TP.HCM hoàn thành 3 nhà máy xử lý nước thải

(PLO)- TP.HCM đã xây dựng và hoàn thành ba nhà máy xử lý nước thải tập trung, góp phần bảo đảm an toàn môi trường nước, tài nguyên nước trên địa bàn TP.

Sở TN&MT TP.HCM vừa có văn bản báo cáo kết quả triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012. Đồng thời, sở cũng đưa ra một số hạn chế, bất cập trong quy định của Luật Tài nguyên nước, từ đó đề xuất, kiến nghị một số nội dung cụ thể về việc sửa đổi, bổ sung của luật này.

Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường nước

Theo báo cáo của Sở TN&MT TP.HCM, TP đã thực hiện đồ án quy hoạch liên quan đến chỉnh trang, tái thiết đô thị như cải tạo các khu dân cư xuống cấp, di dời các hộ dân sống trên sông, kênh, rạch; di dời các khu vực nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư và các cơ sở không phù hợp quy hoạch xây dựng trong khu dân cư.

Đồ án quy hoạch này được tích hợp giữa các đề án, đồ án, quy hoạch ngành liên quan đến bảo vệ môi trường, quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất. Từ đó, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về vị trí, quy mô xây dựng các cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường (nhà máy xử lý, trạm quan trắc...).

Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (huyện Bình Chánh). Ảnh: NQ

Đến nay, TP đã xây dựng và hoàn thành ba nhà máy xử lý nước thải tập trung gồm: Nhà máy xử lý nước Bình Hưng - giai đoạn 1, công suất 141.000 m3/ngày; Nhà máy Bình Hưng Hòa công suất 30.000 m3/ngày; Nhà máy Tham Lương - Bến Cát (131.000 m3/ngày).

Dự kiến giai đoạn 2020-2025, khi hoàn thành Nhà máy Bình Hưng - giai đoạn 2 (469.000 m3/ngày), Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (480.000 m3/ngày) và xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cống bao Tham Lương - Bến Cát phát huy công suất của nhà máy Tham Lương - Bến Cát (131.000 m3/ngày), tỉ lệ nước thải đô thị được xử lý là 77,48%.

Ngoài ra, để góp phần xử lý nước thải đô thị phát sinh, các trạm xử lý của khu dân cư trên địa bàn TP đã được xây dựng và đưa vào hoạt động.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng tăng cường phối hợp với các tỉnh giáp ranh, các đơn vị liên quan trong công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên nước, công trình thủy lợi; xây dựng và triển khai thực hiện quy chế phối hợp giữa các tỉnh lân cận.

Ở cấp địa phương, chính quyền cấp quận, huyện cũng chủ động phối hợp, ký kết các kế hoạch liên tịch phối hợp trong công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với các huyện giáp ranh để xử lý các trường hợp đổ rác thải không đúng quy định.

Nhiều vướng mắc khi thực hiện

Theo Sở TN&MT, bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua ngành môi trường TP đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước.

Cụ thể, hiện nay chưa có khung pháp lý, quy định cụ thể cho hoạt động bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn cho nguồn nước trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, nguy cơ suy thoái nguồn nước, ô nhiễm nguồn nước. Tỉ lệ thất thoát nước trong công tác cấp nước còn cao; hiệu quả sử dụng nước thấp.

Một số nội dung về danh mục thu phí hoạt động tài nguyên nước được quy định tại luật phí, lệ phí, luật tài nguyên nước và các quy định hướng dẫn thực hiện chưa thống nhất tên gọi, nội dung thu, dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Từ những khó khăn trên, Sở TN&MT kiến nghị bổ sung quy định về an ninh tài nguyên nước; an ninh nguồn nước cho cấp nước sinh hoạt, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, phòng ngừa ô nhiễm nguồn nước và ngăn ngừa, phòng chống thảm họa liên quan đến nước.

Lược bỏ các quy định liên quan đến cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước trong Luật Tài nguyên nước năm 2012 do nội dung này đã được tích hợp trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Thống nhất tên gọi, nội dung thu trong danh mục thu phí hoạt động tài nguyên nước tại Luật Phí, lệ phí năm 2015, Luật Tài nguyên nước và các quy định liên quan…•

Xử phạt nhiều trường hợp xả nước thải vào nguồn nước

Theo Sở TN&MT, hằng năm TP đều có kế hoạch kiểm tra, thanh tra khoảng 200 đơn vị có hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước.

TP.HCM thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp gây ô nhiễm môi trường nước. Ảnh: H.VŨ

Trong đó, đã xử lý 120 trường hợp với tổng số tiền phạt hơn 13,9 tỉ đồng liên quan các hành vi khai thác, sử dụng nước dưới tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép (thuộc trường hợp phải có giấy phép); khai thác tài nguyên nước vượt lưu lượng cho phép; xả nước thải vượt lưu lượng, quy chuẩn giấy phép được cấp.

Trong thời gian qua, TP không có phát sinh việc giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới