Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng ban điều hành dự án PPP, thuộc Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP.HCM (viết tắt là Ban giao thông), cho biết: Ban giao thông đã làm báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đề xuất UBND TP xây dựng hoàn chỉnh hai nút giao thuộc tuyến vành đai 2 trong giai đoạn 2021-2025 hai nút giao gồm: nút giao Bình Thái - vành đai 2 và Phạm Văn Đồng - vành đai 2.
Quy mô ba tầng, liên thông khác mức
Theo Ban giao thông, xa lộ Hà Nội và Phạm Văn Đồng là hai trục giao thông chính, kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Đông như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu… nên có lượng xe cộ lưu thông rất lớn.
Đặc biệt, hai trục này còn có vai trò là đầu mối giao thông kết nối các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai với cảng Cát Lái của TP.HCM. Trong tương lai, hai trục này còn kết nối từ tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đi các tỉnh miền Tây, nhất là trong bối cảnh lưu lượng xe sẽ ngày càng tăng sau khi sân bay Long Thành được xây dựng xong.
Phối cảnh nút giao Phạm Văn Đồng - vành đai 2. Ảnh: Ban giao thông cung cấp
Ông Toàn cho biết hai nút giao Phạm Văn Đồng - vành đai 2 và Bình Thái - vành đai 2 đều rất lớn, có quy mô ba tầng, liên thông khác mức và giao cắt giữa các trục đường huyết mạch của TP. Do đó, hai nút giao này có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm ùn tắc giao thông khu vực, góp phần đồng bộ kết nối đường vành đai 2 với các tuyến giao thông hướng tâm hiện hữu.
“Ban giao thông đã tổ chức nghiên cứu phương án tiền khả thi hai dự án nút giao này và đề xuất UBND TP xây dựng trong giai đoạn 2021-2025” - ông Toàn cho biết.
Đề xuất đầu tư hai đoạn của vành đai 2
Nói về việc khép kín tuyến vành đai 2, ông Nguyễn Văn Toàn cho biết: Song song với việc đề xuất làm hai nút giao trên, Sở GTVT TP cũng đã trình Sở KH&ĐT thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đề xuất chủ trương đầu tư công hai dự án thuộc tuyến vành đai 2 gồm đoạn 1 (từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội) và đoạn 2 (từ nút giao thông Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng).
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, hiện tại khu vực phía đông TP có lưu lượng xe container rất lớn và chủ yếu lưu thông qua hai hướng xa lộ Hà Nội - Công nghệ cao - vành đai 2 - cảng Cát Lái và xa lộ Hà Nội - ngã ba Cát Lái - Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống - cảng Cát Lái. Do đó, khu vực này thường xuyên kẹt xe nghiêm trọng, nhất là tại nút giao D1 - Công nghệ cao, ngã tư Bình Thái, ngã tư MK, ngã ba Cát Lái, nút giao An Phú, nút giao Mỹ Thủy.
“Với lượng xe như vậy, việc đầu tư xây dựng hai đoạn tuyến vành đai 2 sẽ phát huy hiệu quả vận tải vận chuyển hàng hóa ra vào các cảng ở khu vực này, tránh gây lãng phí cho xã hội và mất an toàn giao thông cho khu vực. Mặt khác, áp lực giao thông tại tuyến Phạm Văn Đồng, xa lộ Hà Nội là rất lớn nên sau khi tuyến vành đai 2 hình thành sẽ giải quyết được tình trạng trên” - ông Toàn lý giải.
Ông Toàn cũng cho rằng tuyến vành đai 2 khi hoàn thành còn giúp giải tỏa các xe vận tải đi xuyên qua trung tâm TP, góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông cũng như cải thiện ô nhiễm môi trường.
“Khi làm hai đoạn tuyến vành đai 2 cùng hai nút giao lớn nói trên thì ngành chức năng cần có giải pháp xây dựng, tổ chức giao thông hoàn chỉnh. Từ đó đáp ứng được nhu cầu giao thông thông suốt đi các hướng, không gây ùn tắc, giảm thiểu tai nạn giao thông” - ông Toàn cho hay.
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng: “Vành đai 2 là tuyến đường có vai trò rất quan trọng đối với mạng lưới giao thông TP. Bởi lẽ, tuyến đường này giúp giảm một lượng lớn xe đi xuyên tâm qua TP, giải quyết ùn tắc giao thông nội đô TP”.
Đánh giá về hai dự án nút giao trên tuyến này, TS Kim Cương cho rằng đường vành đai 2 có tốc độ giao thông cao nên rất cần các nút giao không đồng mức hay còn gọi là nút giao liên thông. Để làm những nút giao cắt giữa các đường vào trung tâm TP và vành đai 2 thì dứt khoát cần phải ưu tiên làm hai nút giao Bình Thái và Phạm Văn Đồng nói trên để đảm bảo tốc độ vận chuyển vào các tuyến trục.
“Vì tầm quan trọng như vậy nên đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Do đó, TP cần làm sớm, bởi nếu càng để thời gian kéo dài thì vốn đầu tư sẽ càng tăng” - ông Cương phân tích.
TS Kim Cương cũng đặt vấn đề làm sao để nhanh chóng hoàn thành các nút giao này, nhất là vấn đề kinh phí.
“Theo tôi, về nguồn vốn, Nhà nước đầu tư hoặc chủ đầu tư bỏ tiền đầu tư và Nhà nước thanh toán lại. Với cách này, Nhà nước cần có nguồn ngân sách lấy từ nguồn lợi ích khác như bán đất tại các khu vực khác, thu lợi tức, kết quả đầu tư ở đâu đó nhờ giao thông phát triển mang lại. Hoặc Nhà nước tính toán đến việc sử dụng vốn vay” - ông Cương góp ý.•
Thiết kế hai nút giao với vành đai 2
Theo Ban giao thông, nút giao Bình Thái - vành đai 2 (xây dựng hoàn chỉnh trong giai đoạn 1) sẽ có dạng nút giao hoa thị hoàn chỉnh, các nhánh hoa thị kết nối với tuyến chính xa lộ Hà Nội. Nút này sẽ bao gồm cầu vượt chính hai chiều trên vành đai 2, vượt trên xa lộ Hà Nội và dưới tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên với 10 làn xe có bề rộng 2 x 20,5 m. Các nhánh ramp (rẽ phải) và các nhánh hoa thị kết nối với xa lộ Hà Nội, mỗi nhánh có hai làn xe. Đường song hành xa lộ Hà Nội trong phạm vi nút giao Bình Thái đi dưới các nhánh ramp bằng các hầm chui với ba làn xe có bề rộng 12 m. Còn nút giao Phạm Văn Đồng - vành đai 2 có dạng nút giao khác mức ba tầng với ba cầu vượt. Cầu vượt số 1 (N1) gồm hai nhánh trên đường vành đai 2, mỗi nhánh gồm 3-5 làn xe, rộng 12,5-19,5 m. Cầu này sẽ vượt qua các đường Linh Đông, Phạm Văn Đồng, Kha Vạn Cân và Rạch Ngang. Cầu vượt số 2 là nhánh N2 rẽ phải từ đường vành đai 2 hướng từ sân bay Tân Sơn Nhất đi về hướng quốc lộ 1 (khu vực nút giao Gò Dưa) gồm hai làn xe, rộng 9 m. Cầu vượt số ba gồm ba nhánh N3-1, N3-2, N3-3 và đảo tròn trung tâm đường kính 30 m.