Ngày 11-7, kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa IX đã có phiên chất vấn Giám đốc Sở Du lịch Bùi Tá Hoàng Vũ. Nhiều đại biểu quan tâm đến giải pháp phát triển du lịch của TP.HCM sau dịch COVID-19.
Tung gói 280.000 tour du lịch giá rẻ
Đại biểu Lê Thị Ngọc Thanh (quận 12) nhìn nhận hoạt động du lịch của TP đang chịu ảnh hưởng nặng do dịch COVID-19. Trong trạng thái bình thường mới thì TP nên phát triển du lịch nội địa, kích thích phụ huynh cho con em du lịch ngay tại TP trong mùa hè này.
Nhiều đại biểu HĐND TP.HCM quan tâm đến giải pháp phát triển du lịch sau dịch. Ảnh: T.LÂM
Đại biểu Cao Thanh Bình (quận 9) cho rằng TP chưa có sự thu hút khách tham quan du lịch đường sông. Ông đề nghị cần có quy hoạch cầu, tàu, bến đỗ, công trình băng qua các sông, dọc các tuyến sông, có nhiều điểm nhấn thiết kế kỹ thuật để du khách tham quan chiêm ngưỡng.
Trả lời các đại biểu, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP cho biết trong 6 tháng đầu năm 2020, du lịch của TP suy giảm trầm trọng, giảm 52% du khách quốc tế, doanh thu sụt giảm 49,6%. “Đây là một trong những giai đoạn khó nhất của ngành du lịch TP. Bởi đây là ngành đầu tiên phát sinh khó khăn và cũng là ngành cuối cùng khôi phục” – ông Vũ nói.
Để vực dậy du lịch sau dịch, ông Vũ cho biết, TP cũng đã liên kết với hàng không, đơn vị vận tải hành khách, lữ hành, khách sạn, điểm mua sắm,… để tung gói kích cầu với hơn 280.000 tour đến TP có khung giá bất ngờ, chất lượng đảm bảo. Việc này cũng giúp các doanh nghiệp tái khởi động.
Nhận định năm 2020 rất khó để mở cửa các sự kiện quốc tế, ông Vũ thông tin, TP đã liên kết với các địa phương kích thích du lịch nội địa để cứu cánh. Do đó TP đã liên kết với 13 tỉnh ĐBSCL, miền Đông Nam bộ, cùng triển khai hành động.
Bên cạnh đó, ngành du lịch còn ứng dụng công nghệ thông tin để tái cơ cấu hoạt động của các doanh nghiệp, ngăn chặn giải thể, ngưng hoạt động của doanh nghiệp lữ hành. Hiện TP có 1.300 doanh nghiệp du lịch, trong đó có những doanh nghiệp lớn chi phối lượng lớn khách du lịch đến Việt Nam đang trú đóng ở TP.HCM.
Vừa qua TP đã tiến hành chiến lược mời gọi chuyên gia trong nước và quốc tế để huy động nguồn lực có kinh nghiệm, kiến thức; đàm phán với các đơn vị du lịch nước ngoài có năng lực kinh nghiệm trong tư vấn du lịch.
Theo Giám đốc Sở Du lịch, trong các nhóm giải pháp phát triển du lịch, có cả việc giải quyết điểm nghẽn của TP về giao thông, đặc biệt là giao thông hàng không chiếm đến 80% khách du lịch đến TP.
Hậu dịch bệnh, TP phải cơ cấu lại thị trường. Mục tiêu của thị trường lần này là tập trung vào các nước Tây Âu, Đông - Bắc Á có đường bay tầm 6-8 tiếng đồng hồ.
Giám đốc Sở Du lịch TP Bùi Tá Hoàng Vũ đưa ra hàng loạt giải pháp khôi phục du lịch sau dịch. Ảnh: T.LÂM
Về sản phẩm du lịch, ông Vũ nhìn nhận TP có lợi thế về văn hóa lịch sử. Bởi 50% du khách đến TP để tìm hiểu quá trình phát triển của TP. Đồng thời, sắp tới TP cũng sẽ đầu tư nâng chất cơ sở vật chất phấn đấu đưa TP đứng vào top 20 TP du lịch của Châu Á.
Ngoài ra, với lợi thế TP có 54 trường đại học, cao đẳng có chuyên ngành đào tạo du lịch cho TP và cả phía nam, ông cho rằng cần nâng cao nguồn nhân lực này cả về kỹ năng, thái độ ứng xử văn hóa, thể hiện đại sứ trong giao lưu du lịch.
Tiềm năng du lịch đường sông
Về phát triển du lịch ở các vùng ngoại ô, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết Cần Giờ và Củ Chi là hai thế mạnh của TP, du khách thường dành 50% sự chọn lựa của mình đến hai địa điểm này. Hằng năm mỗi địa phương này thu hút khoảng 2,5 triệu du khách. Nếu Khu du lịch sinh thái ở Cần Giờ phát triển thì có thể tiếp cận 15 triệu du khách mỗi năm.
Theo ông Vũ, hiện nay, các quận 3, 5, 7 và một số huyện ngoại thành cũng có hành động cụ thể thu hút khách từ trung tâm.
TP.HCM có tiềm năng về du lịch đường sông. Ảnh: Đ.TRANG
Riêng du lịch đường thủy, mỗi năm TP đón 450.000 khách du lịch qua đường tàu biển nhưng khu vực phía nam gặp khó khăn bởi tàu thủy phải cập cảng Thị Vải - Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) rồi đi ô tô về TP.
“Du lịch đường thủy là sản phẩm có tính tiềm năng. Nhưng cần khoảng 3-5 năm nữa khi quy hoạch bờ sông Sài Gòn hoàn thiện, khu đô thị ven sông Sài Gòn hiện ra thì mới phát triển với đủ hệ thống cầu, cảng” – ông Vũ nói.
Bên cạnh đó, du lịch y tế của TP cũng đã được khởi động từ 3 năm trước với khoảng 300.000 người đi nước ngoài chữa bệnh mỗi năm. Hiện TP đã có đề án về lĩnh vực này, dựa vào lợi thế về: nha khoa, làm đẹp, y học dân tộc,…
Thời gian qua, Sở Du lịch TP.HCM đã khẩn trương thực hiện công tác chống dịch và phòng dịch. Chẳng hạn bố trí khách sạn cách ly các đoàn bay, chuẩn bị khách sạn đón người Việt Nam về nước cách ly an toàn có thu phí,… vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Ông BÙI TÁ HOÀNG VŨ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM |
(PLO)- Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân khẳng định, theo luật di sản thì công trình Trụ sở hỏa xa không thể tháo dỡ.