TP.HCM kiến nghị sớm thành lập Hội đồng Điều phối Vùng Đông Nam Bộ

(PLO)- TP.HCM sẽ tích cực phối hợp với các địa phương trong vùng để xây dựng chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023-2030 với các nội dung trọng tâm theo Nghị quyết 24.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 26-11, tại hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ... ở Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đã có bài tham luận, trong đó làm rõ hơn một số nhiệm vụ, giải pháp của TP.HCM trong thời gian tới...

Trung tâm cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho Vùng

Theo lãnh đạo TP.HCM, thành phố đang tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao.

Ông Phan Văn Mãi, chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu tại hội nghị sáng 26-11. Ảnh: NHẬT BẮC/VGP

Ông Phan Văn Mãi, chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu tại hội nghị sáng 26-11. Ảnh: NHẬT BẮC/VGP

TP.HCM tập trung phát triển kinh tế theo hướng phát triển các ngành dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao, gắn với xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm thương mại - du lịch - logistics quốc tế, trung tâm đào tạo nhân lực và chăm sóc sức khỏe khu vực và quốc tế...

Xây dựng chính sách phát triển mạnh các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhằm tìm kiếm động lực tăng trưởng mới cho Thành phố trong giai đoạn tới.

Thành phố sẽ tích cực phối hợp với các địa phương trong vùng để xây dựng chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023-2030 với các nội dung trọng tâm theo Nghị quyết 24; trước mắt, phối hợp triển khai tốt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Làm tốt vai trò đầu mối và phối hợp với các địa phương trong Vùng triển khai các dự án giao thông kết nối vùng như: Đường vành đai 3, Vành đai 4, triển khai các công trình giao thông đón đầu việc khánh thành sân bay quốc tế Long thành giai đoạn 1; phối hợp với các nhà đầu tư, Bộ GTVT xây dựng đề án “Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ” theo tinh thần Nghị quyết 24 nhằm bổ sung cho hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải…

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nghe giới thiệu về ứng dụng công nghệ số. Ảnh:TK

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nghe giới thiệu về ứng dụng công nghệ số. Ảnh:TK

TP sẽ Tập trung nguồn lực đầu tư công và có cơ chế huy động cao nhất các nguồn lực đầu tư xã hội triển khai các công trình, dự án chỉnh trang đô thị gắn với giải quyết các vấn đề còn tồn tại như: ngập nước, ùn tắc giao thông, phát triển nhà ở thay nhà trên - ven kênh rạch, chung cư cũ, nhà lưu trú cho công nhân–sinh viên. Thí điểm triển khai đề án đảm bảo an sinh xã hội đối với một đô thị lớn.

Đặc biệt, Thành phố sẽ tập trung phát triển giáo dục đào tạo chất lượng cao, đưa thành phố thành trung tâm cung ứng nguồn nhân lực cho cả Vùng, phát triển thị trường lao động chung của Vùng.

Sớm thành lập Hội đồng điều phối Vùng

Từ những giải pháp nêu trên, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM nêu một số kiến nghị cụ thể.

Trong đó, tiếp tục đề xuất là “có cơ chế phối hợp đồng bộ, kịp thời và hiệu quả giữa các địa phương trong Vùng và các bộ ngành có liên quan trong việc triển khai các nhiệm vụ cụ thể theo Nghị quyết 24 trên địa bàn cả Vùng”.

Trước mắt là sự phối hợp và điều phối chung trong công tác quy hoạch của các địa phương và quy hoạch Vùng; triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối như đường vành đai 3, 4, các đường cao tốc TPHCM- Mộc Bài; TP.HCM- Chơn Thành; Biên Hòa-Vũng Tàu; Đồng Nai- Lâm Đồng; mở rộng cao tốc TPHCM- Long Thành; nghiên cứu xây dựng hệ thống đường sắt kết nối Vùng đô thị TP. HCM.

Cần xác định rõ thể chế “Hội đồng Vùng” với thẩm quyền và nguồn lực rõ ràng, nhằm thực hiện hiệu quả công tác điều phối. Các nhiệm vụ cụ thể có tác động chung đến cả Vùng cần được giao cho Hội đồng Vùng, nhằm tránh chia cắt về địa bàn hay lĩnh vực.

Trước mắt, bổ sung rõ cơ chế trách nhiệm phối hợp liên tỉnh trong Vùng trong thực hiện các nhiệm vụ có quy mô liên quan hay tác động từ hai địa phương trong Vùng trở lên.

Lãnh đạo TP.HCM đề xuất Bộ KH&ĐT sớm trình Chính phủ thành lập Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2021 - 2025.

Ông nói: Thành phố cam kết và sẵn sàng chủ động, phối hợp tích cực với các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương để xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và vận hành cơ chế liên kết, điều phối Vùng; nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế đặc thù phát triển Vùng.

"TP.HCM Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác các nội dung liên Vùng như phát triển giao thông, bảo vệ các hệ thống sông, xử lý chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt và y tế, các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu Vùng; hợp tác phát triển nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung Vùng về kinh tế - xã hội, làm cơ sở hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển và điều phối hoạt động liên kết Vùng”- Ông Phan Văn Mãi khẳng định.

TP.HCM sẽ xây dựng cơ chế chính sách tạo động lực phát triển thành phố trong thời kỳ mới thông qua việc tổng kết Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị; kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới thay Nghị quyết 54 với việc xin thí điểm việc mở rộng cơ chế phân cấp phân quyền cho thành phố trong một số lĩnh vực.

Các lĩnh vực gồm đầu tư, tài chính – ngân sách, quản lý đô thị - đất đai, tổ chức bộ máy - biên chế, quản lý xã hội, thí điểm cơ chế vận hành và thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM, cơ chế phân cấp phân quyền cho thành phố Thủ Đức (thành phố thuộc thành phố đầu tiên của cả nước; sẽ là nơi thí điểm, thực hiện các mô hình, chính sách đô thị hiện đại của cả nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm