Ngày 4-10, tại TP.HCM diễn ra hội nghị đối thoại giữa chính quyền TP và doanh nghiệp lĩnh vực y tế.
Tại hội nghị, TS.BS Võ Hoàng Nhân, phòng Kế hoạch Tài chính (Sở Y tế TP.HCM), cho biết giai đoạn 2021-2025, TP.HCM đầu tư cho ngành y tế với 116 dự án, tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách là hơn 23.000 tỉ đồng.
Nguồn đầu tư này tập trung vào xây mới nhiều bệnh viện, đầu tư các máy móc trang thiết bị hiện đại, thay đổi lớn ngành y tế TP.
Dự kiến giai đoạn 2026-2030, TP sẽ đầu tư 150 dự án xây dựng và thiết bị y tế, đầu tư hạ tầng và công nghệ thông tin, với tổng vốn đầu tư hơn 52.000 tỉ đồng.
Trong đó 40 dự án tập trung đầu tư cho công nghệ thông tin, y tế thông minh; 110 dự án xây dựng và trang bị vật tư, trang thiết bị y tế.
Theo đó, TP.HCM kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng 6 dự án về điều trị cho người nước ngoài, tầm soát bệnh bằng công nghệ cao, bệnh viện chữa đột quỵ.
6 dự án được kêu gọi đầu tư theo Nghị quyết 181 của HĐND TP.HCM gồm: Khu khám điều trị dịch vụ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, khoa Khám và điều trị cho người nước ngoài tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Đột quỵ TP.HCM, 2 Trung tâm Tầm soát và chẩn đoán bằng công nghệ cao tại TP Thủ Đức và huyện Bình Chánh, Bệnh viện Thực hành của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Các dự án này sẽ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Số dự án sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới.
Theo ông Nhân, nước ta đã có nhiều dự án thành công về đầu tư PPP trong lĩnh vực giao thông vận tải, đường cao tốc. Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn một số nội dung trong hoạt động đầu tư PPP thuộc lĩnh vực y tế. Sở Y tế TP.HCM mong sớm có những dự án triển khai thành công và hiệu quả trong ngành y tế.
TP.HCM hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN với nhiều đề án lớn. Trong đó, TP hình thành 6 cụm y tế lớn, gồm cụm trung tâm và các cụm ở các cửa ngõ tại TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh, huyện Cần Giờ, cụm khu vực Tây Nam.
“Trong phát triển y tế chuyên sâu, nhân lực là vấn đề quan trọng. Ngành y tế sẽ lập trung tâm đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao, phát triển cơ sở hạ tầng và các kỹ thuật chuyên sâu, đẩy mạnh du lịch y tế kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền… Điều này đòi hỏi phải huy động sức người, sức dân để cùng thực hiện” - ông Nhân nhấn mạnh.
Theo đó, lãnh đạo TP.HCM đã chấp thuận thành lập đề án huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển lĩnh vực y tế, tạo cơ chế chính sách, hành lang pháp lý để kêu gọi nhà đầu tư cùng góp sức thực hiện các dự án, mang đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân.
Ngành y tế mời gọi các trường đại học y khoa uy tín trên thế giới thành lập và thêm cơ sở, hợp tác với các trường khối sức khỏe trên địa bàn TP.HCM để đào tạo, giảng dạy. Tập trung huy động nguồn lực xã hội để tham gia cùng các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa đầu ngành phát triển lĩnh vực chuyên sâu. Huy động doanh nghiệp tư nhân mở trung tâm như tim mạch, bỏng, y học tái tạo, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…
Ngoài ra, trong bối cảnh các bệnh viện tuyến cuối ngày càng quá tải, TP mong muốn nhà đầu tư có thể triển khai thành lập những bệnh viện cơ sở 2, chẳng hạn với các bệnh viện mắt, chấn thương chỉnh hình...
Trong lĩnh vực điều trị ung thư, ngành y tế đang kêu gọi đầu tư xây dựng lò Cyclotron sản xuất đồng vị phóng xạ dùng trong y tế và đầu tư trung tâm xạ trị Proton. Trung tâm y tế quận huyện sẽ hợp tác các nhà đầu tư để mua sắm thiết bị y tế.