Tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND TP.HCM, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi về lực lượng hình sự đặc nhiệm, hiệu quả mô hình lực lượng 363 cùng tình trạng thiếu cảnh sát khu vực (CSKV) tại TP.HCM với giám đốc Công an TP.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Thảo. Ảnh: VOH
Cướp ăn mặc sang trọng, đi xe máy xịn
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Thảo cho rằng từ đầu nhiệm kỳ Công an TP đã lập lại lực lượng “săn bắt cướp” để đấu tranh với tội phạm trên đường phố. Sau đó đã thành lập Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm hướng Nam và mới đây là Tổ công tác 363. “Giám đốc Công an TP đánh giá hiệu quả các mô hình này như thế nào và có thể nhân rộng ra các hướng bắc - tây - đông hay không?” - bà Thảo đặt câu hỏi.
Bà cũng cho rằng hiện nay tại khu vực trung tâm TP có nhiều đối tượng cướp giật ăn mặc rất sang trọng, chạy xe máy xịn để giật điện thoại của khách nước ngoài. “Lực lượng này có được xử lý hay không?” - bà Thảo hỏi.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Diệp Hồng Di cho rằng đang thiếu CSKV trên địa bàn dân cư. Theo bà Di, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình hình trộm cắp phức tạp là do công tác tuần tra địa bàn chưa đạt yêu cầu do thiếu lực lượng CSKV.
“Thực tế hiện nay ở địa phương lực lượng CSKV phải kiêm nhiệm nhiều “ô”. Trong các buổi tiếp xúc góp ý cho CSKV hằng năm người dân đều mong mỏi có sự hiện diện của CSKV kịp thời, đảm bảo an ninh trật tự. Thực tế vai trò CSKV rất quan trọng trong đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, kéo giảm phạm pháp hình sự. Vậy việc thiếu lực lượng này, giám đốc Công an TP có giải pháp nào?” - bà Di đặt câu hỏi.
Không để thiếu cảnh sát khu vực ở địa bàn phức tạp
Trả lời đại biểu, Trung tướng Lê Đông Phong cho biết hiện nay theo mô hình tổ chức mới của Công an TP thì chỉ tổ chức cảnh sát hình sự đặc nhiệm ở cấp TP và ở cấp quận,huyện.
“Trong buổi kiểm tra công tác năm của Công an TP ngày 1-12, Bộ trưởng Bộ Công an có chỉ đạo TP nghiên cứu cụ thể tình hình thực tế, có suy nghĩ, đề xuất mô hình phù hợp để lực lượng cảnh sát hình sự đặc nhiệm hoạt động có hiệu quả hơn” - ông Phong thông tin.
Trung tướng Lê Đông Phong trả lời đại biểu về lực lượng hình sự đặc nhiệm. Ảnh: HOÀNG GIANG
Theo tướng Phong, lực lượng hình sự đặc nhiệm có vai trò rất quan trọng và phát huy hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Công tác nghiệp vụ của lực lượng này phải có chiều sâu hơn, chủ động nắm tình hình, phải có định hướng trước thì mới ngăn chặn được đối tượng.
Nếu hình sự đặc nhiệm đi tuần tra mà không có mục tiêu thì không khác gì cảnh sát cơ động, rất lãng phí. Từ đó, ông khẳng định Công an TP đang có hướng chấn chỉnh để lực lượng này hoạt động hiệu quả.
Về hoạt động của Tổ công tác 363, Trung tướng Lê Đông Phong cho biết đây là lực lượng hỗ trợ tăng thêm cho biện pháp tuần tra công khai. Điều đặc biệt là tổ 363 được bố trí lực lượng hỗn hợp, trong đó trinh sát hình sự cùng phối hợp nhưng không đi cùng xe mà phát hiện mục tiêu để lực lượng công khai chặn bắt.
“Tổ 363 phát huy được hiệu quả, đó là biện pháp góp phần kéo giảm tội phạm trong tình hình rất phức tạp trong năm vừa qua. Cụ thể, chúng ta đã giảm được sâu và có phần ngăn ngừa được tội phạm. Nhức nhối nhất là cướp giật nhưng cũng giảm được 10%. Cướp giật dù xảy ra một vụ cũng là gây chấn động, gây bất an nên chúng tôi không bao giờ tự mãn trước kết quả thống kê, luôn suy nghĩ làm sao cho hiệu quả hơn” - tướng Phong nhìn nhận.
Về việc thiếu CSKV, Trung tướng Lê Đông Phong cho biết hiện đơn vị này chỉ bố trí 31% công an ở cấp TP, còn lại đưa xuống cơ sở.
“Giải pháp của chúng tôi là điều tiết trong nội bộ lực lượng để làm sao ở những địa bàn phường loại 1 (tức phức tạp về an ninh trật tự) không để thiếu CSKV. Còn những nơi không phức tạp thì CSKV có thể vai trò chính ở “ô” này nhưng kiêm nhiệm ở “ô” khác, nhằm khắc phục tình trạng thiếu” - ông Phong nói.
Cũng theo tướng Phong, Công an TP phấn đấu không để thiếu lực lượng, nhất là ở khu vực phức tạp. Vì vậy, Công an TP tiếp tục thực hiện chủ trương đưa công an chính quy xuống xã, tăng năng lực cho công an cơ sở.
Không có chuyện công an đùn đẩy khi tiếp nhận tin báo
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý cho biết có tình trạng người dân phản ánh rằng, những vụ việc gây mất an ninh trật tự tại một khu vực ở địa phương này, dù rất gần trụ sở cơ quan công an tại địa phương giáp ranh nhưng khi người dân đến thông tin thì công an từ chối xử lý hoặc chậm phối hợp do không thuộc khu vực mình quản lý.
Trả lời thắc mắc của bà Ý, Trung tướng Lê Đông Phong khẳng định: Vấn đề giải quyết tin báo tố giác tội phạm, công an đã quy định rất cụ thể trách nhiệm công an cơ sở, trực ban.
"Chúng tôi quy định cứ người dân đến báo thì phải ghi nhận, còn thuộc trách nhiệm của ai thì chúng ta sẽ phối hợp với nhau để xử lý, chứ không có đùn đẩy, không có chuyển người ta đi đầu này đầu nọ. Chúng tôi sẽ có kiểm tra, chấn chỉnh để việc thực hiện trách nhiệm công an cơ sở tốt hơn, thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong đảm bảo an ninh trật tự cơ sở” - ông nói.
|