Chiều 16-6, Ban chỉ đạo về phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM đã tổ chức họp báo về tình hình dịch và các vấn đề kinh tế - xã hội TP.HCM.
Tại buổi họp báo, nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế như thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, dịch sốt xuất huyết, tiêm vaccine… được lãnh đạo các sở, ngành thông tin.
|
Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: LÊ THOA |
Các bệnh viện không thiếu thuốc
Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết thời gian gần đây sự cố liên quan việc mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế xảy ra khá nhiều tại các tỉnh, thành trên cả nước. Do đó nhân viên y tế có tâm lý lo ngại khi mua sắm thuốc vì sợ sai phạm. Riêng tại TP.HCM, Thanh tra Chính phủ đã hoàn tất công tác thanh tra tại các bệnh viện (BV) về công tác mua sắm, kết quả sẽ được công bố chính thức trong nay mai.
Trước tình hình đó, lãnh đạo Sở Y tế đã tiến hành họp với 77 BV đa khoa, trung tâm y tế để xác định vấn đề có thiếu thuốc hay không. “Kết quả chúng tôi ghi nhận rằng hiện tại không thiếu thuốc tại các cơ sở y tế và trung tâm y tế” - bà Như khẳng định.
Bà cho biết thêm hầu hết BV của TP đã có kết quả đấu thầu thuốc, chỉ còn vài BV nữa, trong hai tháng tới sẽ có kết quả. Tuy nhiên, việc cung ứng thuốc khá ổn định, Sở Y tế cũng đã duyệt kế hoạch mua sắm thuốc bổ sung cho các BV trong thời gian chờ kết quả đấu thầu.
Việc cung ứng thuốc khá ổn định, Sở Y tế cũng đã duyệt kế hoạch mua sắm thuốc bổ sung cho các BV trong thời gian chờ kết quả đấu thầu.
“Hai tháng trước đây có tình trạng thiếu thuốc cục bộ, chỉ vài loại thuốc ở BV nhưng nay đã cung ứng đủ” - bà Như nói thêm. Bà cho biết thực hiện chỉ đạo của TP, Sở Y tế thường xuyên rà soát, yêu cầu các BV không để thiếu thuốc, vật tư y tế trong chăm sóc, điều trị cho người bệnh; ngoại trừ một số loại thuốc khá quý hiếm nhiều năm qua, không chỉ thiếu riêng tại TP.HCM mà trên cả nước thì các nhóm này cần sự quan tâm của Bộ Y tế.
Liên quan đến đề án xây dựng trung tâm mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, bà Lê Thiện Quỳnh Như cho biết thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.HCM, Sở Y tế đã xây dựng đề án thành lập trung tâm mua sắm tập trung.
Theo bà Như, giai đoạn đầu dự kiến chỉ tập trung mua thuốc, khi đi vào ổn định thì sẽ mua sắm tập trung trang thiết bị y tế. Việc này được sự đồng thuận rất cao của nhóm nhân viên làm công tác mua sắm. “Sở Y tế đã xây dựng đề án và hiện đang lấy ý kiến các sở, ngành, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức” - bà Như nói và cho biết hiện đề án chưa được trình UBND TP.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Nguyễn Văn Lâm, tính đến chiều 16-6, toàn TP tiếp nhận hơn 66.000 người lao động để chi trả tiền hỗ trợ nhà trọ, chiếm 6,02%; được cơ quan BHXH xác nhận là hơn 8.800 người, chiếm 11,4%.
Tiêm vaccine mũi 4 có lạc quan
Liên quan đến việc tiêm vaccine mũi 4, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết từ lúc phát động chiến dịch tiêm mũi 4 cho đến ngày 13-6 thì TP tiêm được hơn 51.000 mũi, chiếm 0,71%.
Tuy nhiên, hai ngày sau đó (ngày 14 và 15-6), TP đã tiêm được thêm hơn 35.000 mũi; tổng cộng đạt hơn 86.000 mũi, chiếm 1,3%.
Ông Tâm cho biết sau ngày 13-6, TP đã triển khai chiến dịch truyền thông để khuyến khích người dân tiêm mũi 4. “Trước đó trung bình mỗi ngày TP tiêm 2.000 mũi vaccine nhưng hai ngày sau khi phát động đã tiêm trên 35.000 mũi” - ông Tâm nói và cho biết sự phát động của ngành y tế rất đúng hướng, là điểm lạc quan cho việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 của TP.
Theo ông Tâm, sau dịch COVID-19, trở lại cuộc sống bình thường, gần như người dân quên mất sự khốc liệt của đại dịch. Nhiều người nghĩ không cần phải tiêm vaccine nữa, không sợ bị lây… nhưng đây là sai lầm. Ông Tâm cho rằng bất cứ kháng thể gì cũng có tuổi thọ, sau một thời gian sẽ hết tùy thuộc vào loại bệnh, vaccine, kháng thể nhận được và COVID-19 cũng không ngoài quy luật đó.•
Thông tin đau lòng vụ em bé 2 tháng tuổi rơi từ tầng 5 của bệnh viện
Chiều 16-6, BV Nhi đồng TP.HCM đã cung cấp thông tin về trường hợp trẻ điều trị nội trú rơi từ tầng năm của BV xuống đất.
Theo đó, lúc 10 giờ ngày 14-6, bà PTQ (ngụ Long An) cùng chồng đưa con trai NPH (gần hai tháng tuổi) đến khám tại BV Nhi đồng TP. Qua thăm khám, các bác sĩ ghi nhận bé ổn định; mẹ khai bé bú ít, ho nhiều và khó ngủ. Bé được thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán viêm tiểu phế quản trên trào ngược dạ dày thực quản, có chỉ định nhập viện.
Đến 13 giờ 10 cùng ngày, bé cùng mẹ nhập viện vào khu nội trú tầng ba; còn cha bé ngồi chờ tại căn tin tầng trệt BV.
Đến 15 giờ, BV phát hiện bé rơi xuống đất từ tầng năm và nhanh chóng chuyển vào Khoa cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, ngưng tim, ngưng thở. Tại đây, bé được hồi sức tích cực và có nhịp tim trở lại. Kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) cho thấy bé bị phù não lan tỏa, xuất huyết não cấp ở nhiều nơi, thoát vị tiểu não, vỡ phức tạp vùng sọ mặt, vỡ sàng sọ trước, xuất huyết phổi, tràn khí màng phổi.
Dù được tích cực chữa trị nhưng do tình trạng chấn thương quá nặng, bé tử vong lúc 18 giờ cùng ngày.
Theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan công an, bà Q bế bé từ tầng ba đi thang máy lên tầng năm trong khu nội trú, thả bé xuống qua cửa thông gió. Vụ việc đang được cơ quan CSĐT thụ lý.