TP.HCM cần sớm hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị

(PLO)- TP.HCM cần sớm hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị, trước mắt là tuyến metro số 1 và số 2 để có thể đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, xứng tầm là siêu đô thị với hơn 10 triệu dân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hiện thực hóa “giấc mơ metro” là mong ước của chính quyền và người dân TP.HCM. Tuy nhiên, TP.HCM cần có các cơ chế, chính sách mang tính đột phá, sáng tạo về huy động nguồn lực, thu hồi vốn đầu tư, chuyên nghiệp hóa quy trình đầu tư xây dựng đối với công trình kết cấu hạ tầng mới có thể nhanh chóng hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) theo quy hoạch.

Pháp Luật TP.HCMđã có cuộc trao đổi với TS Phạm Trần Hải, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, về vấn đề này.

Đường sắt đô thị giải quyết nhiều vấn đề

. Phóng viên: Thưa ông, hệ thống ĐSĐT TP.HCM có vai trò ra sao đối với một siêu đô thị như TP.HCM?

p2+3-Pham-Tran-Hai.jpg

+ TS Phạm Trần Hải: Việc vận hành hệ thống ĐSĐT giúp giải quyết vấn đề đi lại nhanh chóng, thuận tiện hơn, an toàn, tiết kiệm kinh phí và thân thiện với môi trường. Đồng thời, tạo điều kiện cho phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD).

Thời gian qua, TP.HCM đã đầu tư xây dựng tuyến metro số 1 và chuẩn bị đầu tư xây dựng tuyến metro số 2. Tuy nhiên, việc triển khai đầu tư xây dựng các tuyến ĐSĐT tại TP.HCM quá chậm. Chính điều này khiến việc khai thác vận hành các tuyến đầu tiên kém hiệu quả (xét cả về hiệu quả tài chính và hiệu quả kinh tế - xã hội) cũng như khó giải quyết bài toán thay đổi cấu trúc đô thị để phát triển theo mô hình TOD.

p3-anh-bai-phong-van.jpg
Để hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị với hơn 200 km cần nguồn vốn “khổng lồ” lên đến hàng chục tỉ USD. Ảnh: ĐÀO TRANG

. Vậy thưa ông, TP.HCM cần phải làm gì để sớm hiện thực hoàn thành các tuyến ĐSĐT theo quy hoạch?

+ Hiện TP.HCM cần giải quyết hai bất cập liên quan đến nguồn lực và cơ chế thực hiện dự án.

Thứ nhất là về nguồn lực, để hoàn thành hệ thống ĐSĐT với hơn 200 km cần nguồn vốn “khổng lồ”, lên đến hàng chục tỉ USD (trung bình hơn 100 triệu USD cho mỗi kilomet ĐSĐT). Đây thực sự là gánh nặng đối với ngân sách nhà nước, ít nhất là trong thời gian trước mắt. Vì thế, ngoài nguồn ngân sách, TP.HCM cần huy động nguồn lực của các thành phần xã hội thông qua hình thức đối tác công tư (PPP). TP.HCM cũng cần tính toán đến việc thu hồi nguồn vốn đầu tư cho tuyến ĐSĐT để đầu tư cho các tuyến tiếp theo hoặc các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm khác.

Thứ hai là về cơ chế thực hiện dự án. Theo đó, cần có một cơ chế để bảo đảm dự án đầu tư xây dựng tuyến ĐSĐT được thực hiện nhanh chóng nhất, tránh tình trạng kéo dài gây đội vốn (do trượt giá và phát sinh), ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế - xã hội của đô thị và sinh hoạt của người dân. Cơ chế đó cần xác định trách nhiệm rõ ràng đối với từng tổ chức, cá nhân, có chế độ thưởng, phạt công minh, bảo đảm giải quyết các vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện một cách nhanh nhất từ các cấp chính quyền.

Hiện nay, ở nhiều đô thị lớn trên thế giới, hình thức PPP đã được áp dụng trong đầu tư xây dựng công trình (tuyến đường, nhà ga), đầu tư đoàn tàu và trang thiết bị, quản lý vận hành tuyến ĐSĐT và khai thác tuyến ĐSĐT. Ví dụ như Singapore, Seoul, Osaka…

Việc thực hiện dự án đầu tư tuyến ĐSĐT của TP.HCM và cả Hà Nội là điều mới mẻ, chưa có tiền lệ. Do đó, công tác này thường gặp nhiều bất cập, vướng mắc và tốn nhiều thời gian, cần có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp lãnh đạo, tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Ưu tiên những dự án có tính lan tỏa lớn

. Giữa bối cảnh kinh tế còn khó khăn, buộc phải “liệu cơm gắp mắm”, TP.HCM cần làm gì để khơi thông các hoạt động kinh tế trên địa bàn TP?

+ Chính quyền các cấp cần ưu tiên cho những dự án có tính lan tỏa lớn và có hiệu quả kinh tế - xã hội cao, tránh tình trạng phân bổ nguồn vốn không đúng nơi cần thiết, dàn trải, manh mún.

Đồng thời, cần khuyến khích huy động các nguồn lực từ các thành phần xã hội cho đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng. Một nguyên tắc cơ bản, ai cũng hiểu nhưng khi áp dụng lại không dễ dàng, đó là trong quá trình đầu tư xây dựng cũng như vận hành dự án kết cấu hạ tầng, ai hưởng lợi thì phải trả tiền tương xứng, ai bị thiệt hại phải được bù đắp thỏa đáng. Và như đã nói ở trên, việc thu hồi vốn đầu tư cho các tuyến ĐSĐT là vấn đề quan trọng.

Một trong những cơ chế đó là khai thác quỹ đất công và điều tiết giá trị gia tăng từ các khu đất xung quanh các nhà ga của các tuyến ĐSĐT. Cụ thể là giá trị gia tăng từ một khu đất bao gồm giá trị quyền sử dụng của khu đất và giá trị khai thác khu đất, hay còn gọi là quyền phát triển không gian của khu đất đó.

. Xin cảm ơn ông.•

Nghị quyết 98 giúp hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM

Nghị quyết 98/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã vận hành, trong đó có các nội dung về thí điểm mô hình TOD. Lúc này, ngân sách địa phương sẽ được sử dụng để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư, tạo quỹ đất phục vụ các dự án đầu tư trong khu vực xung quanh nhà ga của các tuyến ĐSĐT.

Bên cạnh đó, mật độ xây dựng, chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được điều chỉnh so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng đối với khu vực đô thị hiện hữu.

Nghị quyết 98 sẽ góp phần thúc đẩy việc tạo nguồn lực gia tăng từ các khu đất xung quanh nhà ga của các tuyến ĐSĐT. Từ đó, thu hồi vốn để chi trả cho đầu tư tuyến này và tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến khác nhằm hoàn thiện hệ thống ĐSĐT ở TP.HCM.

TP.HCM sẽ là địa phương đi tiên phong trong việc thí điểm các cơ chế, chính sách mang tính đột phá, sáng tạo. Nếu thành công, đây sẽ là cơ sở thực tiễn rất quan trọng để thể chế hóa các cơ chế, chính sách trên nhằm áp dụng rộng rãi trên phạm vi cả nước.

TS PHẠM TRẦN HẢI, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm