Ngày 11-8, thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, số ca mắc bệnh tay-chân-miệng (TCM) trên địa bàn TP tuần qua có xu hướng giảm nhẹ.
Dịch bệnh bắt đầu giảm nhẹ
BS CKII Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc BV Nhi đồng Thành phố, cho biết từ đầu tháng 8-2023, số ca TCM điều trị tại khoa có giảm so với trước. Trước đây, mỗi tuần khoa tiếp nhận 8-10 ca thở máy, hai tuần rồi chỉ tiếp nhận khoảng 5-6 ca thở máy, không có ca nặng độ IV phải lọc máu.
TS-BS Phan Tứ Quý, Trưởng khoa Cấp cứu - hồi sức tích cực - chống độc trẻ em BV Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), cho biết mỗi ngày BV vẫn tiếp nhận khám ngoại trú khoảng 80 ca TCM. Cách đây hai tuần, khoa tiếp nhận khoảng 14-15 ca nặng, hiện giảm còn 8-10 ca và chỉ có thở máy, không có ca lọc máu.
Một bệnh nhi mắc bệnh tay-chân-miệng đang điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
“Tuy nhiên việc giảm nhẹ trong một, hai tuần cũng chưa nói lên được điều gì. Muốn biết xu hướng tăng, giảm phải theo dõi thời gian khoảng một tháng” - BS Quý nhận định.
Tại BV Nhi đồng 2, BS CKI Trần Ngọc Lưu, khoa Nhiễm, cho biết hiện số ca TCM nhập viện đã giảm so với tuần trước đó. Tuy nhiên, số ca nặng vẫn còn, vài ca nặng độ IV phải lọc máu ở khu Hồi sức - nhiễm.
Tình hình tại BV Nhi đồng 1, theo PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, vẫn còn ca nặng. Hiện tại khoa đang điều trị 10 ca TCM nặng, trong đó có tám trẻ phải thở máy.
BV mừng vì thuốc điều trị đã về Việt Nam
Theo BS Thy, thời gian qua nhiều BV tại TP.HCM rơi vào tình trạng thiếu thuốc phenobarbital dạng tiêm điều trị bệnh TCM. Do đó, các bác sĩ đã phải sử dụng thuốc dạng uống và các thuốc thay thế giúp trẻ bị bệnh ổn định não, không co giật.
“Thuốc dạng uống cũng có hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, khi có thuốc phenobarbital dạng tiêm chắc chắn hiệu quả điều trị sẽ tốt hơn, ngăn chặn được bệnh chuyển từ độ II sang độ III. Khi nghe tin thuốc điều trị TCM đã về Việt Nam sau thời gian dài gián đoạn, tôi mừng lắm” - BS Thy nói.
“Phenobarbital giúp hỗ trợ điều trị bệnh nhân TCM độ IIB, độ III, có vai trò cắt các cơn co giật kéo dài. Có thuốc phenobarbital dạng tiêm sẽ giúp ổn định bệnh nhi nhanh hơn, dễ theo dõi hơn” - BS Quý cho hay.
Tương tự, BS Quang cũng cho biết thuốc phenobarbital điều trị hiệu quả các triệu chứng thần kinh như giật mình chới với, run giật, co giật... trong bệnh TCM. Thuốc giúp giảm cơn ngưng thở, bệnh nhi bớt phải thở máy.
16.355 là số ca bệnh TCM được ghi nhận tại TP.HCM tính từ đầu năm đến ngày 6-8, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2022 (11.203 ca).