TP.HCM: Không có hiện tượng dư thừa hàng hóa dịp tết

Báo cáo công tác triển khai các giải pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường tết Tân Sửu 2021 và ứng phó dịch COVID-19, Sở Công Thương TP.HCM cho biết, năm nay thành phố đón tết trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tái xuất hiện ngay cận trước tết ảnh hưởng mọi mặt đời sống xã hội

Tuy nhiên, với kinh nghiệm ứng phó những đợt dịch trước đây, tinh thần quyết liệt cũng như sự đồng hành của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố trước, trong và sau tết luôn đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra khan hàng, sốt giá…

Ngoài kế hoạch ban đầu tổ chức 350 chuyến bán hàng lưu động trong hai tháng cao điểm trước tết, các DN đã tăng cường thêm 150 chuyến trong 10 ngày trước tết chủ yếu tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân...

Người dân mua sắm tại siêu thị Co.opmart

Năm nay dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân hạn chế tụ tập, thăm, chúc tết…nhu cầu mua sắm tết cũng giảm. Cộng với việc hệ thống phân phối hoạt động gần như liên tục, người dân cũng dần thay đổi thói quen tích trữ hàng hóa, giảm dần việc tập trung mua sắm cận trước tết.

Cụ thể, sau ngày 23 tháng chạp sức mua bắt đầu tăng so với ngày thường. Người dân mua sắm chủ yếu các mặt hàng phục vụ tết, hàng tiêu dùng thiết yếu.

Đến chiều 27 tháng chạp khi công bố 29 ca nhiễm COVID-19 người dân có tâm lý lo lắng, hạn chế đến các khu vực tập trung đông người, nên sức mua ngày 28 tháng chạp có giảm so với cùng kỳ. Đến ngày 29, 30 tháng chạp sức mua có phục hồi, tăng trở lại nhưng nhìn chung vẫn thấp hơn năm trước.

Tại kênh phân phối hiện đại, sức mua ngày 27 tháng chạp tăng 30-40% so ngày thường, đến 28 tháng chạp tăng 30-40% so hôm trước và 29 tháng chạp tăng thêm 10% so ngày hôm trước, tăng khoảng gấp hai lần ngày thường.

Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND TP.HCM về tăng cường hoạt động thương mại điện tử, các hệ thống phân phối lớn như Co.opmart, Bách Hóa Xanh… nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp công nghệ, logistics… giúp người dân dễ dàng mua sắm online. Qua đó góp phần thay đổi thói quen mua sắm trực tiếp từ cửa hàng sang mua online.

Các hệ thống phân phối đã tăng công suất ngày cận tết; hoạt động liên tục gần như không nghỉ tết cũng góp phần giảm dần thói quen tích trữ trước tết của người dân, giảm áp lực sức mua tăng đột biến một vài ngày trước tết.

Năm nay không còn hiện tượng hoa dư thừa ngày giáp tết.

Riêng mặt hàng hoa, năm nay kịp thời thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM với sự đồng hành của người dân, không còn hiện tượng hoa dư thừa ngày giáp tết, người kinh doanh hoa đã phấn khởi hơn so với các năm trước.

Qua ghi nhận chợ đầu mối nông sản Bình Điền, Thủ Đức, chợ hoa tươi Đầm Sen tiêu thụ hết 100% lượng hoa, chợ hoa tại công viên Gia Định tiêu thụ 90% lượng hoa...

Theo Sở Công Thương, sức mua những ngày sau tết có tăng hơn so với cùng kỳ và chủ yếu các mặt hàng tươi sống phục vụ nhu cầu tiêu dùng nhanh; đồ chưng cúng tăng mạnh đặc biệt là rau, thịt gia cầm.

Tại ba chợ đầu mối, từ tối mùng 1, sáng mùng 2 thương nhân bắt đầu hoạt động trở lại, sức mua mặc dù có tăng khoảng 40% so năm trước nhưng vẫn còn thấp so với ngày thường.

Đến nay hầu hết các chợ truyền thống đều đã mở cửa trở lại, chủ yếu là lương thực thực phẩm thiết yếu. Tương tự, các hệ thống siêu thị đã mở cửa phục vụ nhu cầu mua sắm người dân…

Theo Sở Công Thương, các DN trong chương trình bình ổn đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ, kể cả trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua sắm cho người dân.

Đồng thời, các DN cũng sẵn sàng các phương án tổ chức phân phối, bán hàng lưu động, không để thị trường thiếu hàng, biến động giá. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 luôn đảm bảo. Vì vậy, dự báo thời gian tới thị trường sẽ không xảy ra khan hàng, sốt giá.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm