Càng gần hết năm, nhiều công trình rào chắn lớn nhỏ xuất hiện trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM, án ngữ những vị trí giao thông huyết mạch khiến giao thông gặp khó khăn, kinh doanh ế ẩm.
Khổ vì rào chắn
“Tôi kinh doanh ở đây được ba năm thì có tới hai năm gần đến dịp Tết bị lô cốt đào đường trước mặt. Trước đây mỗi ngày bán mấy chục cái mũ nhưng từ khi có công trình ít ai dừng lại mua, một ngày bán được hơn 10 cái là đã nhiều” - chị Nguyễn Huyền Linh, kinh doanh mũ bảo hiểm tại 54A đường Minh Phụng (quận 6), cho biết.
Theo chị Linh, nhiều người kinh doanh nhỏ lẻ khác trên đoạn đường này cũng bắt đầu nghỉ bán vì bị các công trình cản trở. Theo quan sát của PV, trên đoạn đường Minh Phụng có tới 3-4 vị trí rào chắn nhiều tháng nay, có rào chắn băng ngang ngã tư Minh Phụng-Hậu Giang, một nút giao huyết mạch của quận 6.
Tương tự, tại đường Phạm Thế Hiển (quận 8), nhiều nhà dân và cơ sở kinh doanh đang chống chọi với các lô cốt đang thi công. “Chán lắm chú à, không những khách ít đi mà bên trong công trình nhiều công nhân còn tiểu tiện, mùi khai nồng nặc chúng tôi đành phải chịu. Đó là chưa kể thi công kích cống khiến nước không thoát gây ngập thường xuyên” - anh Nguyễn Mộng Tùng, kinh doanh nước tinh khiết bị công trình ở góc Cao Lỗ-Phạm Thế Hiển che khuất, nói.
Ngay sát bên, cửa hàng inox Vinh Bình An của chị Nguyễn Nhi cũng trong tình trạng dở khóc dở cười khi phải di chuyển hàng qua khoảng trống nhỏ mà công trình thi công chừa lại. “Tôi kiến nghị hoài, báo chí cũng xuống hỏi ý kiến rồi phản ánh nhiều nhưng đâu cũng vào đấy, chỉ mong các anh công nhân giữ vệ sinh vì chúng tôi còn sinh sống ở đây. Việc đào đường tôi chỉ mong làm nhanh để còn kiếm ăn dịp cuối năm” - ch Nhi bức xúc.
Lô cốt án ngữ trước một nhà thuốc trên đường Minh Phụng (quận 6). Ảnh: KIÊN CƯỜNG
Chưa đến 100 m có ba lô cốt
Ghi nhận trên nhiều tuyến đường quan trọng khác cũng tồn tại nhiều lô cốt. Tại lô cốt được dựng lên ở ngã tư Lê Văn Linh-Nguyễn Tất Thành (quận 4), PV thấy quần áo công nhân treo đầy bên trong, đất đá đổ đầy nhưng chưa có dấu hiệu đào đường. Tuyến Bến Vân Đồn (quận 4) thì trên một đoạn ngắn có đến bốn lô cốt, cá biệt có lô cốt chiếm mặt đường nhưng bên trong chỉ để tập kết vật liệu.
Dọc đại lộ Võ Văn Kiệt đi qua nhiều quận, ngoài việc đang được thi công nâng cấp, PV còn chứng kiến hàng chục rào chắn màu xanh đặc trưng của dự án cải thiện môi trường nước đang chiếm nhiều không gian khiến việc giao thông của ô tô qua phần đường còn lại rất khó khăn.
Đường Nguyễn Thị Định, tuyến quan trọng ở quận 2, cũng bị bó hẹp không gian giao thông khi các đơn vị đang thi công công trình dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2. Tại đây có một đoạn ngắn chưa đến 100 m mà có đến ba lô cốt chiếm 1/2 mặt đường. Một con đường giao thông luôn dày đặc khác là Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) cũng bị rào chắn do thi công nhánh còn lại của công trình cầu vượt nút giao thông Nguyễn Kiệm-Nguyễn Thái Sơn. Dù giao thông đã được phân luồng nhưng vào giờ cao điểm cũng xảy ra ùn ứ.
Ngoài ra, các công trình mở rộng cầu đang triển khai như cầu Kênh Tẻ (nối quận 4, quận 7), cầu Nguyễn Tri Phương (nối quận 5, quận 8) cũng khiến giao thông những ngày cuối năm của người dân vất vả hơn khi mặt bằng cầu nhỏ lại; người đi bộ, ô tô, xe máy cùng lưu thông chung rất nguy hiểm.
Không những các tuyến đường lớn mà ngay cả những con đường nhỏ và các dự án đào đường liên quan đến hạ tầng khác như điện, cáp cũng đang ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Đơn cử như dự án thi công móng trụ đấu nối cáp ngầm ở đường Tam Đảo (phường 15, quận 10), rào chắn được lập ngay trước quán cà phê Tasa House.
“Tôi cũng không biết sao, tất nhiên là họ vẫn đang tập trung làm, nghe nói trước Tết xong nhưng công trình làm bụi quá mà quán lại ngay sát đường, đó là chưa kể mất luôn chỗ gửi xe khiến doanh thu quán cũng có phần sụt giảm” - anh Nguyễn Phi, quản lý quán Tasa House, thở dài.
127 là tổng số lô cốt hiện có trên 49 tuyến đường thuộc 17/24 quận, huyện để phục vụ thi công các công trình, dự án trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, quận 8 nhiều nhất với 27 lô cốt, kế đến quận 4 có 25 lô cốt, quận 6 có 11 lô cốt, quận 2 có 10 lô cốt… Từ ngày 21-10 đến 20-11, Thanh tra Sở GTVT TP đã kiểm tra, nhắc nhở 119 trường hợp vi phạm của các công trình rào chắn; lập 59 biên bản xử lý vi phạm hành chính với số tiền gần 430 triệu đồng. |
Tổng kiểm tra lô cốt
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM), cho biết trong tuần này đơn vị sẽ kết hợp với Thanh tra Sở GTVT rà soát tổng thể. “Lô cốt nào chỉ rào mà không làm thì ngay lập tức yêu cầu tháo dỡ, cái nào làm chậm thì đôn đốc đẩy nhanh tiến độ” - ông Đường nói.
Trả lời câu hỏi nhiều nơi chỉ dựng lô cốt mà không thấy thi công, ông Nguyễn Bật Hận, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP, giải thích theo quyết định của UBND TP thì công nhân chỉ được thi công từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. “Việc kiểm tra và xử lý là thường xuyên, sắp tới thanh tra cùng các phòng ban của Sở rà soát tất cả vị trí có rào chắn này” - ông Hận nói.
Với các vị trí rào chắn kích cống gây ngập trên đường Phạm Thế Hiển (quận 8), ông Hoàng Đức Quang, chỉ huy trưởng công trình dự án cải thiện môi trường nước, khẳng định đã cử đơn vị xuống thông cống, đảm bảo sinh hoạt người dân không bị ảnh hưởng.
Đại diện Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, đơn vị đang quản lý các công trình mở rộng đường Phạm Hùng, mở rộng cầu Nguyễn Tri Phương, đại lộ Võ Văn Kiệt, cho biết trung tâm đang phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai theo kế hoạch kiểm tra rào chắn của Sở GTVT TP.
“Theo tiến độ, kế hoạch tháo dỡ rào chắn trên đường Võ Văn Kiệt là ngày 25-1-2019, thời gian lập lại các vị trí rào chắn này là sau đó một tháng; tháo dỡ rào chắn cầu Nguyễn Tri Phương là ngày 30-1-2019” - vị đại diện Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn cho biết.
Sẽ xử lý mạnh tay các lô cốt bầy hầy Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM), tuần này Sở GTVT TP sẽ triển khai kiểm tra các công trình đã hoàn thành, công trình đang trong thời gian bảo hành, công trình đang thi công và cả các tổ chức, cá nhân là chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, đơn vị thi công. Với các công trình, sẽ kiểm tra việc chấp hành quy định khi thi công, công tác tổ chức phân luồng, công tác tái lập mặt đường, đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường. “Cách thức kiểm tra là chọn ngẫu nhiên công trình để kiểm tra. Đoàn sẽ kiểm tra trực tiếp tại hiện trường, sau đó sẽ có biên bản kiểm tra và các yêu cầu phải thực hiện nếu có” - ông Đường nhấn mạnh. |