TP.HCM công bố nhóm sản phẩm chủ lực

Ngày 20-10, Sở Công Thương TP.HCM tổ chức Hội nghị công bố Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố và sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp thành phố giai đoạn 2018-2020.

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết sau khi tổ chức các hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp (DN)... Sở đã tham mưu, được UBND TP.HCM chấp thuận ban hành Danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực TP.HCM giai đoạn 2018-2020.

Theo đó, thành phố xác định có bảy nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực gồm: Sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; Sản phẩm thiết bị điện; Sản phẩm từ nhựa cao su; Sản phẩm thực phẩm chế biến, Sản phẩm đồ uống, Sản phẩm điện tử-công nghệ thông tin; Sản phẩm trang phục may sẵn.

Và một nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng gồm sản phẩm thuốc, hóa dược và dược liệu.

Tiêu chí để chọn các sản phẩm chủ lực (SPCL): Sản phẩm có giá trị gia tăng, năng suất lao động cao; có tính thiết kế sáng tạo ưu việt; có hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường. Đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; khả năng thay thế, cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu; không vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ; là DN đăng ký hoạt động theo luật có trụ sở tại TP.HCM…

Đối với nhóm sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp gồm: Sản phẩm cây trồng chủ lực (rau và hoa, cây kiểng); nhóm sản phẩm chăn nuôi chủ lực bò sữa (sữa, con giống); heo (con giống, thịt); nhóm thủy sản chủ lực (tôm nước lợ) trong đó cá cảnh xác định là nhóm sản phẩm có tiềm năng.  

Có sản phẩm cháo tươi được chọn nằm trong nhóm SPCL của thành phố, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Saigon Food, cho biết ban đầu khi sản phẩm đưa ra thị trường thì khó được chấp nhận vì 17.000 đồng/gói trong khi các sản phẩm ngoài thị trường chỉ 3.000 đồng. Nhưng giá này chỉ bằng 1/2, 1/3 so với sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Bên cạnh đó, khi quy mô thị trường đủ lớn sẽ kéo theo cả ngành công nghiệp bao bì phát triển vì hiện nay DN phải nhập khẩu bao bì từ Nhật Bản.

Tương tự đại diện Công ty Cổ phần Vissan bày tỏ niềm tự hào là một trong những DN có nhiều sản phẩm đạt SPCL của TP.HCM. Gồm thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, thực phẩm đông lạnh. Đây là những sản phẩm đại diện cho TP.HCM khi các đoàn thành phố đi xúc tiến trong nước và khu vực. Từ đó giúp DN quảng bá, mở rộng kênh phân phối thị trường trong và ngoài nước. 

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong (cà vạt đỏ) đi tham quan một trong nhóm các sản phẩm chủ lực của thành phố tại hội nghị 

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, đánh giá cao các SPCL được lựa chọn, đây là cơ sở dữ liệu quan trọng đối với thành phố và cả nước để từ đó tập trung đầu tư có trọng tâm trọng điểm nhằm xây dựng nên những thương hiệu mạnh của TP.HCM. Ngoài ra, cũng là cơ sở khoa học để thành phố lập quy hoạch mới phát triển kinh tế-xã hội thành phố giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050.

“Tôi kêu gọi các DN tích cực tham gia hiến kế xây dựng chính sách phát triển SPCL. Đối với DN cần ưu tiên liên kết nhằm khuyến khích tạo đòn bẩy các DN vừa và nhỏ, các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước cùng nhau phát triển, thành phố cam kết tạo mọi điều kiện hỗ trợ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho sự ổn định và phát triển của DN...”, ông Phong nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm