Sáng 9-1, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức Hội nghị sơ kết triển khai thực hiện mô hình lớp học số.
Mở rộng triển khai, hỗ trợ các tỉnh/thành
Ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết năm học 2022-2023, lần đầu tiên TP.HCM tổ chức thí điểm lớp học số môn Tin học, tiếng Anh ở lớp 3 để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên (GV) khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trường Tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ và Trường Tiểu học Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi là hai trường được chọn để thực hiện thí điểm từ học kỳ I năm học 2022-2023. Đây là những trường có địa bàn xa trung tâm, thiếu GV Tin học và Tiếng Anh nhưng lại khó tuyển dụng cũng như điều chuyển GV từ các nơi khác do đặc thù là địa bàn ở vùng xa. Tổng cộng có 104 tiết tiếng Anh và 62 tiết Tin học được tổ chức.
Từ học kỳ II năm học 2023-2024, Sở GD&ĐT TP.HCM mở rộng phạm vi lớp học số ra các trường tiểu học trên toàn TP, mở rộng ra nhiều môn học khác ở bậc tiểu học, đồng thời mở rộng đối tượng học sinh (HS) tham gia tiết học - gồm HS của 2 huyện Mường Khương và Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai).
Mô hình lớp học số đã giải quyết bài toán thiếu giáo viên các môn âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ, tin học tại các trường ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Theo đó, lớp học số được tổ chức bằng hai hình thức.
Đối với lớp học số được thực hiện với sự hỗ trợ của trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số TP, GV sẽ dạy tại trường quay, kết nối trực tuyến với các Trường Tiểu học Thạnh An, Trung Lập Thượng và một trường tại tỉnh Lào Cai. Còn lớp học số được thực hiện theo hình thức 1-1, GV một trường học tại TP.HCM dạy qua máy tính có kết nối trực tuyến hỗ trợ trường ở địa phương khác.
Hiện, đã có 6 trường học tại TP.HCM tham gia mô hình này và 8 trường tiểu học ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Lào Cai, Điện Biên được hỗ trợ.
Năm học 2024-2025, Sở GD&ĐT TP.HCM tiếp tục hỗ trợ triển khai lớp học số môn tiếng Anh cho một số Trường Tiểu học tại tỉnh Lào Cai, Điện Biên và huyện Côn Đảo. Có 47 GV của 8 trường tiểu học tham gia, thực hiện được 271 tiết học để hỗ trợ các trường.
Lớp học số tại TP.HCM vươn ra đến Điện Biên
Tại hội nghị, Trường PTDTBT Tiểu học Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên đã có tham luận về lớp học số.
Năm học 2024-2025 huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, có 15 GV dạy tiếng Anh, so với nhu cầu còn thiếu 19 GV.
Trường PTDTBT Tiểu học Phì Nhừ triển khai môn tiếng Anh bắt buộc đối với 11 lớp, 324 học sinh (từ lớp 3 đến lớp 5) tổng số 44 tiết/tuần. Trường có 1 GV dạy tiếng Anh nhưng phải bố trí nghỉ chế độ thai sản từ ngày 01-7-2024. Đây là bài toán khó đối với trường khi dạy tiếng Anh. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của ngành giáo dục TP.HCM, trường đã tổ chức được giờ dạy tiếng Anh thông qua lớp học số.
Phòng GD&ĐT huyện Điện Biên Đông đã đầu tư 1 phòng học trực tuyến và trang bị máy chiếu, màn chiếu, thiết bị nghe, nhìn cho các lớp học đảm bảo yêu cầu tối thiểu cho trường triển khai việc dạy và học.
Từ tháng 5-2024, dưới sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT TP.HCM, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì phân công GV dạy tiếng Anh của trường kết nối dạy thử nghiệm với phòng học trực tuyến của Trường PTDTBT tiểu học Phì Nhừ.
Thông qua kết nối, hai đơn vị trường đã thống nhất giao nhiệm vụ cho các thầy cô tiếng Anh trường Tiểu học Tân Sơn Nhì xây dựng kế hoạch hỗ trợ dạy học tiếng Anh trực tuyến đối với HS của trường PTDTBT Tiểu học Phì Nhừ ngay từ học kỳ 1 năm học 2024-2025.
Mỗi tuần, trước ngày học tiếng Anh, các thầy cô trường Tân Sơn Nhì đều gửi đường link lớp học, các nội dung cần chuẩn bị cho tiết học để thầy cô chủ nhiệm các lớp tại hỗ trợ, giúp đỡ các em chuẩn bị.
Tuy 2 trường cách xa nhau trên 2.000 km, đối tượng HS là người dân tộc thiểu số chưa được làm quen với tiếng Anh ở lớp 1,2 nhưng từ những ngày đầu của học kỳ I, các thầy cô Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì đã đặc biệt quan tâm tìm hiểu đặc điểm tình hình Trường tiểu học Phì Nhừ, đặc điểm của HS để có cách dạy phù hợp.
Kiến nghị Bộ GD&ĐT bổ sung chế độ cho thầy cô
Trong thời gian tới, TP.HCM tiếp tục hướng dẫn các trường phối hợp với phòng chuyên môn và trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số thành phố hỗ trợ, xây dựng các tiết dạy với đội ngũ giáo viên giỏi, nội dung có chất lượng sử dụng công nghệ tiên tiến để học sinh cảm thấy hứng thú với lớp học số.
Với những khó khăn về chế độ, chính sách cho GV lớp học số, Sở GD&ĐT đang nghiên cứu các quy định hiện hành để hỗ trợ, đồng thời kiến nghị Bộ GD&ĐT bổ sung chế độ cho thầy cô. Còn những khó khăn về cơ sở hạ tầng, sắp xếp thời khóa biểu, các trường cần linh động theo điều kiện của từng đơn vị trong từng thời kỳ khác nhau.
Sở sẽ có nhiều đợt đánh giá, góp ý, rút kinh nghiệm về tổ chức, quản lý, chuyên môn giảng dạy và nền tảng hỗ trợ. Đồng thời, sở sẽ nỗ lực để lớp học số không chỉ hỗ trợ HS tiểu học ở các địa phương khó khăn của TP.HCM và các tỉnh xa mà còn hỗ trợ chính các trường tiểu học ở các địa phương trên toàn TP đang thiếu GV tin học, mỹ thuật, âm nhạc, tiếng Anh…
(Ông NGUYỄN BẢO QUỐC, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM)