TP.HCM cần có nghị quyết riêng để xử lý dự án tồn đọng kéo dài

(PLO)- Chánh Thanh tra TP.HCM đề nghị có một Nghị quyết chuyên đề riêng về cơ chế để xử lý các công trình, dự án tồn đọng do vướng mắc cơ chế, thủ tục để giải quyết vấn đề toàn diện, căn cơ.

Sáng 4-12, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã tổ chức hội nghị lần thứ 34 (mở rộng), do Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì.

Trong phiên thảo luận tổ, vấn đề xử lý các công trình, dự án tồn đọng nhận được nhiều quan tâm của lãnh đạo sở, ban, ngành.

Chánh Thanh tra TP.HCM Trần Văn Bảy (trái) nêu ý kiến về việc xử lý dự án tồn đọng. Ảnh: THUẬN VĂN

Cần Nghị quyết chuyên đề để xử lý các công trình, dự án tồn đọng

Chánh Thanh tra TP.HCM Trần Văn Bảy cho biết trong Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị có chỉ đạo quan trọng cho phép TP.HCM thực hiện cơ chế cần thiết để xử lý công trình, dự án tồn đọng nhiều năm do vướng mắc về cơ chế thủ tục.

Theo ông Bảy, sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị, Thành ủy, UBND TP có lãnh đạo, chỉ đạo nhưng chỉ là giải quyết những sự vụ, không mang tính hệ thống.

“Tôi kiến nghị để giải quyết căn cơ và phù hợp với thông điệp chống lãng phí, khơi thông nguồn lực của Trung ương thì Ban Cán sự UBND TP nên nghiên cứu trình cho Thành ủy một Nghị quyết chuyên đề riêng về cơ chế để xử lý các công trình, dự án tồn đọng do vướng mắc cơ chế, thủ tục” – ông Bảy đề xuất và cho rằng có nghị quyết này mới giải quyết toàn diện, căn cơ, tạo sự chuyển biến tích cực.

‘Cỗ xe chở hòn đá thì khó mà năng động’

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng muốn tăng tốc thì phải giải quyết những vấn đề tồn đọng. Bởi, cỗ xe chở theo hòn đá nặng thì khó mà năng động được.

Theo ông, muốn vươn mình vào kỷ nguyên mới cùng cả nước, TP.HCM cần nhìn rõ vào thực tế và làm tốt hơn nữa trong thời gian tới, trong đó có việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 98/2024, tạo ra giá trị cho xã hội.

Ông Trần Văn Bảy cho biết khi về nhận nhiệm vụ Chánh Thanh tra, ông đã nhìn thấy việc những công trình, dự án là tài sản công đang gặp vướng mắc có liên quan đến các kết luận thanh tra, kiểm tra.

Do đó, tuần trước, Thanh tra TP.HCM đã trình UBND TP một kế hoạch tổng rà soát nội dung thanh tra, kiểm tra về các công trình, dự án này. Trong đó, có phân loại ra nhiều nhóm, chẳng hạn như nội dung đã có kết luận thanh tra nhưng chưa khắc phục được do quy định pháp luật, điều kiện kinh tế - xã hội, thực tiễn thay đổi. Hay nhóm nội dung vượt quá thẩm quyền, cần xin ý kiến cơ quan thẩm quyền; nhóm nội dung có điều kiện thực hiện nhưng chưa thực hiện và lý do vì sao.

Chánh Thanh tra mong UBND TP có xem xét và đưa vào nhiệm vụ của năm 2025.

Tài sản công lớn nhưng chưa được sắp xếp

Bày tỏ đồng tình, Trưởng ban Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM Hứa Quốc Hưng cho rằng TP cần có một nghị quyết chuyên đề riêng để giải quyết các dự án, công trình tồn đọng kéo dài.

Trưởng ban Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM Hứa Quốc Hưng, đồng tình về việc có nghị quyết riêng để xử lý công trình, dự án tồn đọng. Ảnh: THUẬN VĂN

“Tôi nhớ Thủ tướng Chính phủ từng nói các công trình cũ, tồn đọng được xử lý, thanh tra, kiểm tra hết rồi, vấn đề làm sao cho nó chạy, tiếp tục triển khai, đưa vào vận hành, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, chống lãng phí” – ông Hưng nói.

Trưởng Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TP.HCM Trần Anh Tuấn nhìn nhận, nhiều doanh nghiệp nhà nước có khối lượng mặt bằng, tài sản công lớn nhưng chưa được sắp xếp. “Tiếp tục đầu tư cũng khó mà trả về cho Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý cũng khó vì trung tâm này không thể ôm một lúc nhiều tài sản” – ông Tuấn nói.

Ông đề nghị phải đặt trọng tâm để giải quyết những công trình, dự án lớn; qua đó, giúp TP khơi thông nguồn lực, để nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn.

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng băn khoăn một số khu vực tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm có kế hoạch đấu giá đất, kêu gọi đầu tư nhưng chưa thành công.

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng mong sớm đấu giá lô đất ở Thủ Thiêm. Ảnh: THUẬN VĂN

Theo ông, TP Thủ Đức được giao thu ngân sách 22.000 tỉ đồng nhưng toàn bộ phần sử dụng đất 10.000 tỉ đồng chưa thu được vì được hoạch định vào các dự án ở Thủ Thiêm.

Từ đó, ông Tùng đề nghị TP.HCM sớm có kế hoạch đấu giá ít nhất một lô đất và sớm có giá đất dự án Lotte để nhà đầu tư nộp tiền sử dụng đất.

'Kỷ nguyên vươn mình" cần sớm được cụ thể hóa

Tại buổi thảo luận tổ, nhiều đại biểu chia sẻ về khát vọng “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” theo quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Chủ tịch HĐND huyện Nhà Bè Phạm Minh Huấn cho biết hiện nay, cả nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình. Do vậy, Thành ủy TP.HCM nên sớm cụ thể hóa vấn đề này để định hướng cho các quận, huyện, làm nền tảng cho địa phương xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 và xác định chủ thể lớn cho Đại hội Đảng sắp tới.

“Hiện các quận, huyện đang xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội, nếu được định hướng sẽ giúp quận, huyện có góc nhìn hòa hợp với TP và gắn với chủ trương của Trung ương” – ông Huấn nêu.

Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM Đinh Thanh Nhàn cho rằng để TP.HCM bước vào kỷ nguyên vươn mình thì cần phải có đủ ngân sách. Ông đề xuất tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM cần cao hơn để đầu tư cơ sở hạ tầng, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của TP.

“Nếu không nâng được thì cần có hướng giải quyết khác, chẳng hạn như vượt thu ngân sách 500.000 tỉ đồng thì phần vượt đó, TP được giữ lại bao nhiêu…” – ông Nhàn nêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới