Sáng 30-5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng-an ninh; thu chi ngân sách nhà nước tháng 5 và năm tháng đầu năm 2018.
Điều chỉnh quy hoạch không được mạnh ai nấy làm
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng hiện nay công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch của TP.HCM yếu và còn nhiều bất cập. Hạn chế lớn nhất là công tác lập và thực hiện quy hoạch của TP chưa mang tính hệ thống và đồng bộ. Đơn cử như quy hoạch thủy lợi, cấp thoát nước không phù hợp với nhau…
Từ đó, ông Phong cho biết Sở QH-KT đang tham mưu cho UBND TP về việc điều chỉnh quy hoạch chung của TP. “Quy hoạch chung phải trên cơ sở quy hoạch kinh tế-xã hội vốn đã được Thủ tướng Chính phủ duyệt từ năm 2013. Khi đó, TP chưa có đề án xây dựng đô thị thông minh, chưa có đô thị sáng tạo phía Đông, chưa có quy hoạch không gian ngầm… Vì vậy, giờ muốn điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung thì TP phải điều chỉnh quy hoạch kinh tế-xã hội, sau đó mới điều chỉnh các quy hoạch ngành” - ông Phong nói và cho rằng nếu mạnh ai nấy làm, thiếu người điều hành chung thì sẽ dẫn đến không đồng bộ. Ông đề nghị khi xác lập quy hoạch phải mang tính hệ thống và giải quyết đồng bộ, xác định cốt nền xây dựng của TP.
Ngoài vấn đề quy hoạch, ông Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu các sở, ngành tham mưu cho UBND TP những đề xuất về mặt chính sách trong lĩnh vực mình phụ trách nhằm góp phần tạo ra môi trường sản xuất, kinh doanh hiệu quả, quản lý TP một cách tốt hơn.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đang phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: TÁ LÂM
Cụ thể, Sở TN&MT, Sở KH&ĐT, cùng một số sở có liên quan phải có kế hoạch triển khai chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư của các dự án có thu hồi đất.
Bên cạnh đó, các sở, ngành liên quan tập trung triển khai các đề án về xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, trong năm nay tập trung xây dựng: Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; trung tâm mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội TP; trung tâm điều hành đô thị thông minh; trung tâm an toàn thông tin TP.
Đồng thời các sở, ngành liên quan được giao phụ trách sớm hoàn thiện đề án sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, giao quyền tự chủ, xã hội hóa một số lĩnh vực; đề án sắp xếp lại ban quản lý các dự án của TP; đề án thành lập cơ quan chuyên trách quản lý vốn nhà nước tại TP.HCM.
Vỉa hè bị tái chiếm có thể do bảo kê, dung túng
Được yêu cầu báo cáo, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM, cho biết vấn đề trật tự lòng lề đường được lãnh đạo TP.HCM rất quan tâm nhưng tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường vẫn tiếp tục tái diễn.
“Bản thân tôi có đi thực tế kể cả vào ban đêm và thấy báo, đài phản ánh chính xác. Tình trạng buôn bán lấn chiếm hết vỉa hè khiến người đi bộ không có lối đi, điển hình như ở phường 13 (quận Bình Thạnh), phường 1 và 3 (quận Gò Vấp), đường Nguyễn Thị Thập (quận 7)…” - ông Tường nói.
Ông Tường cho rằng đáng lẽ sau khi báo chí phản ánh, chủ tịch quận, huyện, phường, xã phải có động thái khắc phục. Nhưng đằng này địa phương không chủ động làm mà cứ chờ lãnh đạo UBND TP nhắc nhở.
Về nguyên nhân để tình trạng lấn chiếm vỉa hè gia tăng, ông Tường chỉ ra “có thể là do bảo kê, bao che, dung túng hay có tình trạng buông lỏng địa bàn, năng lực yếu kém không đủ quản lý, hay do đăng ký thì chờ đến cuối tháng mới làm”. Từ đó ông cho rằng người đứng đầu địa phương phải xác định rõ nguyên nhân để giải quyết, khắc phục lập lại trật tự vỉa hè, chứ không thể “nói chung chung rồi khi báo, đài đưa ra lại rơi vào im lìm”.
Ông cũng đề nghị UBND TP cần kiểm tra, khen thưởng nơi làm tốt và phê bình những địa phương chưa hoàn thành nhiệm vụ để cải thiện công tác lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè.
Thu hút vốn nước ngoài của TP.HCM tăng hơn 34% Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM Sử Ngọc Anh cho biết trong năm tháng đầu năm, các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư được chú trọng thực hiện có hiệu quả cao, thúc đẩy tình hình đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài có những kết quả khả quan, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số dự án FDI được cấp mới tiếp tục tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, về đầu tư trong nước, trong năm tháng, TP có 16.493 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 185.517 tỉ đồng (so với cùng kỳ tăng 6,5% về số lượng doanh nghiệp và giảm 4,3% về vốn đăng ký). Về thu hút đầu tư nước ngoài, cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, TP thu hút được 1,85 tỉ đôla Mỹ (tăng 34,7% so với cùng kỳ). |