TP.HCM đề xuất cách gỡ vướng việc xét duyệt mua nhà ở xã hội

(PLO)- Sở Xây dựng đề xuất theo hướng chỉ xác nhận thường trú, tạm trú hoặc chỉ xác nhận chữ ký và giao đương sự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin do đương sự cung cấp.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 9-11, tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế- xã hội, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM đã trả lời thông tin phản ánh của báo chí việc người mua nhà ở xã hội đang gặp phải vướng mắc khi xét duyệt.

Cụ thể, người muốn hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội phải đảm bảo chưa có nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình. Nhưng theo quy định, hộ gia đình bao gồm tất cả những người có tên trong sổ hộ khẩu, cùng đăng ký thường trú, tạm trú tại một địa chỉ được cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

2. Ông Hồ Ngọc Việt, Phó Trưởng Phòng Quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng (1).JPG
Ông Hồ Ngọc Việt Phó trưởng phòng Quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng TP.HCM trả lời thông tin báo chí nêu ra. Ảnh: THÀNH NHÂN

Thông tin đến báo chí, Phó trưởng phòng Quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng TP.HCM, ông Hồ Ngọc Việt cho biết các mẫu 1, mẫu 3, mẫu 4 phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 09/2021 của Bộ Xây dựng có nội dung "Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình".

Tại điều 7 Nghị định 104/2022 của Chính phủ thì lại nêu "hộ gia đình, cá nhân là người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký thường trú đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú".

Thực tế, hộ gia đình có thể gồm nhiều gia đình nhỏ (vợ, chồng, con). Ví dụ, ông A có 3 người con là X, Y, Z và X, Y, Z có vợ (chồng) và con là X1, X2, X3; Y1,Y2,Y3; Z1, Z2, Z3... Chưa kể, có trường hợp trong hộ gia đình chỉ có vợ, chồng và con đăng ký thường trú; hoặc người ở nhờ cũng cùng đăng ký cư trú.

Như vậy, việc quy định "chưa có nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình” sẽ dẫn đến việc hộ gia đình có nhiều người, nhiều thế hệ cùng đăng ký thường trú khó được hưởng chính sách về nhà ở xã hội.

Vì vậy, Sở Xây dựng đã có văn bản báo cáo UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, hướng dẫn theo hướng xác định hộ gia đình chỉ bao gồm cha, mẹ và con chưa thành niên, tạo điều kiện cho các trường hợp có khó khăn về chỗ ở được hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Ông Việt cũng nêu thực tế, khi làm hồ sơ thì hầu hết đương sự khai chưa có nhà thuộc sở hữu của hộ gia đình. Tuy nhiên, nhiều trường hợp UBND cấp xã không xác nhận theo mẫu, vì cho rằng chỉ có thể xác nhận đương sự có sở hữu nhà hay không tại căn nhà đang thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn.

Hoặc cũng có UBND cấp xã chỉ xác nhận chữ ký hoặc chỉ xác nhận đương sự tự cam kết và chịu trách nhiệm. Như vậy, xác nhận như trên UBND cấp xã không đảm bảo đúng yêu cầu theo Thông tư 09/2021.

Vì vậy, trường hợp yêu cầu phải xác nhận đúng theo mẫu sẽ gây khó khăn cho UBND cấp xã và gây ách tắc trong giải quyết hồ sơ xét duyệt đối tượng được hưởng chính sách xã hội.

Để tháo gỡ vướng mắc này, Sở Xây dựng đã có đề xuất theo hướng chỉ xác nhận thường trú, tạm trú hoặc chỉ xác nhận chữ ký và giao đương sự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin do đương sự cung cấp, trường hợp khai không đúng thì thu hồi theo Luật Nhà ở.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm