TP.HCM cần phát triển đô thị bền vững hơn

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển, TP.HCM đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức để có thể trở thành một đô thị hiện đại, phát triển bền vững như: thiếu mảng kiến trúc xanh, vấn đề xử lý nước thải, chất thải rắn, năng lượng và an ninh năng lượng… 

TP.HCM đối mặt với nhiều thách thức môi trường

Nếu như Hà Nội đang đối mặt với ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt thì TP.HCM cũng đang gánh chịu những hệ lụy không nhỏ cho vấn nạn triều cường, vấn đề rác thải sinh hoạt tại đô thị quá lớn và các vấn đề ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí...

Bộ mặt thành phố sẽ đẹp hơn nếu cư dân có ý thức bảo vệ môi trường

Ở TP.HCM, việc rác thải sinh hoạt không được phân loại tại nguồn gây nhiều trở ngại cho công tác xử lý. Hiện hầu hết rác thải sinh hoạt chỉ được xử lý bằng giải pháp chôn lấp, không có bất kỳ giải pháp phụ trợ kèm theo, làm phát sinh nhiều vấn đề về môi trường và tiêu tốn quỹ đất sử dụng cho bãi chôn lấp. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác xử lý chất thải nguy hại còn thiếu thốn, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của xã hội.

Trước tình hình nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, sử dụng năng lượng kém hiệu quả và các loại năng lượng truyền thống đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt đã thúc đẩy TP.HCM phải có chiến lược đúng đắn trong việc khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên và đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo.

Tái chế, sử dụng các nguồn phế thải là xu hướng chung của thế giới, đã được các nước phát triển thực hiện từ lâu. Tại Việt Nam, trong định hướng phát triển bền vững cũng đã xác định quản lý chất thải là vấn đề trọng tâm của công tác bảo vệ môi trường, trong đó giải pháp 3T (Tiết giảm, Tái sử dụng, Tái chế) được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay ở TP.HCM, hoạt động tái chế vẫn còn nhỏ lẻ, phần lớn mang tính tự phát, chưa được quản lý và kiểm soát chặt chẽ.

Chiến lược thúc đẩy phát triển bền vững

Mục tiêu của TP.HCM đến cuối năm 2020, đưa tỷ lệ lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh còn tối đa là 50% và đến năm 2025 về mức 20%. Để đạt được kết quả trên, TP.HCM cần có hướng đi nhanh hơn và phù hợp trong phát triển liên kết và sự phối hợp liên ngành, liên vùng, như: Đẩy mạnh giám sát việc thực hiện hồ sơ pháp lý về môi trường của các chủ đầu tư trước khi dự án đi vào hoạt động, đảm bảo phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải theo quy định; Tăng cường năng lực quy hoạch và quản lý đô thị, tăng gắn kết vùng…

Với mục tiêu phát triển thông minh và toàn diện, TP.HCM đã xây dựng các hành động liên ngành: Cụ thể hóa các chiến lược phát triển đô thị bền vững và liên kết, xây dựng các chiến lược phát triển các ngành kinh tế mới, lập Quy hoạch chiến lược gắn kết với khẩu hiệu mới “thành phố môi trường”, xây dựng cơ chế cấp vốn và hướng tiếp cận phát triển hạ tầng bền vững, xây dựng cơ chế phát triển nguồn nhân lực toàn diện, tăng cường kiểm soát sử dụng đất và kiểm soát phát triển.

Phát triển mạng lưới vận tải công cộng cạnh tranh nhằm tạo ra nền tảng để phát triển đô thị nhỏ gọn, cạnh tranh, đáng tin cậy, có lượng khí thải thấp, không bị tắc nghẽn, nhiều không gian mở/không gian xanh, tăng hiệu quả trong đầu tư cơ sở hạ tầng, chuẩn bị cho sự gia tăng dân số một cách hiệu quả. Theo đó, TP.HCM sẽ đầu tư mới phương tiện xe buýt, ưu tiên chuyển đổi phương tiện sang sử dụng nhiên liệu sạch (điện, LPG, CNG, LNG...) để thay thế nhiên liệu truyền thống nhằm phù hợp với đặc tính đô thị và điều kiện giao thông trên địa bàn thành phố. Thực hiện việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới.

Đặc biệt, TP.HCM đang tiếp tục triển khai chuyển đổi công nghệ xử lý của các nhà máy xử lý rác hiện hữu, đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án đã có chủ trương của thành phố, thực hiện đấu thầu lựa chọn dự án xử lý rác sinh hoạt mới. Trong đó, ưu tiên các dự án đốt rác phát điện công nghệ hiện đại.

Nhờ các giải pháp thiết thực cộng với sự đồng thuận của người dân, TP.HCM đã đạt được nhiều tín hiệu đáng mừng về môi trường như: đã rà soát, giải tỏa được 754/793 điểm ô nhiễm về rác thải, chuyển hóa 125 điểm đen ô nhiễm thành khu vực sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa, công viên…; trang bị thêm 37.303 thùng rác công cộng, gần 2 triệu hộ dân đã thực hiện bản cam kết bảo vệ môi trường… Những kết quả đó sẽ góp phần giúp TP.HCM trở thành thành phố xanh, sạch, thân thiện môi trường trong tương lai gần. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm