Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 19 - CT/TU ngày 19-10-2018 của Ban Thương vụ Thành ủy về Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, nhiều địa phương đã thực hiện mô hình “không gian xanh” để bảo vệ môi trường.
Mô hình “không gian xanh”, là mô hình cải tạo những bức tường cũ, hoen ố, bẩn trở thành bức tường mới và được trồng cây xanh bằng các sản phẩm là bình nhựa cũ đã qua sử dụng do người dân đóng góp… để bảo vệ môi trường, tạo không gian xanh trong khu dân cư.
Nhận thức môi trường của người dân ngày càng tích cực
Mô hình “Không gian xanh” này do hội Môi trường Xây dựng Việt Nam phối hợp cùng Hội LHPN các quận thực hiện, được người dân hưởng ứng mạnh mẽ. Nhiều địa phương đánh giá mô hình này đã góp phần cải thiện môi trường, tạo vẻ mỹ quan đô thị và nâng cao ý thức người dân một cách mạnh mẽ, tích cực.
Một góc “không gian xanh” được thực hiện tại phường 5, quận Gò Vấp. Ảnh: NV
Bà nguyễn Thị Thanh Vân (ngụ quận 3, TP.HCM) cho biết: mô hình công trình trồng cây xanh bằng những vật dụng tái chế rất có ý nghĩa, giúp bảo vệ môi trường và góp phần giảm ô nhiễm, mỹ quan đô thị, tạo không khí trong lành.
“Phong trào trồng cây như thế này cũng là cách nâng cao nhận thức người dân. Ngoài việc trồng, theo tôi cần có tính toán thêm về việc chăm sóc, điển hình như phân công người dân thời gian tưới cây, có như thế thì mới có thể duy trì lâu dài”, bà Vân chia sẻ.
Theo bà Đoàn Thị Cẩm Tú, Chủ tịch Hội LHPN Quận 3: “Việc trồng cây xanh ở những bức tường cũ nhằm tạo cảnh quan mới. Đồng thời, giúp người dân nhận thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân trong việc bảo vệ môi trường. Sắp tới, chúng tôi sẽ khảo sát thêm một số nơi trên địa bàn quận để tiếp tục thực hiện mô hình này”.
Cần tiếp tục nhân rộng mô hình
Đánh giá đươc tầm quan trọng của môi trường sống với người dân, nhiều nơi cho biết sẽ nhân rộng mô hình này. Theo bà Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hội LHPN quận Gò Vấp, trồng cây xanh tại những bức tường cũ được nhiều người dân đồng tình, ủng hộ. Theo tôi đây là mô hình này rất hiệu quả, qua mô hình này đã tạo thêm nhiều mảng xanh trong khu dân cư, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường góp phẩn tạo thành phố sạch đẹp hơn, văn minh hơn.
Các hội viên của Hội LHPN quận tham gia làm bức từng xanh cho khu dân cư
“Hiện nay, trên địa bàn quận Gò Vấp đã có 146 bức tường đã được tạo mảnh xanh. Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp cùng một số phường tiếp tục nhân rộng mô hình này. Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Gò Vấp đã khảo sát trong các khu dân cư để xây dựng mô hình phủ xanh nhiều mảng tường bị bôi bẩn để phát triển diện tích cây xanh”-bà Lan nói.
Ông Đặng Bảo Quốc, Trưởng đại diện phía Nam - Hội Môi trường xây dựng Việt Nam cho biết: “Công trình này rất có ý nghĩa, từ những hành động nhỏ như trồng cây có thể giúp người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, không xả rác nơi công cộng, kênh, rạch… duy trì thường xuyên các hoạt động phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm về rác, khắc phục tình trạng ngập nước. Trong thời sắp tới Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam sẽ lên kế hoạch phối hợp với các quận, huyện nhân rộng mô hình lan tỏa đến người dân trên địa bàn TP.HCM”.
Một trong những kết quả đạt được về việc thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU ngày 19-10-2018 của Ban Thương vụ Thành ủy về Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” là thời gian qua nhiều đơn vị, tổ chức đã xóa được nhiều điểm đen về rác và ô nhiễm. Khi xóa được điểm đen về rác nhiều nơi đã nâng cấp bằng cách trồng cây xanh, biến điểm đen thành điểm xanh có tác dụng phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. |