Chiều 21-11, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương chủ trì buổi họp báo về hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng.
TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng Đông Nam bộ và cả nước. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Kêu gọi đầu tư vào vùng Đông Nam bộ
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết để triển khai Nghị quyết 24, Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện chương trình hành động nhằm tạo sự thống nhất cao, nâng cao nhận thức và cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại nghị quyết.
Với chủ đề “Tư duy mới - Đột phá mới - Giá trị mới”, hội nghị triển khai chương trình sẽ được tổ chức tại Bà Rịa-Vũng Tàu vào ngày 26-11, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Đây là hội nghị “3 trong 1”, được tổ chức với mục đích công bố chương trình hành động của Chính phủ, đồng thời xúc tiến đầu tư trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam bộ.
Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của vùng Đông Nam bộ, mở ra “cơ hội mới” cho vùng đất năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển của cả nước.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương chủ trì buổi họp báo. Ảnh: CHÂN LUẬN |
“Sau 15 năm thực hiện nghị quyết (Nghị quyết 53/2005 của Bộ Chính trị - PV), các cấp, các ngành, nhất là các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vùng và đạt được nhiều kết quả to lớn” - Thứ trưởng Phương nói.
Nghị quyết 24 xác định mục tiêu Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước...
TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính của vùng
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT thông tin thêm năm 2020, quy mô tổng sản phẩm toàn vùng (GRDP) Đông Nam bộ theo giá hiện hành gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010. Đông Nam bộ trở thành vùng có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước, là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI. Trong vùng, TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước.
Tuy nhiên, Đông Nam bộ còn nhiều khó khăn, thách thức lớn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước. Đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước giảm, tốc độ tăng năng suất lao động thấp, công tác quy hoạch và triển khai thực hiện các quy hoạch còn chậm. Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan tỏa của vùng.
Chính vì vậy, Nghị quyết 24/2022 xác định mục tiêu Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực...
Theo Thứ trưởng Phương, Bộ KH&ĐT đã trình dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ chủ yếu, các giải pháp cụ thể gắn với kế hoạch tổ chức theo lộ trình phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu của nghị quyết của Bộ Chính trị.
Chương trình hành động của Chính phủ dự kiến đưa ra nhiều điểm mới, có tính đột phá trong phát triển của vùng, nhất là về định hướng phát triển, mục tiêu cụ thể, giải pháp rõ ràng, nhiệm vụ cụ thể. Trong đó gắn với một số chủ trương lớn về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù sẽ là cơ sở và là cơ hội cho vùng Đông Nam bộ phát triển trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự kiến tại hội nghị sẽ diễn ra lễ trao thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Đông Nam bộ giữa Bộ KH&ĐT với các đối tác phát triển, cũng như các biên bản ghi nhớ, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.•
Bảy nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Để thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, Chính phủ dự kiến đề ra bảy nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể:
1. Quán triệt, tuyên truyền, tạo sự thống nhất, đồng thuận của xã hội trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW.
2. Phát triển nhanh, bền vững tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng.
3. Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng.
4. Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đô thị.
5. Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
6. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
7. Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.