Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII), cho biết: Sau 16 năm nằm trên giấy, dự án mở rộng cửa ngõ Đông Bắc sẽ có thể tái khởi động vào năm 2019.
Năm 2019 nhiều dự án khởi động
Ngoài dự án cửa ngõ Tây Bắc có tín hiệu sẽ khởi động lại vào năm sau, lãnh đạo Sở GTVT cũng cho biết: Một hướng lưu thông quan trọng khác của TP.HCM là hướng cửa ngõ Tây Bắc cũng sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Nói về dự án cửa ngõ Tây Bắc, ông Phạm Ngọc Dũng, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 3, Sở GTVT, cho biết: “Ngay đầu quý I năm 2019, tỉnh lộ 9 đoạn từ đường Lê Văn Khương đến đường Tô Ký (huyện Hóc Môn) có chiều dài 5,2 km, hiện rộng chỉ 7-8 m sẽ được mở rộng lên 30 m”.
Được biết tỉnh lộ 9, tên mới là Đặng Thúc Vịnh, tuyến đường được coi là huyết mạch khu vực Tây Bắc khi nối thông quận 12 với huyện Hóc Môn và Củ Chi.
Còn tỉnh lộ 8, theo lãnh đạo Sở GTVT, đây là trục lên huyện Củ Chi, là tuyến đường liên vùng kết nối bốn tỉnh, thành gồm: TP.HCM - Bình Dương - Long An - Tây Ninh. Do vậy, Sở đang chuẩn bị các công tác dự án và khả năng có thể khởi công vào cuối năm 2019.
Ngoài hai cửa ngõ giao thông quan trọng nói trên, TP cũng đã quyết định mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, mục đích giải cứu cửa ngõ hàng không phía Nam khỏi tình trạng ùn tắc.
Song song đó, TP cũng mở nhiều đường kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất trong thời gian tới gồm: Đường Hoàng Hoa Thám và đường Thân Nhân Trung (quận Tân Bình) với quy mô bốn làn xe. Bổ sung cầu vượt đoạn từ đường Phan Thúc Duyện (gần Công viên Hoàng Văn Thụ) qua đường Trần Quốc Hoàn, Thăng Long đến khu vực sân bóng đá Chảo Lửa.
Tiểu dự án nâng cấp, mở rộng đường Ung Văn Khiêm thuộc dự án mở rộng cửa ngõ Đông Bắc sẽ tái khởi động năm 2019. Ảnh: hoàng GIANG
Bài toán mặt bằng, vốn đầu tư
Dù được kỳ vọng sẽ giải quyết được ùn tắc giao thông cho TP khi các dự án nói trên được triển khai, tuy nhiên các dự án trọng điểm này luôn phải đối diện với các bài toán liên quan đến mặt bằng và vốn đầu tư.
Cụ thể, nói về những vướng mắc của dự án cửa ngõ Đông Bắc, ông Lê Quốc Bình cho biết: “Chúng tôi đang chờ quận Bình Thạnh thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, quận cũng đang tính giá bồi thường cho các hộ dân. Ngay khi có mặt bằng, chúng tôi sẽ tái khởi động dự án”.
Riêng việc mở rộng quốc lộ 13, con đường huyết mạch khu vực cửa ngõ Đông Bắc thì ông Bình cho biết hiện dự án vẫn đang đợi TP bố trí ngân sách để làm.
Thông tin thêm về dự án cửa ngõ Đông Bắc, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM), khẳng định: “Vấn đề còn lại duy nhất của dự án mở rộng cửa ngõ Đông Bắc chỉ là bài toán giải phóng mặt bằng”.
Về dự án mở rộng cửa ngõ Tây Bắc, đáng lưu ý là tiểu dự án mở rộng tỉnh lộ 15 (đoạn từ cầu Xáng tới tỉnh lộ 6), có chiều dài 34 km, mặt đường hiện hữu chỉ rộng 5,5-6 m, dự kiến sẽ được mở rộng lên đến 40 m. Tuy nhiên, vì số vốn lên đến 3.000 tỉ đồng nên cơ quan chức năng đang kêu gọi đầu tư cho dự án này.
Phân tích thêm về vấn đề triển khai các dự án lớn nói trên, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho rằng: Về vốn đầu tư cho những dự án thuộc các khu vực cửa ngõ thì tiến độ đầu tư phụ thuộc các yếu tố cụ thể sau: Đầu tiên sẽ ưu tiên vốn cho các dự án theo hướng phát triển của TP, ví dụ như hướng phát triển về phía Đông, phía Bắc hay phía Nam... “Thứ hai là việc tổ chức triển khai, năng lực triển khai mà đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng của mỗi địa phương” - ông Cường nói.
Sơ lược vài dự án sẽ triển khai năm 2019 Dự án mở rộng cửa ngõ Đông Bắc (giai đoạn 2) được chia thành ba tiểu dự án, gồm: Xây cầu Ông Dầu (quận Thủ Đức); làm nút giao ngã năm Đài liệt sĩ (gần Bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh); nâng cấp, mở rộng đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh). Trong đó, nút giao ngã năm Đài liệt sĩ có quy mô lớn nhất với thiết kế là một đảo tròn bán kính 22,5 m, đường xung quanh đảo rộng 18 m; có hầm chui dài 450 m, rộng 9 m. Tiểu dự án nâng cấp, mở rộng đường Ung Văn Khiêm (đoạn từ ngã năm Đài liệt sĩ đến Tân Cảng) dài 1,7 km, rộng 30 m, với sáu làn xe. Xây mới hai cầu Ông Dầu bên cạnh cầu cũ. Tổng kinh phí xây dựng ba dự án trên là 2.293 tỉ đồng, trong đó việc giải phóng mặt bằng là hơn 1.364 tỉ đồng. Dự án mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất: Diện tích sân bay hiện hữu là 545 ha, theo quy hoạch điều chỉnh mở rộng sẽ có diện tích mới là 791 ha (chưa bao gồm diện tích đất quốc phòng), tăng gần 250 ha so với diện tích sân bay hiện hữu. |