TP.HCM sẽ không phong toả cả khu vực nếu phát hiện 'ổ dịch hộ gia đình'

Chiều 21-10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết quy trình xử lý F0 theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế có khác so với trước đây.

Cụ thể, trước đây khi phát hiện F0 trong cộng đồng thì chiến lược là xử lý triệt để theo tinh thần ‘zero COVID’. Tất cả F0 sẽ được cách ly, điều trị tại các bệnh viện (BV), F1 cũng được cách ly tập trung. Còn khu vực có F0 thì phong toả ở mức độ rộng làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân trong khi việc phong toả này là rộng hơn so với yêu cầu hoặc không đến mức cần thiết.

khong-toa-1-khu-vuc

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: HOÀNG NHÂN

Thực hiện Nghị quyết 128 và Quyết định 4800, Sở Y tế đang triển khai quy trình phát hiện và xử lý F0 tại địa bàn cho các quận, huyện.

Theo đó, việc xác định F0 có bốn cách. Một là thông qua các phòng xét nghiệm được Bộ Y tế công nhận phát hiện F0 và nhập lên phần mềm quản lý chuỗi lây nhiễm; hai là từ xét nghiệm tầm soát các nhóm nguy cơ và nguy cơ cao ở chợ đầu mối, bến xe, siêu thị...; ba là qua việc người dân khám sàng lọc khi đến các BV. Bốn là người dân tự xét nghiệm có kết quả dương tính. 

Sau khi phát hiện F0, danh sách sẽ được chuyển về  trạm y tế địa phương điều tra dịch tễ, xử lý các F1.

Đáng chú ý, ông Hưng chỉ rõ khái niệm ổ dịch hộ gia đình và khẳng định nếu trong khu vực có một hộ có F0 thì địa phương và cơ quan y tế đến khám sàng lọc để đánh giá tình trạng F0 như thế nào. Nếu đủ điều kiện thì cách ly tại nhà, trường hợp có triệu chứng nặng hoặc SP02 dưới 96% thì báo tổ phản ứng nhanh đến cấp cứu, chuyển lên BV tuyến trên.

Khi cách ly tại nhà, bệnh nhân sẽ được phát thuốc, theo dõi, đảm bảo điều trị tại nhà, đồng thời xét nghiệm, theo dõi định kì cả những F1.

“Khác với trước đây là khu vực này sẽ không bị rào lại mà những hộ có F0 thì cách ly trong nhà của họ, còn những người khác trong khu vực chỉ hạn chế chỉ hạn chế tiếp xúc, cần thiết mới ra ngoài, không phải tất cả đều ở trong một khu bị phong toả như trước đây” – ông Hưng nhấn mạnh.

 TP Thủ Đức nhận 20.000 liều vaccine Sputnik V

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), đã làm rõ thông tin về việc TP Thủ Đức tổ chức tiêm vaccine Sputnik V cho người dân.

Theo ông Tâm, tại văn bản số 3320 của UBND TP.HCM ngày 8-10, TP đã giao cho Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM phối hợp với Sở Y tế và UBND TP Thủ Đức tiếp nhận 20.000 liều vaccine Sputnik V do một ngân hàng tại TP tài trợ. Sau đó, vaccine được trực tiếp giao cho UBND TP Thủ Đức chỉ đạo Trung tâm Y tế TP Thủ Đức chủ động tổ chức tiêm chủng, vận động người dân tiêm đảm bảo an toàn, đúng quy định và báo cáo về Sở Y tế.

“Sputnik V là một trong 8 loại vaccine được Bộ Y tế phê duyệt được cho phép sử dụng phòng COVID-19. Do đó, việc tiếp nhận và tổ chức tiêm chủng loại vaccine này của TP Thủ Đức là hoàn toàn đúng quy định” - ông Tâm khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm