Chiều 10-10, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị 9 đã tiếp xúc với cử tri quận 7, quận 4, huyện Nhà Bè trước kỳ họp thứ sáu, QH khoá XV.
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri bày tỏ quan tâm đến tình trạng kẹt xe, ngập nước trên địa bàn.
Mong sớm làm xong công trình chống ngập 10.000 tỉ đồng
Cử tri Nguyễn Xuân Mừng, quận 7, cho rằng nếu TP.HCM không giải quyết được tình trạng kẹt xe và ngập nước thì sẽ kìm hãm sự phát triển của TP. Theo cử tri Mừng, thực trạng này ai cũng biết, giải pháp được đặt ra nhiều nhưng liên quan quá nhiều lĩnh vực, cùng lúc không thể giải quyết hết được mà có bước đi, lộ trình, biện pháp căn cơ nhất.
Ông Mừng cũng chia sẻ việc mỗi lần từ quận 7 qua trung tâm TP đều gặp phải tình trạng kẹt xe khủng khiếp. "TP đã có giải pháp nào để giải quyết vấn đề này?” - cử tri Mừng nói và đề nghị TP nghiên cứu chính sách giãn dân ra khỏi trung tâm TP để giảm kẹt xe, chẳng hạn đưa các trường đại học ra ngoại đô.
Cử tri Mừng cũng lo lắng về dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng. Ông nói: “Cách đây hai, ba năm, tôi nghe nói chúng ta có tiền để tiếp tục làm rồi nhưng đến nay thì thế nào, khi nào thì mới xong? Tôi đề nghị cần làm sớm dự án này để chống ngập cho TP".
Còn cử tri Phí Ngọc Ninh, huyện Nhà Bè, cho biết mấy tuần qua mưa lớn kéo dài, triều cường dâng lên khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện ngập sâu, kẹt xe cả sáng lẫn chiều.
“Chúng tôi biết TP đang xây dựng hệ thống chống ngập, thoát nước, đề nghị đẩy nhanh tiến độ để giúp giảm ô nhiễm môi trường, giải quyết cơ bản việc ngập nước tại TP, người dân được thuận tiện trong đi lại…” - cử tri Ninh nói.
Khẩn trương tháo gỡ vốn cho dự án chống ngập
Ghi nhận ý kiến của cử tri, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đề nghị Văn phòng Đoàn ĐBQH TP tổng hợp đầy đủ những vấn đề thuộc UBND TP, sở, ngành và gửi đúng cơ quan giải quyết. Những việc thuộc quận, huyện, phường, xã đã rõ thì địa phương tiếp nhận và chỉ đạo theo thẩm quyền, không đợi TP.
Liên quan đến dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng, ông Phan Văn Mãi nhìn nhận đây là dự án vướng mắc mà TP đang dành nhiều công sức tập trung tháo gỡ.
Theo ông Mãi, sau khi khởi động trở lại thì dự án phải dừng do nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính. Đến giờ này, khối lượng chung của dự án đã hoàn thành trên 90%, để hoàn thành công việc còn lại cần khoảng 1.800 tỉ đồng.
“Hiện còn giải pháp là TP đề xuất cho phép có cơ chế thanh toán sớm hoặc có cơ chế về tài chính từ TP để nhà đầu tư hoàn thành” – ông Mãi nói và cho biết năm 2023, ngân sách Trung ương và TP dành cho đầu tư công là 68.000 tỉ đồng, ngân sách TP đã dành 5.700 tỉ đồng đề trả nợ cho dự án này. Tuy nhiên do dự án chưa xong nên chưa thanh toán.
Thực hiện Nghị quyết 98, đến giờ này, HĐND TP.HCM đã thông qua 12/28 nội dung còn UBND TP.HCM đã hoàn thành và đang hoàn thành 14/25 nội dung, đạt 50% công việc thuộc thẩm quyền của HĐND và UBND TP. TP.HCM sẽ phấn đấu hoàn thành các công tác cụ thể hoá Nghị quyết 98 trong năm 2023 để tổ chức thực hiện từ năm 2024.
Chủ tịch UBND TP.HCM PHAN VĂN MÃI
Ông Mãi cho biết TP đang xin cơ chế về việc này và hồ sơ đã chuyển đến Thủ tướng.
“Nếu được thì cho chúng ta sử dụng một phần trong 5.700 tỉ đồng, gắn với khối lượng phía nhà đầu tư đã kiểm toán rồi (khoảng trên 3.200 tỉ đồng) để cho vay, hoặc thanh toán sớm với một khoản tiền đủ để nhà đầu tư hoàn thành dự án. Sau đó kiểm toán, nghiệm thu, thanh toán theo hợp đồng” – ông Mãi nói rõ và khẳng định TP đang khẩn trương tháo gỡ các điều kiện về vốn trong năm nay để sớm khởi động lại dự án.
“Nếu như có vốn thì nhà đầu tư cần 1,5 tháng để chuẩn bị và sáu tháng để hoàn thành dự án” – ông Mãi thông tin và đề nghị các địa phương khảo sát, có đề nghị giải pháp xử lý những điểm ngập cụ thể khác giúp đời sống bà con tốt hơn.
Về việc người dân sống trên ghe thuyền tại Kênh Tẻ, quận 7, Chủ tịch Phan Văn Mãi nhìn nhận việc bà con sống trên ghe (còn gọi là thương hồ) đã có từ rất lâu, đây là nét văn hoá và cần có sự đồng cảm, chia sẻ nhiều hơn.
Ông gợi ý quận 7 nghiên cứu xem có điểm nào có thể làm nơi tập kết, neo đậu an toàn thì quy hoạch, tạo điều kiện và có công trình phụ, giúp bà con có nơi sinh hoạt an toàn, tiện lợi, đảm bảo an ninh trật, vệ sinh môi trường.
“Đời sống thương hồ là một thực tế của Sài Gòn - TP.HCM, nếu chúng ta là TP nghĩa tình, quan tâm đến lực lượng này thì có thể vận động bà con lên bờ, nếu bà con không lên bờ được thì tạo điều kiện sinh hoạt, sống an toàn, tiện lợi nhất có thể” - ông Mãi nói.
Có thể không phải sắp xếp đến 6 quận và 149 phường
Về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP đang nghiên cứu triển khai theo các nghị quyết của Trung ương, hiện chưa xác định cụ thể phương án.
Dự kiến đến cuối tháng 10, TP.HCM sẽ trình Bộ Nội vụ phương án để thẩm định, sau khi Chính phủ thống nhất mới trình Uỷ ban Thường vụ QH. Do đó dự kiến cuối năm 2023 mới có phương án sắp xếp.
Ông Mãi cho biết căn cứ hai tiêu chuẩn về diện tích và dân số thì TP.HCM phải sắp xếp sáu ĐVHC cấp huyện và 149 ĐVHC cấp xã. Tuy nhiên, TP cũng xem xét những yếu tố đặc thù để đề xuất những địa phương không phải sắp xếp. Hiện, UBND TP đã trình Ban Thường vụ Thành uỷ việc sắp xếp cho hợp lý với tinh thần ổn định để phát triển.
“Nếu như việc xem xét điều kiện đặc thù này được cấp có thẩm quyền xem xét thì có thể không phải sắp xếp sáu ĐVHC cấp huyện. Còn đối với 149 ĐVHC cấp xã thì chúng ta đang làm, đang thuyết phục, trình cơ quan có thẩm quyền để tính toán số lượng cần sắp xếp” – ông Mãi thông tin và khẳng định “bây giờ chưa nói được sẽ sắp xếp bao nhiêu quận, huyện, xã, phường”.