Sáng 22-12, lãnh đạo Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã gặp mặt hơn 300 cán bộ cao cấp quân đội nghỉ hưu trên địa bàn TP nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các tướng lĩnh quân đội. Ảnh: MINH THANH
Tại buổi gặp mặt, nhiều tướng lĩnh quân đội bày tỏ vui mừng trước những kết quả mà TP.HCM đạt được trong năm 2019. Qua đó, các tướng lĩnh quân đội cũng chia sẻ, đóng góp các giải pháp để TP.HCM phát triển, đưa TP vượt qua những áp lực đang đối diện.
Quan tâm đến tỉ lệ điều tiết ngân sách, Trung tướng Phạm Văn Dỹ, nguyên Chính ủy Quân khu 7, cho rằng việc chỉ được giữ lại 18% ngân sách như hiện nay là “rất khắc nghiệt” đối với TP.HCM.
Nhưng tướng Dỹ cho rằng đã có những dấu hiệu đáng mừng để trung ương tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM như: Tổng thu ngân sách cả nước năm nay tăng, nợ công giảm xuống còn 56,1%, số lượng tỉnh - thành có khả năng tự chủ tài chính tăng cao…
“Đầu tư cho TP.HCM là khoản đầu tư rất sinh lợi, còn tạo được động lực trực tiếp cho sự phát triển của các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ” - tướng Dỹ nói.
Chia sẻ về vấn đề này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó cứ năm năm lại tăng thêm 1 triệu dân, cùng với dân nhập cư đã gây áp rất lực lớn lên nhiều lĩnh vực như giao thông, nhà ở, trường học, bệnh viện...
Đơn cử như trong giao thông, hiện chỉ mới đạt mức 2 km đường/m2 (bình quân theo chuẩn trên thế giới là 10 km đường/m2), trong khi lượng xe máy và ô tô cá nhân liên tục tăng... làm cho TP thiếu tiền làm đường.
“Nếu sắp tới khi được điều tiết tỉ lệ ngân sách cho TP.HCM tăng cao hơn thì ưu tiên hàng đầu là lo về giao thông” - ông Nhân nói và khẳng định phát triển giao thông là nhiệm vụ trọng điểm của TP.HCM.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi gặp. Ảnh: MINH THANH
Theo ông Nhân, dân số TP.HCM đông cũng dẫn đến vấn đề thiếu nhà ở cho người dân. Hiện nay bình quân một đầu người khoảng 20 m2 (cả nước là 24 m2), diện tích nhà thấp hơn bình quân cả nước. Chính điều này đã tạo áp lực lớn lên các chương trình, mục tiêu lo nhà cho người dân.
Bí thư Thành ủy cũng dẫn chứng nhiều lĩnh vực mà TP đang gặp áp lực lớn như ngập nước, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường...
Vấn đề ngập nước có ba lý do: Mỗi lần mưa lớn hơn, nước biển dâng và mặt đất đang chìm xuống ở các mức độ khác nhau (có chỗ 1 cm mỗi năm). Nước biển dâng cũng 1 cm mỗi năm, đây là thách thức rất lớn.
"Vừa rồi đi Singapore mới biết ở phía Nam nước này cũng đang bị chìm. 50 năm tới Singapore giành 100 tỉ USD để xây đê, làm các hệ thống cống chống ngập nước. Còn TP.HCM chưa tính được cần bao nhiêu tỉ USD, 100 tỉ USD hay 50 tỉ USD chắc cũng không có” - ông Nhân nói và cho biết ngập nước là vấn đề cần phải giải quyết.
Hay như việc ô nhiễm môi trường, trong đó có ô nhiễm không khí, TP.HCM đang nỗ lực khắc phục tốt hơn vì sức khỏe của người dân.
Chính vì thế, người đứng đầu Thành ủy cho biết đầu năm 2020, TP.HCM sẽ trình Bộ Chính trị, Chính phủ và Quốc hội đề án chính quyền đô thị.
Trong đó có vấn đề xin điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP.HCM không phải 18% như hiện nay mà tăng lên theo lộ trình (giai đoạn 2021-2025, tỉ lệ điều tiết là 24%; giai đoạn 2026-2030, tỉ lệ điều tiết là 33% - PV) để giải quyết các áp lực mà TP.HCM đang đối mặt.