Kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, gia tăng dân số, đô thị phát triển manh mún, dàn trải…, những vấn nạn của đô thị TP.HCM tiếp tục được nhận diện cùng giải pháp đã được đưa ra tại hội thảo “Quy hoạch đô thị TP.HCM, thực tiễn và cơ hội đầu tư” do Sở Quy hoạch-Kiến trúc (QH-KT) phối hợp với Trung tâm tin tức VTV 24 tổ chứcngày 30-10.
Cần hơn 2 triệu tỉ đồng cho đầu tư phát triển
Ông Lý Khánh Tâm Thảo, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở QH-KT, cho hay ba thách thức lớn của đô thị TP hiện hữu là đô thị mở rộng từ trung tâm nhưng phát triển dàn trải. Mô hình nhà ở riêng lẻ vẫn là chủ yếu dẫn đến sử dụng đất chưa hiệu quả, gây áp lực lớn về giao thông cũng như đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Thứ hai, TP là đô thị có nhiều phong cách kiến trúc và cảnh quan khác nhau, việc phát triển TP phải luôn đi đôi với giữ gìn bản sắc đô thị. Thứ ba chính là thách thức rất lớn từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng. “Nếu TP không có giải pháp ứng phó thì rất có khả năng trong tương lai 18% diện tích của TP có khả năng bị ngập trong nước” - ông Thảo nói.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, tổng vốn đầu tư để phát triển kinh tế-xã hội TP giai đoạn 2016-2020 là 2,1 triệu tỉ đồng. Trong đó, ngân sách TP chỉ đáp ứng khoảng 9%, tương đương khoảng 171.000 tỉ đồng, còn lại là huy động từ các nguồn lực trong và ngoài nước.
Bà Hoa cho hay TP đang tập trung thực hiện bảy chương trình đột phá trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó có các chương trình giảm ngập nước, giảm kẹt xe và chỉnh trang đô thị.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Long, nhận xét kinh phí “khủng” mà phó giám đốc Sở KH&ĐT nêu trên thì có tới 2/3 là để giải quyết các câu chuyện của quá khứ.
“Hiện nay, TP đang phải bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để thực hiện bảy chương trình đột phá. Trong đó có tới 2/3 để giải quyết chuyện của quá khứ như tắc nghẽn giao thông, ngập lụt. Bài toán này nếu được tính trước thì đã không phải giải ngày hôm nay” - ông Quang nói.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến: “Quy hoạch đang có nhiều hạn chế”. Ảnh: V.HOA
Trả giá cho những sai lầm về quy hoạch
Trao đổi về những thách thức của TP, ông Michel Fanni, Giám đốc phát triển và cải tiến đô thị cho đô thị mới Marne la Vallee (Pháp), cho hay TP cần phải có quy hoạch tổng thể và có tầm nhìn dài hạn. Quy hoạch phải đi trước một bước, dự trù được những thách thức trong tương lai để có chiến lược phát triển phù hợp.
Theo ông Michel Fanni, TP phải giải quyết nhiều vấn đề mà thoạt nhìn sẽ mâu thuẫn với nhau. Cụ thể, giải quyết kẹt xe trong khi dân số gia tăng; chống ngập nhưng vẫn phát triển đô thị tại những khu vực ngập lụt; phát triển nhưng vẫn giữ gìn và tạo ra bản sắc đặc trưng của TP. Ông Michel Fanni cho rằng khi điều chỉnh quy hoạch chung, TP phải đưa ra đầu bài đúng, nếu đầu bài sai thì sẽ dẫn tới giải quyết các vấn đề sai. Về chuyện ngập lụt, chuyên gia này cho hay TP phải tìm giải pháp “sống chung” với nó vì đây là vấn nạn chung của nhiều đô thị trên thế giới.
Ông KC Ho, đại diện Tập đoàn AutoDesk châu Á, nhận xét hiện TP đang đầu tư vào công nghệ để góp phần giải quyết các vấn đề của đô thị. Ứng dụng công nghệ sẽ giúp TP quản lý đô thị tốt hơn. “Tuy nhiên, các giải pháp đột phá về công nghệ chỉ giải quyết 10%, chính sách chiếm 10%, còn lại đô thị phát triển thì 80% vẫn là ở con người” - ông KC Ho bày tỏ.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho hay TP.HCM là đô thị đặc biệt, đóng góp ngân sách trung ương năm 2018 hơn 400.000 tỉ đồng, dự kiến năm 2019 khoảng 500.000 tỉ đồng. Ông Tuyến thừa nhận việc TP phát triển quá nhanh trong mấy thập niên qua dẫn đến những hệ lụy mà đến nay TP đang phải trả giá, đó là kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường… “Trong một loạt vấn đề thì hạn chế và yếu kém lớn nhất của TP vẫn là ở khâu quy hoạch, từ khâu lập, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch. Cả ba khâu này đều có nhiều hạn chế” - ông Tuyến nói.
“Lẽ ra khi làm quy hoạch là phải theo khách quan nhưng TP đã làm quy hoạch theo mong muốn chủ quan của TP trong các thời kỳ phát triển. Đây cũng là những hạn chế về kiến thức và nhận thức trong quá trình làm quy hoạch từ những năm 1990. Hiện nay về quy định thì cứ năm năm điều chỉnh quy hoạch một lần nhưng nếu quy hoạch tốt, chẳng hạn như ở châu Âu thì cả trăm năm vẫn không thay đổi” - ông Tuyến nhìn nhận. Ông Tuyến cho hay trong điều chỉnh quy hoạch tổng thể thời gian tới, TP sẽ tính toán làm thế nào để ít nhất là 10 năm mới phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.
Tính đến thời điểm này, trong lĩnh vực chỉnh trang đô thị, TP đã thực hiện 12 dự án bằng nguồn vốn ODA (khoảng 104.000 tỉ đồng). Đồng thời có 22 dự án đang triển khai theo phương thức đối tác công tư PPP với số vốn 170.000 tỉ đồng. TP đang chuẩn bị đấu thầu chọn nhà đầu tư và đàm phán ký kết hợp đồng của 85 dự án với số vốn hơn 400.000 tỉ đồng. Ngoài ra, TP cũng đang kêu gọi đầu tư 253 dự án với số vốn khoảng 870.000 tỉ đồng… |