TP.HCM: Hơn 85% cơ sở thẩm mỹ không cần qua thẩm định, cấp phép

(PLO)- Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết hơn 85% cơ sở cung ứng dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn không cần cơ quan chuyên môn là Sở Y tế thẩm định, cấp phép.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày làm việc thứ hai kỳ họp thứ 10, HĐND TP.HCM khoá X, các đại biểu tiếp tục nghe, thảo luận tại hội trường về các vấn đề kinh tế- xã hội TP.

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng đã có thông tin về tình hình quản lý các cơ sở cung ứng dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn.

Theo đó, toàn TP.HCM hiện có hai nhóm cơ sở cung ứng dịch vụ thẩm mỹ. Nhóm thứ nhất là các cơ sở do các bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ đảm trách với 257 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, 35 bệnh viện, 306 phòng khám chuyên khoa da liễu… Trong số đó, có 598 cơ sở do Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM cấp phép hoạt động.

Cơ sở thẩm mỹ không do các BS chuyên khoa phẫu thuật thẩm mĩ đảm trách, bao gồm 2.175 spa và chăm sóc da, 516 cơ sở phun, xăm, thêu; 3.798 cơ sở dịch vụ gội đầu, làm tóc… Tổng cộng có đến 6.498 cơ sở hoạt động do UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức quản lý, hoạt động không cần cơ quan chuyên môn thẩm định và cấp phép.

Như vậy, TP.HCM có hơn 7.000 cơ sở cung ứng hoạt động liên quan đến dịch vụ thẩm mỹ. Trong số này có hơn 598 cơ sở do cơ quan chuyên môn là do ngành y tế quản lý, chiếm 15%; còn lại hơn 85% cơ sở là do UBND quận huyện và TP Thủ Đức cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh.

Theo quy định hiện nay, các cơ sở này hành nghề mà không cần cơ quan chuyên môn là Sở Y tế thẩm định, cấp phép.

“Ngành y tế TP.HCM nhận rõ đây là thách thức, đòi hỏi phải có giải pháp quản lý trong lĩnh vực này”- Giám đốc Sở Y tế cho hay và chỉ rõ có ba thách thức chính đối với công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thẩm mĩ.

Thứ nhất, quảng cáo không đúng với phạm vi hoạt động trên báo, đài; quảng cáo trái phép trên mạng xã hội. Điều này gây ảnh hưởng đến người dân, dễ hiểu nhầm dẫn đến sử dụng các phương án phẫu thuật thẩm mỹ chưa được thẩm định đủ điều kiện để đảm bảo an toàn.

Thứ hai, hoạt động hậu kiểm các cơ sở phẫu thuật thẩm mĩ chưa thực sự được quan tâm đúng mức; đặc biệt với 85% các cơ sở là do quận huyện cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh, trong khi số lượng cơ sở này có xu hướng ngày càng tăng.

Thứ ba, hoạt động thẩm mĩ chui ngày càng tinh vi để né tránh sự kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước. Vụ việc vừa xảy ra ngày 27-6 đã có một trường hợp tử vong liên quan đến cơ sở phẫu thuật chui.

TP.HCM: Hơn 85% cơ sở thẩm mỹ không cần qua thẩm định, cấp phép ảnh 1

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng báo cáo về tình hình quản lý các hoạt động phẫu thuật thẩm mĩ. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Ông Tăng Chí Thượng nhận định thẩm mỹ chui trên địa bàn TP không phải là vấn đề mới nhưng đã trở thành một hiện tượng thách thức với các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn. Điều đáng lo ngại là hoạt động thẩm mỹ chui đang có xu hướng chuyển vào các cơ sở có thể né tránh cơ quan quản lý nhà nước như khách sạn, nhà trọ…

"Tất cả các đại biểu chúng ta ngồi đây và cả xã hội đều lên án và phẫn nộ với các hành vi trái pháp luật. Đặc biệt, khi đã có những người không có chứng chỉ hành nghề lén lút thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở không phải y tế, thậm chí trong khách sạn, nhà trọ và đã gây ra những tai biến, thậm chí gây tử vong cho người có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ" - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói và cho biết sáu tháng đầu năm, Sở Y tế TP.HCM đã phát hiện 19 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ không có giấy phép.

Giải pháp mà ngành y tế đưa ra để chấn chỉnh tình trạng này là tăng cường hậu kiểm, chủ động xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng các cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn, đánh giá và công khai các đơn vị đủ điều kiện.

Đối với hoạt động “thẩm mỹ chui”, ông Tăng Chí Thượng nói đã đến lúc cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn với sự phối hợp chặt chẽ hơn và đồng bộ hơn giữa các cơ quan quản lý nhà nước.

Sở Y tế kêu gọi người dân hãy tham khảo những cơ sở được cấp phép, tham khảo kết quả đánh giá chất lượng của Sở đối với các phòng khám, BV thẩm mỹ để chọn lựa khi có nhu cầu.

Sở Y tế đã mở rộng các kênh tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân thông qua số đường dây nóng Sở Y tế (0967.771.010, 0989.401.155) hoặc ứng dụng “Y tế trực tuyến” trên điện thoại thông minh.

Sở này kiến nghị Công an TP cần có thêm những giải pháp giúp tăng cường quản lý và kịp thời ngăn chặn những hoạt động thẩm mỹ không phép tại các khách sạn, nhà trọ, khu dân cư…. Đồng thời, đề xuất Công an TP.HCM sớm đưa phần mềm khai báo lưu trú theo quy định của Luật cư trú (phần mềm ASM) tại các khách sạn, căn hộ cho thuê…

UBND quận, huyện và TP Thủ Đức xây dựng mạng lưới an ninh nhân dân trong lĩnh vực y tế nhằm tạo ra môi trường hỗ trợ từ cộng đồng kịp thời phát hiện và báo cáo các dấu hiệu nghi ngờ có hoạt động thẩm mỹ trái phép tại các khách sạn, nhà trọ...

Khuyến khích người dân, người lao động tại các khách sạn, nhà trọ… khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ cung cấp thông tin, phản ánh về các hoạt động đáng ngờ cho các cơ quan chức năng.

Cũng tại kỳ họp, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Lê Văn Thinh, thông tin sáu tháng đầu năm 2023, toàn TP tiếp nhận 496 trường hợp người lang thang, trẻ em, ăn xin, người cần bảo vệ khẩn cấp để đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội, trong đó có 280 người đến từ các tỉnh khác, 64 người nước ngoài.

Ông Thinh cho biết qua đó thấy tác động của dịch bệnh đến kinh tế và gây khó khăn cho đời sống người dân, người lang thang, cơ nhỡ tập trung về TP nhiều hơn trước đây.

“Chính vì thế có đại biểu cho rằng trên địa bàn TP xuất hiện nhiều trẻ lang thang xin ăn ở trục đường, điều này là sát với thực tế” – ông Thinh nói.

Ông đề nghị Công an TP chỉ đạo công an quận, huyện, phường, xã cùng chính quyền địa phương theo dõi, đánh giá nắm chắc tình hình. “Nếu có hành vi chăn dắt diễn ra thì phải điều tra, xử lý nghiêm theo quy định, có thái độ cương quyết với hành vi lợi dụng lao động trẻ em, người khó khăn để trục lợi” - ông Thinh nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm