UBND TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu tăng cường quản lý, kiểm soát trong chi tiêu khám bệnh, chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn TP.
Sở dĩ UBND TP.HCM có chỉ đạo về vấn đề này là vì số chi khám chữa bệnh BHYT trong sáu tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm 2022 dù các đơn vị đã tăng cường quản lý, kiểm soát có hiệu quả quỹ khám chữa bệnh BHYT, chống lạm dụng, lãng phí.
Cụ thể, số lượt khám chữa bệnh BHYT là 4,61 triệu lượt người, tăng 40,6% so với cùng kỳ năm 2022. Số chi là 4.857 tỉ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước, khả năng sẽ vượt dự toán chi khám chữa bệnh BHYT dự kiến được giao năm 2023.
TP.HCM chỉ đạo xử lý hành vi trục lợi BHYT. Ảnh: NGUYỆT NHI |
Do đó, UBND TP.HCM giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với BHXH TP chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xây dựng kế hoạch, quản lý sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT.
Có giải pháp quản lý việc khám bệnh, chữa bệnh và chi khám chữa bệnh BHYT đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả. Tự kiểm tra, chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, không để xảy ra hành vi lập khống bệnh án, đơn thuốc để thanh toán BHYT.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuẩn hóa, cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin về khám bệnh, chữa bệnh BHYT; chuyển dữ liệu chi phí khám chữa bệnh ngay sau khi kết thúc đợt điều trị lên Hệ thống thông tin giám định BHYT.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, không để người bệnh phải tự mua.
Quản lý chặt các chi phí, đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí trong chỉ định xét nghiệm, điều trị nội trú và sử dụng dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ kỹ thuật và thuốc bệnh đắt tiền.
"Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ khám chữa bệnh BHYT, đặc biệt các trường hợp có dấu hiệu "thu gom" bệnh nhân, gian lận, chỉ định dịch vụ y tế, thuốc, vật tư y tế... nhằm mục đích trục lợi BHYT" - UBND TP chỉ đạo rõ.
UBND TP cũng giao Sở Y tế phối hợp với BHXH TP xây dựng các giải pháp ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT và thực hiện ngừng hợp đồng khám chữa bệnh BHYT theo quy định đối với các đơn vị có hành vi vi phạm.
BHXH TP chủ trì việc xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm kiểm soát, theo dõi chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với từng cơ sở y tế để đảm bảo trong phạm vi dự toán được giao, phù hợp với tiến độ hàng quý để chủ động kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bhyt thường xuyên, liên tục.
Trường hợp toàn TP vượt dự toán được giao, BHXH TP phối hợp với Sở Y tế thẩm định, xác định số vượt dự toán theo từng nguyên nhân để tổng hợp báo cáo UBND TP.
UBND TP giao giám đốc các cơ sở khám chữa bệnh BHYT chỉ định điều trị hợp lý, theo đúng quy chế kê đơn và phác đồ điều trị, không kéo dài ngày điều trị đối với bệnh nhân nội trú.
Tuyên truyền và hướng dẫn người bệnh cài đặt ứng dụng VSSID và thực hiện khám chữa bệnh BHYT bằng hình ảnh thẻ trên ứng dụng hoặc sử dụng căn cước công dân có gắn chip.
Không đùn đẩy hoặc chuyển bệnh nhân đi nơi khác khi không vượt quá khả năng chuyên môn của đơn vị. Lựa chọn sử dụng thuốc, dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế hợp lý, tiết kiệm, tránh lãng phí nhưng không ảnh hưởng tới chất lượng điều trị…