Tại tọa đàm “Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy kinh tế TP.HCM phát triển” do báo Người Lao Động tổ chức ngày 16-5, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nêu quan điểm: Phải tạo ra những đột phá, động lực mới cho TP.HCM; cơ chế, chính sách đột phá cho TP.HCM cũng là cho cả nước. Đặc biệt, TP.HCM muốn đột phá thì phải có những dự án đột phá cùng với đột phá về thể chế.
“TP.HCM muốn vượt lên phải biến mình thành trung tâm hội nhập quốc tế của đất nước. Theo đó, TP.HCM cần có những dự án đột phá như cảng trung chuyển Cần Giờ, trung tâm tài chính quốc tế… để kéo các tập đoàn lớn thế giới vào đây. Các yếu tố này cộng hưởng được với nhau, cùng với vùng Đông Nam Bộ, TP.HCM sẽ kéo được các nhà đầu tư lớn, thu hút được các tập đoàn lớn” - ông Thiên nhấn mạnh.
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cũng nhấn mạnh rằng TP.HCM phải là nơi thu hút để có những “đại bàng” trong từng lĩnh vực. Vì vậy, trong Nghị quyết thay Nghị quyết 54 có đề cập nội dung sẽ thu hút những tập đoàn hàng đầu thế giới ở từng lĩnh vực tham gia, trong đó có cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Bởi nếu không thu hút được những nhà đầu tư đủ tầm quốc tế sẽ khó bứt phá.
“Riêng về cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, gắn với dự án này có thể sẽ là một trung tâm phi thuế quan gắn với cảng… để tạo sức bật” - TS Trần Du Lịch nói.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư tài chính TP.HCM (HIFC), cho biết về cảng trung chuyển Cần Giờ, đơn vị này đang phối hợp với các đơn vị liên quan để tìm kiếm và xây dựng nguồn vốn đầu tư. Ví dụ phối hợp với các đơn vị như Ngân hàng Thế giới để phát hành trái phiếu cho kinh tế xanh. Bên cạnh đó, đơn vị đã hoàn thiện đề án Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM, báo cáo UBND TP trình Bộ KH&ĐT, báo cáo Thủ tướng về đề án.