TP.HCM: Giải pháp nào cho kịch bản ngập nặng sau mưa?

“Giải pháp đã có, hướng đi không phải không biết nhưng cách làm như thế nào mới là quan trọng. Theo tôi, phải có những đột phá, làm cho tới, làm cho mạnh dạn thì mới mong cơ bản giải quyết được bài toán chống ngập ở TP.HCM hiện nay”. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu WACC, ĐH Quốc gia TP.HCM, đánh giá như trên.

Giải ngân cho chống ngập chưa được 60%

Chắc hẳn người dân TP.HCM vẫn chưa quên cơn mưa lịch sử do ảnh hưởng của bão số 9 (ngày 25-11), kết hợp triều cường dâng cao (1,29 m) khiến TP như “túi chứa nước”. Theo đó, hàng trăm tuyến đường bị nhấn chìm 10-70 cm.

Nhiều chuyên gia cho rằng vẫn biết cơn mưa có vũ lượng quá lớn 300-400 mm, vượt quy chuẩn thiết kế cống hiện nay nhưng ngoài việc “do trời” thì yếu tố còn lại về triều cường, TP.HCM hoàn toàn có thể làm tốt hơn và có thể đã không khiến TP ngập nặng như vậy.

Cụ thể, dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1” giải quyết tình trạng ngập nước do triều cường cho gần 7 triệu người dân trên lưu vực 570 km2, khu vực trung tâm và bờ hữu sông Sài Gòn vẫn đang tạm dừng dù đã hoàn thành 72% khối lượng.

Dự án có số vốn lên đến 10.000 tỉ đồng, được Chính phủ ưu tiên bố trí ngân sách, nếu đúng tiến độ thì dự án đã hoàn thành vào cuối tháng 4-2018.

Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ 22 mở rộng, khóa X (cuối tháng 11), Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM có 106 dự án, kế hoạch vốn là hơn 1.129 tỉ đồng nhưng đến cuối tháng 10-2018 chỉ mới giải ngân được 53,2%.

“Lĩnh vực dân bức xúc nhất nhưng giải ngân chưa được 60%. Người đứng đầu của lĩnh vực này suy nghĩ gì, trách nhiệm với Đảng bộ TP và người dân như thế nào?” - Bí thư Thành ủy đặt câu hỏi.

Người dân TP.HCM phải ỳ ạch dắt xe trên nhiều tuyến đường sau cơn mưa lịch sử ngày 25-11. Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành

Không phải đến bây giờ câu chuyện chống ngập mới được nhắc tới. 10 năm trước, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM, chủ yếu kiểm soát triều và lũ.

Xa hơn nữa, hơn 17 năm trước là quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP đến năm 2020 có phạm vi 581,51 km2 (thuộc sáu vùng thoát nước), cần phải có 6.000 km cống các loại. Tuy nhiên, hệ thống cống hiện có chỉ là 4.176 km, đạt khoảng 69,6% quy hoạch... Ngoài hai quy hoạch trên, mỗi năm TP đều có những dự án lớn nhỏ để chống ngập.

Nói tiếp về vấn đề này, TS Hồ Long Phi cho rằng trước mắt chúng ta phải hoàn thiện hạ tầng thoát nước, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống ngăn triều, chỉ khi cơ bản làm xong những điều trên thì TP mới tính toán các chuyện khác để chống ngập. “Hà Lan đã hoàn thiện những điều trên 20 năm trước, các nước tiên tiến thì 50 năm, còn chúng ta thì vẫn như vậy” - ông Phi thẳng thắn.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cho rằng cơ quan chức năng nên xem lại sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành để chống ngập hiệu quả hơn. Nếu Trung tâm chống ngập thì lo chống, ngành giao thông thì cứ nâng đường, quy hoạch kiến trúc thì cho phát triển những vùng nguy hiểm, ngành xây dựng cứ cấp phép thì chúng ta cũng cứ mãi đi giải quyết hậu quả.

Mặt khác, theo ông Phi, hiện tại TP cũng thiếu tiền cho các chương trình chống ngập. Như giai đoạn 2005-2010, mỗi năm TP có 5.000 tỉ đồng thì hiện tại mỗi năm chỉ còn hơn 1.000 tỉ đồng cho chống ngập.

Về vấn đề trên, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, cho biết năm sau (2019 - PV) sẽ tập trung triển khai đúng tiến độ các chương trình, đề án, dự án do trung tâm làm chủ đầu tư, chủ trì.

“Tập trung phối hợp với các đơn vị xóa tám điểm ngập do mưa, kết hợp giải quyết tình trạng ngập khu vực trung tâm, kiểm soát không để phát sinh điểm ngập mới và triển khai hoàn thành chỉ tiêu dự án, đảm bảo giải ngân theo Luật Đầu tư công” - ông Dũng khẳng định.

Ngoài ra, trung tâm cũng có văn bản đề xuất UBND TP chấp thuận xây dựng năm hồ điều tiết chống ngập: Tại Công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), Công viên Làng Hoa (quận Gò Vấp), Công viên khu dân cư Trần Thiện Chánh (quận 10), dải cây xanh phân cách đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), khuôn viên cây xanh đường Tân Cảng (quận Bình Thạnh).

Sở GTVT TP.HCM vừa ban hành các danh mục công trình thi công hai năm tới, trong đó có các dự án nâng cấp hệ thống thoát nước. 

Cụ thể: Quận 1, 2, 4 có sáu dự án; quận 5, 9, 11, huyện Hóc Môn, Củ Chi có năm dự án; quận Bình Thạnh có bốn dự án; quận 6, Tân Bình có ba dự án; quận Gò Vấp có hai dự án; quận 10, 12, Tân Phú, Bình Tân và huyện Nhà Bè có một dự án. Riêng quận 8 có đến 18 dự án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới