ĐBQH TP.HCM lo lắng khi cứ chuyển đổi đất lúa, đất phòng hộ sang bất động sản

Chiều 29-10, kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá XV đã thảo luận tại tổ về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

dbqh-tphcm-dat-trong-lua

Đoàn ĐBQH TP.HCM thảo luận tổ vào chiều 29-10. Ảnh: LÊ THOA

Tại đây, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM bày tỏ quan tâm đến quy hoạch sử dụng đất.

ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu ý kiến:”Tôi rất lo lắng khi thấy chúng ta chạy theo GDP và cứ muốn chuyển đổi đất phòng hộ, đất nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt sang bất động sản, du lịch”. ĐB Nghĩa cho rằng một trong những thế mạnh của Việt Nam là xuất khẩu lương thực, mà muốn vậy thì phải có đất.

“Qua mấy nhiệm kì rồi tôi chứng kiến Quốc hội thông qua chuyển đổi đất lúa, mỗi nhiệm kì giảm xuống, chưa kể vi phạm của từng địa phương. Tôi đồng ý là phải chuyển đổi, trồng lúa không có hiệu quả thì chuyển sang đất vườn, đất đô thị, không giữ diện tích trồng lúa quá nhiều làm gì, nhưng nếu tính tổng thể thì phải thận trọng” – ĐB Nghĩa nêu ý kiến.

Tương tự, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết kiến nghị Chính phủ cần rà soát, hạn chế việc chuyển đổi đất lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa tại các vùng có tiềm năng trồng lúa sang các vùng đất phi nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực.

“Tôi rất lo ngại khi nhiều tỉnh thành chuyển mục đích đất trồng lúa sang đất công nghiệp, hay các dự án nhà ở, vì khi đã chuyển đổi đất trồng lúa sang mục đích khác thì không thể phục hồi để sản xuất nông nghiệp lại được” – bà Tuyết nêu.

Bên cạnh đó, ĐB Tuyết đề nghị xem xét giảm diện tích đất trồng lúa tại TP.HCM để giúp TP chuyển đổi diện tích đất này sang các mục đích khác, nhằm tránh lãng phí vì hiện nay việc trồng lúa tại TP không đạt hiệu quả, không đạt lợi nhuận cho người dân.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM còn cho rằng Chính phủ cần báo cáo rõ hơn với Quốc hội về việc giảm diện tích đất rừng phòng hộ trên cả nước, nhất là các địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai bão lũ hàng năm. “Hai năm gần đây, ảnh hưởng của bão lũ là rất lớn, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ việc sử dụng rừng phòng hộ sang mục đích khác; còn trồng lại rừng phòng hộ như thế nào thì chưa thấy đề cập” – ĐB Tuyết nói.

dbqh-tran-hoang-ngan

ĐBQH Trần Hoàng Ngân phát biểu tại thảo luận tổ, chiều 29-10. Ảnh: LÊ THOA

Còn ĐBQH TP.HCM Trần Hoàng Ngân nhìn nhận, tài sản công trong các đơn vị hành chính sự nghiệp công lập đang bị bế tắc, thiếu cơ chế để sử dụng hiệu quả khối tài sản này. Ông đề nghị UBND TP.HCM cần xem xét có cơ chế sử dụng hiệu quả tài sản công, làm sao tránh lãng phí, bỏ hoang.

Chưa kể, trong việc bán một số tài sản công của cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn TP theo tinh thần Nghị quyết 54, cần có sự hợp tác của các cơ quan, tránh lãng phí, bỏ hoang khiến cử tri bức xúc.

Ông cũng đề nghị cần nhanh chóng xử lý 12 dự án thua lỗ kéo dài của ngành công thương, tránh gây ảnh hưởng đến uy tín của kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.

Cán bộ làm trái luật nhưng không tư túi thì xử sao?

Tại buổi thảo luận tổ, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nhìn nhận để chuyển đổi cơ cấu kinh tế cần phải hoàn thiện thể chế.

Ông cho rằng có những sự việc đã xảy ra nhưng 10 năm sau mới có kết luận là sai. “Nếu sai vì tiêu cực, vì tham nhũng thì phải nghiêm trị” – ĐB Nghĩa nói và cho rằng còn nếu sai vì chính sách luật pháp thay đổi mà gây thiệt hại thì có thể xử lý kỉ luật. Bởi trên thực tế có nhiều cán bộ đóng góp nhiều, khi xử lý thì không thấy có dấu hiệu tham nhũng, tư túi hay vụ lợi gì cả.

Còn ĐB Nguyễn Thiện Nhân cho rằng trong việc hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện cho đất nước phát triển thì nguyên tắc luật pháp là những quy định phù hợp với số đông và có tác dụng dài hạn. “Tuy nhiên nếu cuộc sống xuất hiện những vấn đề có tính đặc thù, chưa phù hợp với cái chung đó thì cách giải quyết ở đây là trường hợp nào muốn làm trái luật pháp thì xin làm thí điểm” – ĐB Nhân nói và khẳng định việc này đã được Đảng định hướng.

“Do đó, mình phải có đề án làm trái, chứ không phải mình không nói gì cả mà cứ làm trái, rồi làm trái xong thì nói muốn đổi mới thể chế” – ĐB Nhân phân tích thêm và cho rằng không thể cứ làm trái rồi lấy lý do vì sự phát triển.

Theo ĐB Nhân, cá nhân khi làm trái quy định thì ít nhất phải báo cáo cấp ủy, cho thấy chính sách này không hợp lý, cần làm khác đi. Còn nếu cái khác này liên quan đến hướng dẫn của Chính phủ thì đề nghị làm trái Nghị định, không trái luật; còn nếu trái Nghị quyết của luật thì xin làm thí điểm. Ông dẫn chứng việc làm khác luật của TP.HCM chính là xin thực hiện Nghị quyết 54.

Ông khẳng định: “Những việc làm trái luật pháp, nếu có ý thức đầy đủ thì chúng ta phải lập tức có ý kiến công khai đàng hoàng, còn khi mình trình bày rồi mà ở trên không cho làm thì đành chịu, chứ không nên xác định là tôi làm trái nhưng không tư túi. Anh không tư túi nhưng anh có thể gây hại”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm