TP.HCM chuẩn bị 4 kịch bản chống COVID-19, có cả việc dịch tái bùng phát

Chiều 25-10, tại buổi họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP, cho biết hiện nay số ca mắc mới của TP có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao (73.5/100.000 dân/tuần, tương ứng mức 3, nguy cơ cao).

4-kich-ban-dieu-tri-covid

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trả lời tại họp báo. Ảnh: HOÀNG NHÂN

Tuy nhiên, nhờ tỉ lệ tiêm vaccine cho người trên 18 tuổi của TP đạt 99% và tỉ lệ tiêm đủ liều của người trên 65 tuổi đạt 91,8% nên TP được xếp vào nhóm nguy cơ cấp độ 2.

Theo ông Châu, công tác kiểm soát dịch bệnh của TP phải được xem xét và có kế hoạch ứng phó đối với cấp độ 3 (mức nguy cơ cao), do đó cần cực kì thận trọng trong thời điểm này.

Bên cạnh đó, cuối tháng này TP phải hoàn toàn tự lực trong công tác kiểm soát dịch bệnh khi mà hầu hết các đoàn chi viện đến từ các địa phương đã rút đi. 

“Do đó không được chủ quan” – ông Châu nhấn mạnh và bày tỏ lo lắng khi người dân thấy TP đang ở cấp độ 2 nên có phần chủ quan. Ông Châu cho rằng nếu không tuân thủ 5K và các quy định an toàn thì sẽ có nguy cơ lây lan, số ca mắc tăng lên và cũng không ngoại trừ số ca nặng tăng lên.

4-kich-ban-dieu-tri-covid

BV dã chiến số 14 nằm trong kịch bản điều trị, thu dung bệnh nhân nhiễm COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết 128. Ảnh: NGUYỆT NHI

Liên quan đến công tác thu dung, điều trị COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết Sở Y tế đã xây dựng 4 kịch bản ứng phó với dịch bệnh tương ứng từng cấp độ dịch. Cụ thể:

Thứ nhất, tình hình dịch COVID-19 tại TP được kiểm soát tốt, số ca mắc mới tương ứng mức độ 1:

F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ sẽ được điều trị tại nhà. Trường hợp cần nhập viện điều trị sẽ được tiếp nhận bởi bệnh viện (BV) dã chiến thu dung điều trị COVID-19 ba tầng - BV số 16 và khoa COVID-19 tại các BV Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng TP, Từ Dũ để điều trị người mắc COVID-19 với 2.000 giường.

Trong đó có 1.040 giường oxy và 360 giường ICU, 120 giường cho trẻ em và 60 giường cho phụ nữ mang thai.

Thứ hai, tình hình dịch tại TP được kiểm soát, số ca mắc mới tương ứng mức độ dịch 2:

F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ sẽ được điều trị tại nhà.

Trường hợp F0 cần nhập viện điều trị sẽ được tiếp nhận (tùy theo mức độ nặng) bởi hai BV dã TP số 13 và số 16, các BV dã chiến thu dung điều trị COVID-19 quận, huyện; khoa COVID-19 tại các BV Bệnh nhiệt đới, hai bệnh viện chuyên khoa nhi (Nhi đồng TP, Nhi đồng 2); hai bệnh viện chuyên khoa sản (Từ Dũ, Hùng Vương).

Tổng số giường: 11.623 giường, trong đó có 3.815 giường oxy và 803 giường ICU, 180 giường cho trẻ em và 120 giường cho phụ nữ mang thai. 

Thứ ba, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát, số ca mắc mới tương ứng mức độ 3:

F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ sẽ được điều trị tại nhà, do các trạm y tế lưu động chăm sóc và quản lý. Mỗi trạm y tế lưu động quản lý 50-100 F0, do đó cần thành lập thêm 135 trạm y tế lưu động trên địa bàn TP.

Công tác thu dung điều trị tại BV do ba BV dã chiến số 13, số 14, số 16; BV dã chiến thu dung điều trị COVID-19 quận, huyện; ba BV hồi sức COVID-19  gồm Chợ Rẫy, Quân y 175, Bệnh nhiệt đới; ba bệnh viện chuyên khoa nhi (Nhi đồng TP, Nhi đồng 2, Nhi đồng 1) và hai bệnh viện chuyên khoa sản (Từ Dũ, Hùng Vương).

Tổng cộng đạt 11.623 giường, trong đó có 3.815 giường oxy và 803 giường ICU, 180 giường cho trẻ em và 120 giường cho phụ nữ mang thai.

Thứ tư, tình hình dịch tại TP bùng phát trở lại, số ca mắc mới tương ứng mức độ 4:

F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ sẽ được điều trị tại nhà, bên cạnh trạm y tế lưu động thì phường, xã sẽ thành lập thêm các tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng để chăm sóc F0.

Trường hợp F0 cần nhập viện thì huy động toàn bộ các BV, trung tâm hồi sức. Ngoài các BV dã chiến TP và quận, huyện sẵn có thì mỗi quận, huyện phải đảm bảo có một BV dã chiến 300-500 giường.

Đối với F0 nặng, nguy kịch sẽ được chăm sóc và điều trị tại ba BV dã chiến TP, khoa COVID-19 của các BV và ba bệnh viện hồi sức COVID-19. Ước tính có khoảng 16.000 – 19.000 giường điều trị COVID-19, bao gồm 6.500 giường oxy và 2.000 giường ICU.

Yêu cầu giấy xét nghiệm khi vào chung cư là không đúng

Liên quan đến việc yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính khi ra vào các chung cư, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu khẳng định việc này là không đúng.

Theo ông Châu, hiện nay việc xét nghiệm chỉ yêu cầu khi có triệu chứng cần tầm soát, hoặc những người ở khu cách ly, đi từ vùng có cấp độ 4 thì mới cần làm. “Còn đi vào chung cư mà yêu cầu xét nghiệm là thực hiện chưa đúng với tinh thần Nghị quyết 128” – ông Châu khẳng định.

Về việc này, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), khẳng định việc xét nghiệm COVID-19 được quy định trong Quyết định 4800 của Bộ Y tế.

Trong đó, trên cơ sở đánh giá cấp độ dịch, việc xét nghiệm được thực hiện theo địa bàn nguy cơ, những trường hợp có triệu chứng mới xét nghiệm.

Ông lý giải các địa bàn nguy cơ là những nơi tập trung đông người như bến xe, siêu thị, chợ đầu mối… sẽ được xét nghiệm ngẫu nhiên. Bên cạnh đó, nhóm người nguy cơ là người đi lại nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người như shipper, lái xe ôm, giao hàng nhưng xét nghiệm cũng được thực hiện tầm soát ngẫu nhiên chứ không phải xét nghiệm bắt buộc.

Ngoài ra, Quyết định 4800 quy định người dân đi lại từ địa bàn này qua khác chỉ xét nghiệm khi đi từ nơi có cấp độ dịch 4 hoặc đi từ nơi có cấp độ 3 nhưng có nghi ngờ về tiếp xúc gần, liên quan ổ dịch chứ bình thường không phải xét nghiệm khi đi lại. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm