UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi các bộ, ngành đề nghị sớm có ý kiến đối với “Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ”.
Theo chính quyền thành phố, đến nay địa phương mới nhận được 9/16 ý kiến góp ý của 6 bộ ngành gồm: Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và ba địa phương liên quan là Đồng Nai, Bình Dương và Long An.
Để có cơ sở tổng hợp ý kiến, hoàn thiện đề án theo chỉ đạo của Thủ tướng, UBND TP.HCM đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ VH-TT&DL, Bộ Thông tin và truyền thông, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu… có ý kiến đối với đề án trên trước ngày 18-1, để thành phố tổng hợp trình Thủ tướng.
Như PLO đưa tin, cuối tháng 11-2023, TP.HCM gửi các bộ, ngành trung ương lấy ý kiến đề án phát triển cảng Cần Giờ.
Theo đó, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được đề xuất đặt tại khu vực cù lao Phú Lợi, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ.
Cảng có tổng chiều dài mặt sông là 7,2km, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay 24.000 Teus.
Tổng mức đầu tư dự kiến gần 5,4 tỉ USD. Dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn, dự kiến hoàn thành vào năm 2045. Trong đó, giai đoạn 1 dự án sẽ xong vào năm 2027.
Nguồn thu 34.000-40.000 tỉ đồng mỗi năm được tính toán sơ bộ khi dự án cảng đầu tư hoàn chỉnh đạt công suất thiết kế vào năm 2045. Nguồn này lấy từ các khoản thuế hoạt động bốc xếp, lưu bãi của doanh nghiệp cảng; thuế thu nhập doanh nghiệp cùng các loại phí hàng hải, thuê mặt nước...
Cạnh đó, theo đề án, cảng ở Cần Giờ sẽ thu hút vốn lớn từ các doanh nghiệp tham gia đầu tư, tạo việc làm cho khoảng 6.000-8.000 nhân viên, lao động tại cảng cùng hàng chục nghìn người phục vụ ở khối hậu cần, trung tâm logistics sau cảng...
Mới đây nhất, trong cuộc làm việc với chính quyền TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng dành sự quan tâm lớn cho dự án này.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ GTVT cần khẩn trương rà soát, bổ sung chức năng khu bến cảng Cần Giờ tại Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, phối hợp với TP.HCM thực hiện trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang mục đích khác tại Cần Giờ, trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tác động, lắng nghe ý kiến, nhất là về bảo vệ rừng ngập mặn, hoàn thành trong quý I năm 2024.
Người đứng đầu chính phủ cũng cho biết định hướng quy hoạch đang xây dựng cảng trung chuyển quốc tế của vùng bao gồm cảng Cái Mép và Cần Giờ, không phải Cái Mép riêng, Cần Giờ riêng. Hai cảng này sẽ kết hợp tạo thành trung tâm logistics lớn của vùng và của cả nước.
“Khi đưa ra một chủ trương lớn, vượt tầm, có tính chất đột phá, xoay chuyển tình thế không thể có sự đồng thuận hết, mà nếu chờ đồng thuận hết thì chẳng bao giờ làm được” - Thủ tướng nhấn mạnh.