TP.HCM đang ở cấp độ mấy theo Nghị quyết 128?

Chiều 19-10, UBND TP.HCM đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với TP Thủ Đức và các quận, huyện về tình hình kinh tế - văn hoá – xã hội, quốc phòng – an ninh, thu chi ngân sách của TP 9 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021.

cap-do-dich-tphcm

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì hội nghị trực tuyến. Ảnh: TTBC

Tại đây, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết số ca mắc COVID-19 mới và số ca bệnh đang điều trị ở TP giảm rõ.

Ví dụ ngày 18-10, TP có 968 ca mắc, trong khi đó vào ngày 28-8 là 17.400 ca; hiện nay TP đang điều trị cho 28.000 F0, còn cách đây hơn 2 tháng là 104.000 F0; số ca tử vong cũng giảm chỉ còn hai con số (47 trường hợp).

Về cấp độ dịch TP hiện nay, theo ông Thượng, ngay trưa 19-10, Sở Y tế đã căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Y tế về thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ để xếp loại.

Theo đó, cách đây đúng một tuần thì cấp độ dịch của TP là cấp độ 3. Còn hôm nay theo cách tính mới của Nghị quyết 128 (Chính Phủ) thì phải tính số ca mắc liên tục hai tuần cộng lại chia đôi. Cụ thể từ ngày 12-10 đến 18-10 TP có hơn 7.000 ca mắc, tuần liền kề trước đó là hơn 11.600 ca; như vậy dựa trên số ca mắc COVID-19 trong hai tuần liên tục trên 100.000 dân thì ra con số 104,5 ca mắc mới/100.000 dân/tuần.

cap-do-dich-tphcm

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TTBC

Bên cạnh đó, về tiêu chí tiêm chủng, TP hiện có 99,8% người dân trên 18 tuổi được tiêm mũi 1, 76,5% người dân được tiêm mũi 2; người trên 50 tuổi được tiêm hai mũi đạt 76,11%; còn người trên 65 tuổi được tiêm hai mũi đạt 77,86%. Như vậy, chỉ tiêu tiêm chủng TP đã đạt.

“Ước tính hôm nay chúng ta đang ở cấp độ 2…” – ông Thượng nói và nhìn nhận điều này nghe cũng vui nhưng ngành y tế rất lo vì thế giới, như Singapore làm rất tốt, nhưng vừa công bố xong thì một tuần sau đã tăng cấp độ.

Ông khẳng định: “Đánh giá cấp độ dịch này chỉ mang tính tức thì ở thời điểm này thôi, chứ không có giá trị mãi mãi; nếu chúng ta chủ quan không làm tốt thì cấp độ dịch sẽ tăng lên, vì chủng Delta này quá phức tạp”.

Qua đó, ông Tăng Chí Thượng cũng nhìn nhận các điểm yếu của hệ thống y tế cần khắc phục. Ông chỉ ra thẳng việc hệ thống y tế dự phòng, hệ thống y tế cơ sở không đủ sức nếu dịch bùng phát dữ dội trở lại với chủng dịch mạnh như Delta, mà chỉ đủ sức chống các bệnh dịch hàng năm như sốt xuất huyết, tay chân miệng. Do đó cần củng cố năng lực hệ thống y tế.

Theo Giám đốc Sở Y tế TP, TP cũng cần phải tái cấu trúc lại hệ thống diều trị đề phòng dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Các bệnh viện phải chuyển đổi, vừa thực hiện chức năng điều trị F0, vừa chữa bệnh thông thường cho người dân. Bởi vừa qua TP dồn sức chống COVID-19 nên người dân chịu thiệt thòi vì các bệnh khác không có chỗ chữa trị.

“Sắp tới sẽ hình thành các khoa COVID ở các bệnh viện đa khoa” – ông Tăng Chí Thượng nói và cho hay các quận, huyện cũng phải khẩn trương xây dựng kế hoạch duy trì trạm y tế lưu động, về lâu dài thì phải củng cố hệ thống y tế phường, xã.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm