nghe từng chuyện mà gỡ, có sự kết nối để gỡ chứ một mình khó gỡ lắm”, bà Thảo nói.
Theo bà Thảo, người lãnh đạo phải là bà đỡ cho sự sáng tạo, phải đứng đằng sau sự đột phá, phải đỡ cho cán bộ mình, lắng nghe, đi cơ sở để phát hiện vấn đề. “Hồi xưa chú Kiệt (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt – PV) làm kế hoạch to, đi xuống ăn ở với công nhân để đề xuất lên trung ương”, bà Thảo nói và cho rằng người lãnh đạo phải sát cơ sở hơn nữa, cuộc sống đã chỉ cho mình lối ra, quan trọng là biết lắng nghe cầu thị.
Từ đó, bà Phạm Phương Thảo cho rằng có hai khó khăn cần phải tháo gỡ, đó là cơ chế chính sách còn khó và năng lực quản lý điều hành còn hạn chế.
Dẫn chứng từ nghị quyết 54 của Quốc hội cho phép TP.HCM thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, bà Thảo cho rằng dù có nghị quyết này vẫn còn nhiều khó khăn. “Đây không phải là chiếc đũa thần để giúp TP tháo gỡ khó khăn, phát huy tiềm lực mà nó chỉ ở một số lĩnh vực. Nhưng chúng ta phải tận dụng để phát triển TP”, bà Thảo nói.
Bà Thảo cũng cho rằng, còn nhiều cơ chế ràng buộc. “Xem TP.HCM tương đương như các tỉnh thành khác thì làm sao mà phát triển được. Nó phải là cơ chế chính quyền đô thị thì mới tạo điều kiện cho TP phát triển nhanh và bền vững. Đây là cái khó lớn nhất”, bà Thảo đánh giá.
Về năng lực quản lý điều hành, bà Thảo cho rằng còn quá chậm trong giải quyết vấn đề. “Chúng ta cứ ra vào hội họp quá nhiều, trong khi xử lý những vấn đề mang tầm TP và quốc gia còn quá chậm. Chúng ta nói đường hướng rất hay rồi nhưng tổ chức như thế nào cho nhanh hơn nữa, tạo cảm hứng, sức sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa, thành ra chúng ta chưa làm tốt”, bà Thảo nói.
Để TP.HCM phát triển nhanh và bền vững, bà cho rằng TP cần tập trung sáu việc, trong đó nhấn mạnh đến quy hoạch và quản lý quy hoạch. “Tại sao chúng ta để khu trung tâm cứng như thế này, ngày càng kẹt xe ngập nước, trong khi đó Thủ Thiêm là khu đô thị mới nhưng sao không kéo ra đó”, bà Thảo đặt câu hỏi và cho rằng TP cần quản lý quy hoạch tốt hơn, tăng cường không gian xanh, gìn giữ và bảo tồn ký ức văn hóa... Đặc biệt là sắp tới triển khai như thế nào để khu Thanh Đa – Bình Quới trở thành một khu đô thị đặc trưng của TP – khu đô thị xanh.
Thứ hai là phải tạo đột phá về kết cấu cơ sở hạ tầng. “Người dân cứ bức xúc nói mãi chuyện kẹt xe chưa xử lý tốt, trong khi đó chúng ta cứ nói vành đai ngoài, vành đai trong nhưng chưa có cái nào xong hết. Chúng ta nói năm 2016 chắc có tuyến metro số 1 nhưng bây giờ tới năm 2020 không biết có chưa?”, bà Thảo đặt câu hỏi và cho rằng cần chọn những công trình tập trung, đừng dàn trãi, sao cho đồng bộ và phát huy hiệu quả.
Ngoài ra, bà Thảo cũng nhấn mạnh đến các giải pháp về cải cách hành chính mạnh hơn nữa, tiến tới giảm hội họp để giải quyết công việc sao cho nhanh hơn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
GS-TS Nguyễn Ngọc Giao góp ý tại hội thảo. Ảnh: TÁ LÂM
Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cũng cho rằng chúng ta không nên ngại có những việc vượt qua qui định nhà nước hiện hành nhưng cần được cấp thẩm quyền cho phép làm thí điểm.
Xuất phát từ tính năng động và sáng tạo, ông Trực cho rằng, TP.HCM đã không ngừng đổi mới vượt qua nhiều khó khăn và thách thức từ năm 1975 đến nay. “Trọng trách đầu tàu kinh tế đất nước trong giai đoạn công nghiệp hóa hiện đại hóa càng giục giã TP phải sáng tạo không ngừng", ông nói.
GS-TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Hội đồng khoa học TP.HCM cho rằng, truyền thống năng động sáng tạo đã thấm vào máu người dân TP, từ lãnh đạo cao nhất đến những người dân bình thường.
Từ đó, ông Giao cho rằng, chính quyền TP.HCM cần có chính sách thông thoáng, phù hợp để nhân tài khắp nơi tự đến cùng đóng góp xây dựng TP.HCM.
10 triệu động lực sáng tạo
Trước đó, phát biểu đề dẫn hội thảo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, tài nguyên lớn nhất của TP là 10 triệu dân, một nguồn lực có sẵn. Sức sáng tạo của người dân TP chính là sự quyết định phát triển của TP. Chỉ có tài nguyên con người qua quá trình đào tạo, sử dụng không ngừng gia tăng giá trị.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TÁ LÂM
Theo ông Nhân, hội thảo là hoạt động mở đầu một chuỗi các hoạt động của Đảng bộ TP từ nay đến cuối nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X để khơi dậy ý thức sáng tạo, trân trọng phát huy nguồn tài nguyên đang sẵn có, quan trọng nhất là con người sáng tạo và phát huy năng lực sáng tạo trong thực tiễn.
Ông Nguyễn Thiện Nhân mong muốn, hội thảo sẽ góp phần làm sáng tỏ nội dung về cơ sở truyền thống sáng tạo của TP, là trung tâm sáng tạo của cả nước. TP.HCM là nơi giao lưu các dòng văn hóa, nơi người dân nhiều địa phương cả nước đến sinh sống, sự đa dạng về văn hóa… là một trong những nhân tố tạo nên sự sáng tạo của TP.
Chỉ rõ mục tiêu phát triển, ông Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng trong giải quyết một số vấn đề hạn chế hiện nay là nếu mỗi năm giảm được 7% số cuộc họp, sau 5 năm giảm được 1 nửa số cuộc họp. Nếu mỗi năm thời gian giải quyết công việc giảm 10% thì sau 5 – 6 năm thời gian giải quyết các công việc chỉ còn một nửa. Từ đó, ông Nhân cho rằng các vấn đề như kẹt xe, ngập nước cũng cần có chỉ tiêu cụ thể để giảm dần tình trạng này hàng năm.
“Nếu mỗi cơ quan xác định danh mục, thay đổi cách làm, tập trung triển khai. Mỗi người lao động chọn một việc thay đổi cách làm của mình sẽ có những thay đổi. Cần có giải pháp thúc đẩy quá trình khởi đầu đổi mới sáng tạo để lôi cuốn người lao động TP tham gia, chính quyền các cấp và cấp ủy thực hiện”, ông Nhân nói và tin tưởng, các ý kiến thảo luận tại hội thảo sẽ góp phần hoạch định lộ trình từ nay đến cuối nhiệm kỳ và những nhiệm kỳ tiếp theo sẽ đổi mới quyết liệt, thúc đẩy sáng tạo.