Chuyện của những cựu tù Côn Đảo

(PLO)- Họ là những nhân vật chính trong bộ sách ảnh Tử tù , cựu tù Côn Đảo - ngày trở lại của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tử tù hay cựu tù, họ đều là những người đã từng bị giam hãm và bị tra tấn ở Côn Đảo, nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian”. May mắn hơn rất nhiều đồng đội khác, họ đã gia nhập “chủng tộc tà ru” (tức tù ra) như cách nói của cựu tù Võ Ái Dân.

“Bảo vệ khí tiết là bảo vệ hoa thơm trước ngực”

Khi đang học bậc tú tài tại trường công Chu Văn An (Sài Gòn lúc đó), ông Dân tham gia cách mạng sau Đồng Khởi Bến Tre năm 1960. Bị địch bắt vào tháng 8-1961, ông chia sẻ vào tù ông mới hiểu về cộng sản. Chàng thanh niên trẻ lúc đó đã bị giam cầm ở các nhà lao như Câu Lưu Xá Tổng nha, Gia Định, Thủ Đức, Phú Lợi...

Dù chỉ năm ngày cùng 39 cô chú ở độ tuổi 80 trở lại Côn Đảo, tôi đã may mắn được cảm nhận và kính trọng những phẩm chất cao quý của các chiến sĩ cách mạng trung kiên. Có những khoảnh khắc nghẹn ngào, trào nước mắt không thể quên được. Đặc biệt, trong đó có bốn đôi vợ chồng đã từng là bạn tù, bạn chiến đấu từ ngày xưa và đến giờ họ vẫn sống hạnh phúc bên nhau.

Nhiếp ảnh gia NGUYỄN Á

“Chúng tôi tham gia đấu tranh dân sinh, dân chủ, chống tố cộng, bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến tháng 9-1964, địch thấy không thể làm lung lay chúng tôi nên đày ra Côn Đảo dù không một ngày ra tòa kết án” - ông Dân nhớ lại.

Tại đây, ông Dân bị nhốt vào chuồng cọp Pháp từ năm 1964 đến 1969, rồi xà lim, chuồng cọp Mỹ. Theo ông, những tử tù, cựu tù ngày ấy thấm thía trong tim lời dạy: “Bảo vệ khí tiết là bảo vệ hoa thơm trước ngực” và luôn tin tưởng trận chiến cuối cùng: “Chúng ta sẽ chiến thắng và vinh quang trở về với Đảng, với dân”.

Ông Dân cũng thẳng thắn thừa nhận có lúc quá cô đơn, đau bệnh ngặt nghèo giữa bốn bức tường đá lạnh, không dưới một lần ông đã muốn xuôi tay quy hàng. Nhưng nhớ lời dạy, nhớ vai trò của người đảng viên, đặc biệt là nhớ lời thề quyết tử trước bao đồng đội đã hy sinh trong xà lim, chuồng cọp ông lại thức tỉnh và với tinh thần “Quyết tâm quyết tử - tự lực - trường kỳ”.

Lần trở về Côn Đảo, cầm trên tay một chiếc lá xanh, ông bảo thời gian ông bị giam giữ tại đây, nếu may mắn bứt được bất cứ đọt cây, lá non nào mà trâu bò ăn được, thường được gọi là rau tàn u (tù ăn). Đó cũng chính là nguồn rau xanh quý giá để ông và đồng đội cầm cự.

Từ bạn tù Côn Đảo thành bạn đời

Bị xử án tù và đày ra Côn Đảo, ông Võ Văn Em vẫn nhớ được thời gian mình là tử tù nơi đây. “Tôi có tám năm bốn tháng 24 ngày ở Côn Đảo. Chúng còng xích suốt cả ngày đêm, chúng chuyển chúng tôi đến nhiều nơi trên đảo” - ông Em cho biết.

Nhắc lại những lần tử tù, cựu tù đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, đòi cải thiện chế độ hà khắc của nhà tù, tuy nhiên lần khiến ông nhớ nhất là lần đấu tranh chống lăn tay, chụp ảnh. “Chúng đàn áp, đánh đập dã man làm bốn tù nhân chết liền tại chỗ, trong đó có anh Phạm Ngô là tử tù chung với tôi” - ông Em kể lại.

Vợ chồng tử tù Võ Văn Em và cựu tù Đặng Thị Nga đang ngồi trước phòng giam đặc biệt, nơi đã giam giữ tù nhân lao động khổ sai (hầm xay lúa). Ảnh: NGUYỄN Á
Vợ chồng tử tù Võ Văn Em và cựu tù Đặng Thị Nga đang ngồi trước phòng giam đặc biệt, nơi đã giam giữ tù nhân lao động khổ sai (hầm xay lúa). Ảnh: NGUYỄN Á

Sau 30-4-1975, lực lượng Hải quân của ta ra đảo đón các ông trở về trong đoàn quân chiến thắng từ Côn Đảo. Ông Em cũng không quên nhắc đến người bạn đời của ông hiện nay là cựu tù Đặng Thị Nga. Bà Nga cũng bị giam ở Côn Đảo sáu năm. Theo ông, cũng chính vì cùng lý tưởng là đồng chí, cùng là bạn tù Côn Đảo cảm phục ý chí, cảm thông hoàn cảnh nên hai ông bà đã cùng nhau xây dựng gia đình.

Từ bạn tù đến bạn đời cũng là câu chuyện của tử tù Lê Hồng Tư. Ông Tư thoát án tử của kẻ địch vì lúc đó Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra tuyên bố: “Nếu Lê Hồng Tư và các bạn bị bắn thì Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam không đảm bảo tính mạng cho số binh sĩ Mỹ bị Mặt trận giam giữ”.

Bị đày ra Côn Đảo, đến 30-4-1975 ông đã bị suy kiệt vì bệnh tật, tối hôm đó tù chính trị tự giải phóng Côn Đảo. Nhắc lại thời khắc đó, tử tù Lê Hồng Tư nói: “Tôi được hồi sinh và tiếp bước dưới ngọn cờ vẻ vang của cách mạng, cùng đồng hành với người mà tôi yêu đơn phương từ năm 1959, sau này là vợ tôi - cựu tù Nguyễn Thị Châu”.

Cựu tù Nguyễn Thị Châu cũng là tác giả bài thơ Áo trắng khắc trong xà lim P42 năm 1961: “Áo trắng em chưa vướng bụi đời/ Chưa từng mơ tưởng chuyện xa xôi/ Nhưng nay gặp cảnh đời chua xót/ Áo trắng này nguyện trắng mãi thôi”.•

Ngày 11-8 tại Hà Nội, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á khai mạc hai triển lãm và ra mắt sách ảnh Tử , cựu tù Côn Đảo - ngày trở lạiBiệt đội giữ bình yênđất lửa”.

Hai tác phẩm sách ảnh đã bổ sung vào “gia tài” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á với 19 đầu sách ảnh, trong đó bộ sách ảnh gần nhất Hành trình cùng lực lượng gìn giữhòa bình tại Nam Xu-đăng của anh được trao giải nhì Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2022.

Năm 2023, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á được trao Giải thưởng nhà nước với tập sách ảnh Họ đã sống như thế.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á và các tử tù, cựu tù trong hành trình trở về Côn Đảo. Ảnh: NVCC
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á và các tử tù, cựu tù trong hành trình trở về Côn Đảo. Ảnh: NVCC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm