Sáng 9-8, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị mời gọi đầu tư các giải pháp chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng nhiều lãnh đạo TP tham dự hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều quan điểm, giải pháp về chống ngập trong điều kiện nước biển dâng, quản lý nước trong vùng đô thị mật độ cao, hay phát triển không gian điều tiết nước mưa cho TP.HCM...
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM
Phát triển đô thị không đúng gây ngập
Từ kinh nghiệm ở Hà Lan, ông Laurent Umans, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, cho rằng TP.HCM đang bị sụt lún. Tính toán mỗi năm, mặt đất sụt lún 7 cm, mức độ sụt lún đang tăng nhanh mỗi năm.
“Đây là một hồi chuông báo động vì nó không đơn giản là một vấn đề mà còn là mối đe dọa hiện hữu đối với thành phố và người dân. Sự tồn tại của TP.HCM đang bị đe dọa. Theo dự báo, khoảng 50 năm nữa, một phần lớn thành phố sẽ nằm dưới mực nước biển và trở thành đầm lầy” - ông Laurent nói.
Ông Laurent cũng cho rằng biến đổi khí hậu làm dâng mực nước biển, chỉ vài mm mỗi năm nhưng về lâu dài thì rất đáng kể. Tương tự, sụt lún mỗi năm chỉ vài cm, tính trong một thập kỷ thì con số này là không hề nhỏ. “Không nên chờ đợi nghiên cứu mà thay vào đó chúng ta cần hành động ngay, hành động một cách chủ động, sáng tạo” - ông Laurent nói.
Với câu hỏi "làm thế nào để nâng cao mức độ đầu tư khi cần phải thích ứng với các xu hướng nêu trên?", ông Laurent cũng khuyên TP.HCM đầu tư ưu tiên hàng đầu nên tập trung vào giảm nhanh khai thác nước ngầm. Thứ hai là đầu tư để đảm bảo TP.HCM không phát triển về phía biển. Thứ ba là đầu tư vào việc kết nối các nền tảng chủ chốt của TP, không chỉ thông qua các công trình cơ sở hạ tầng mà còn trong trao đổi kinh tế, xã hội và văn hóa.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng nguyên nhân gây ngập có nhiều, nhưng việc phát triển đô thị không đúng cũng gây ra tình trạng ngập nước. Đây là một bài học phát triển đô thị về hướng biển, về phía Nam, nếu không cân nhắc kỹ sẽ gây lún sụp.
“TP.HCM là một đô thị chưa hoàn chỉnh. Vì vậy, việc giải quyết ngập ở từng vị trí phải xác định rõ ở từng nguyên nhân để có giải pháp cụ thể. Trong một bài toán tổng thể là phải thay đổi quy hoạch, điều chỉnh lại quy hoạch thoát nước, ngập của TP” - ông Tuyến nói và cho biết sẽ lắng nghe, tiếp thu và có chọn lựa trên cơ sở phải xác định được nguyên nhân gây ngập ở từng vị trí để giải quyết, cũng như có bản đồ mô phỏng tình hình ngập của TP để nhận diện, đánh giá, tìm giải pháp.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến phát biểu hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM
Mời gọi đầu tư 17 dự án chống ngập, xử lý nước thải
Chương trình giảm ngập nước là một trong bảy chương trình đột phá của TP trong giai đoạn 2016-2020, có tổng nhu cầu vốn ước khoảng 96.300 tỉ đồng (đã huy động được khoảng 23.000 tỉ đồng, còn lại cần thêm khoảng 73.300 tỉ đồng). Tuy nhiên, ngân sách TP chỉ có thể bố trí 16.400 tỉ đồng, còn lại rất cần kêu gọi nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia.
Trên cơ sở các dự án và dự kiến nguồn vốn triển khai giai đoạn 2016-2020, TP.HCM mời gọi đầu tư vào 17 dự án thuộc chương trình giảm ngập nước của thành phố bằng hình thức đối tác công tư. Trong đó có bảy dự án xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải: lưu vực Tây Sài Gòn, Bình Tân và Tân Hóa Lò Gốm với tổng công suất 630.000 m3/ngày, lưu vực Bắc Sài Gòn 1 với công suất 170.000 m3/ngày, lưu vực Bắc Sài Gòn 2 với công suất 130.000 m3/ngày, lưu vực Rạch Cầu Dừa với công suất 100.000 m3/ngày, lưu vực Tây Bắc với công suất 130.000 m3/ngày.
Mời gọi đầu tư sáu dự án cải tạo, nạo vét các tuyến kênh rạch: xây dựng bờ kè kênh và hạ tầng kỹ thuật hai bên kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, xây dựng hệ thống thoát nước mưa và ngăn triều lưu vực từ cầu Tham Lương đến sông Chợ Đệm, cải tạo hệ thống kênh Vĩnh Bình, nạo vét trục thoát nước rạch Thủ Đào, nạo vét trục thoát nước rạch Ông Bé, nạo vét trục thoát nước rạch Thầy Tiêu.
Mời gọi đầu tư ba dự án đê bao và các cống kiểm soát triều vòng ngoài của TP gồm: cống kiểm soát triều Sông Kinh, cống kiểm soát triều Rạch Tra, đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuận đến Sông Kinh (đoạn còn lại).
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, cho rằng tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt như lượng mưa tăng cả về vũ lượng lẫn tần suất, đỉnh triều cường luôn duy trì trên mức báo động và tiếp tục gia tăng, hiện nay đang đạt đỉnh 1,71 m so với mực nước biển, sạt lở ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, tốc độ đô thị hóa nhanh, hệ thống thoát nước của TP chỉ đáp ứng 60%, nhiều tuyến đường thiếu hệ thống thoát nước.
Trong khi đó, các công trình chống ngập và xử lý nước thải tính đến nay lại chưa đủ để đảm bảo ứng phó với các tác động biến đổi khí hậu nói trên và hệ lụy là người dân còn khổ sở với ngập mỗi khi mưa lớn, triều cao và nhiều khả năng tình hình sẽ có thể xấu hơn nếu TP không đầu tư kịp thời các công trình ứng phó, bởi các chuyên gia cảnh báo TP.HCM là một trong 10 thành phố trên thế giới chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Ông Dũng cũng khẳng định: Đến nay, chỉ hoàn thành ba dự án cải tạo kênh rạch, xây dựng được ba nhà máy xử lý nước thải, cống thoát nước chỉ được hơn 4.100 km trong tổng số 6.000 km cần xây dựng, nạo vét khoảng 60,3 km trục thoát nước, xây dựng 64 km đê bao ven sông Sài Gòn chống ngập cho quận Bình Thạnh, quận 12, huyện Hóc Môn, trong khi đê bao ven sông cần xây dựng lên đến 149 km.
Do đó, ông Dũng cho biết chính quyền TP.HCM muốn mời gọi các nhà khoa học, các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư tham gia các dự án môi trường đô thị, xử lý nước thải theo hình thức hợp đồng BLT, BTL, BT. Đối với dự án xử lý nước thải thì nhà đầu tư có thể thu hồi vốn bằng nguồn phí xử lý nước thải sinh hoạt dự kiến được chính quyền TP ban hành quy định thu trong năm nay.