TP.HCM có số huyện, xã phải sáp nhập nhiều thứ 2 cả nước

(PLO)- Hiện TP.HCM có số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, xã phải sắp xếp nhiều thứ hai cả nước với 186 đơn vị.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 7-7, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị với các địa phương, sơ kết sáu tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác sáu tháng cuối năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TN

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TN

Có xã, phường đạt trên 2.000% tiêu chuẩn về dân số

Tham luận tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Phạm Thị Hồng Thắm cho hay giai đoạn 2019-2021, TP đã thành lập TP Thủ Đức trên cơ sở sắp xếp ba quận gồm 2, 9 và Thủ Đức. Qua đó, TP.HCM đã giảm được hai đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện và sắp xếp 19 phường còn chín phường. Qua sắp xếp cán bộ dôi dư, TP giảm 170 cán bộ, công chức cấp huyện; 100 cán bộ, công chức cấp xã và 124 người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Cũng theo bà Thắm, hiện các ĐVHC được sắp xếp đã hoạt động ổn định, nhân sự được đảm bảo, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước tại địa phương.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho biết các ĐVHC cấp huyện, xã của TP đa phần có diện tích nhỏ nhưng quy mô dân số rất lớn, thậm chí có xã, phường đạt trên 2.000% tiêu chuẩn về dân số.

Cụ thể, có 11/22 ĐVHC cấp huyện và 217/312 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên; tuy nhiên, có 21/22 ĐVHC cấp huyện và 223/312 ĐVHC cấp xã đạt trên 100% tiêu chuẩn về quy mô dân số. Trong đó, 65 đơn vị đạt 300%-500%, 10 đơn vị đạt 500%-1.000%, năm đơn vị đạt trên 1.000% và một đơn vị đạt trên 2.000% tiêu chuẩn về dân số. Điều này đặt ra rất nhiều khó khăn cho TP.HCM trong nghiên cứu, sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, xã để đảm bảo đạt cả hai tiêu chuẩn về diện tích và dân số.

Bà Thắm thông tin trong thời gian tới, TP.HCM tập trung nghiên cứu, xây dựng đề án sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

TP.HCM gắn kết chặt chẽ giữa việc sắp xếp ĐVHC các cấp với định hướng phát triển đô thị và thành lập ĐVHC đô thị theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2020-2025, đảm bảo việc sắp xếp này sẽ tạo thuận lợi trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng không gian phát triển, nâng cao năng lực quản lý của chính quyền địa phương các cấp.

TP cũng sẽ tập trung thực hiện tốt việc sắp xếp, ổn định bộ máy, nhân sự tại các ĐVHC được sắp xếp, đặc biệt làm tốt công tác tư tưởng, xử lý tốt vấn đề cán bộ dôi dư…

Chênh lệch dân số ở TP.HCM giữa phường đông dân nhất và ít dân nhất lên đến 104 lần.

Sắp xếp huyện, xã phải thận trọng, không nóng vội

Phát biểu sau đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM có hiệu lực từ tháng 8-2023 quy định 44 cơ chế, chính sách thuộc bảy lĩnh vực.

Đáng chú ý, nghị quyết này có nhiều nội dung về tổ chức bộ máy, nhân sự liên quan đến ngành nội vụ, như việc thành lập Sở An toàn thực phẩm, quy định cấp phó của cấp huyện, số lượng cán bộ, công chức cấp xã; đặc biệt là tổ chức bộ máy, nhân sự TP Thủ Đức theo mô hình “TP trực thuộc TP”.

Theo ông Thăng, TP.HCM là địa phương có số lượng ĐVHC cấp huyện, xã phải sắp xếp nhiều thứ hai trong cả nước, chỉ sau Hà Nội (186 đơn vị).

“TP.HCM có phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân với gần 126.000 dân, gấp 8,3 lần so với tiêu chuẩn quy định. Trong khi đó, phường An Lợi Đông, TP Thủ Đức chỉ có hơn 1.200 người. Chênh lệch dân số ở TP.HCM giữa phường đông dân nhất và ít dân nhất lên đến 104 lần” - ông Thăng nói.

Về việc tăng thêm số lượng công chức theo dân số và diện tích, ông Thăng đề nghị TP.HCM chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ tiến hành sơ kết mô hình chính quyền đô thị và triển khai Nghị quyết 98 để thực hiện cho phù hợp.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đặc biệt lưu ý đến việc tập trung tổng lực để quán triệt, triển khai sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 theo Kết luận 48 của Bộ Chính trị và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, yêu cầu đặt ra là phải thận trọng, chắc chắn, kỹ lưỡng, đồng thuận, hiệu quả, không cầu toàn, không nóng vội.

Bà Phạm Thị Thanh Trà cho hay Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về sắp xếp ĐVHC sau ngày 20-7 để địa phương triển khai từ tháng 8-2023 đến tháng 9-2024.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng yêu cầu các địa phương triển khai hiệu quả Nghị định 33/2023 về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Bà nhấn mạnh đến việc phân cấp triệt để cho địa phương gắn với sắp xếp ĐVHC, chuẩn bị một bước liên thông cán bộ, công chức cấp xã với huyện, tỉnh.

Bà Trà cũng đề cập đến nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế và giảm viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Trong đó, tham mưu bảo đảm đến năm 2026 hoàn thành giảm 5% biên chế công chức, giảm 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.•

Quan tâm giải quyết tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đặt ra yêu cầu quan tâm tham mưu giải quyết tích cực, hiệu quả tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm, tình trạng cán bộ bỏ việc, thôi việc.

Bà cũng lưu ý việc xây dựng môi trường văn hóa, thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương và hoàn thiện thể chế, chính sách. Đồng thời, thực hiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và đánh giá tác động của thăng hạng viên chức tiến tới bỏ thăng hạng viên chức.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng nhấn mạnh việc tăng cường thanh tra công vụ để vừa siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ vừa phát hiện nhân tố mới, tích cực, những mô hình hay để nghiên cứu, nhân rộng và kịp thời biểu dương, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, cống hiến vì lợi ích chung…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm