UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, trong đó có nêu về cơ chế tổ chức đấu thầu thực hiện các dự án "tam giác Trần Hưng Đạo", "tứ giác Nguyễn Cư Trinh"...
Mời gọi đầu tư các khu đất vàng
"Về cơ chế tổ chức đấu thầu thực hiện các dự án có sử dụng đất trong đó trong ranh dự án có phần đất công: TP đã rà soát, xác định các dự án lớn dự kiến mời gọi đầu tư thực hiện theo cơ chế này (như dự án Bình Quới - Thanh đa; tam giác Trần Hưng Đạo, tứ giác Nguyễn Cư Trinh…)”, báo cáo của UBND TP nêu.
Theo đó, với các dự án đất vàng kể trên, TP đang rà soát quy hoạch, pháp lý quyền sử dụng đất để chuẩn bị mời gọi đầu tư và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có tiềm năng trong thời gian tới.
Dự án tứ giác Nguyễn Cư Trinh, quận 1, hay còn gọi là khu Mả Lạng, ở trung tâm TP.HCM, được bao quanh bởi 4 tuyến đường gồm Cống Quỳnh - Nguyễn Trãi - Nguyễn Cư Trinh - Trần Đình Xu.
Ghi nhận thực tế tại dự án tứ giác Nguyễn Cư Trinh treo 18 năm nay cho thấy, đa phần khu này chủ yếu tập trung người dân lao động, nhà cửa có diện tích nhỏ và “siêu” nhỏ. Thậm chí có không ít căn nhà chỉ 3-5 m2 và rất nhiều trong số đó không có chủ quyền nhà đất.
Tháng 3 năm ngoái, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã ra thông báo kết luận về việc thu hồi, chấm dứt chủ trương đầu tư dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh, mở đường cho việc kêu gọi đầu tư khu đất vàng này trong thời gian tới.
Về dự án tam giác Trần Hưng Đạo, được bao bọc bởi 3 con đường huyết mạch quận 1 là Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học. Dự án được chấp nhận chỉ tiêu quy hoạch từ 2007 nhưng đến nay cũng chưa thể triển khai.
Trước đây, dự án có chức năng thương mại, dịch vụ như văn phòng, khách sạn cao cấp, tài chính, thương mại, trong đó ưu tiên chức năng khách sạn cao cấp, không có chức năng căn hộ ở, dự án quy mô 55 tầng.
Bán đảo Bình Qưới – Thanh Đa (bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh), một dự án treo hơn 30 năm ở TP.HCM cũng hy vọng được hồi sinh nếu có nhà đầu tư. UBND TP cũng yêu cầu phát triển bán đảo Thanh Đa thành một điểm đến đặc biệt hấp dẫn, đẳng cấp quốc tế, tạo thành một tam giác với khu trung tâm đô thị lịch sử (trung tâm Sài Gòn, Chợ Lớn và phụ cận) và khu vực hiện đại của trung tâm Thủ Thiêm sau này.
Tính chất chính của khu này là một công viên vùng đất ngập nước hấp dẫn cấp quốc tế, thông qua việc tái cấu trúc thành một vùng trũng sinh thái, một nơi bảo tồn sinh quyển đất ngập nước với cảnh quan thật hấp dẫn và liên thông trong toàn khu.
Tháo vướng mắc cho cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ
Ngoài kêu gọi đầu tư các khu đất vàng, TP.HCM cũng kiến nghị cần tháo gỡ vướng mắc trong việc áp dụng quy định về lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, điển hình ở dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Theo UBND TP, tại Điều 7 Nghị quyết số 98/2023/QH15 đã quy định ưu đãi và thủ tục riêng đối với nhà đầu tư chiến lược trong đó có dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Tuy nhiên, quy định tại điểm b Khoản 9 Điều 7 Nghị số 98/2023/QH15 dẫn tới cách hiểu phải giải ngân toàn bộ vốn đăng ký trong thời hạn 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.
“Thực tế hiện nay, dự án cảng trung chuyển Cần Giờ đang được đề xuất tổng vốn đầu tư là 113.531,7 tỷ đồng (tương đương 4,8 tỷ USD), không thể giải ngân hết trong 5 năm”, báo cáo UBND TP nêu.
Theo UBND TP, trong báo cáo thẩm định trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này, Bộ KH&ĐT đã xác định do dự án có tiến độ giải ngân vốn trên 5 năm nên không thể áp dụng được quy trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược quy định tại Điều 7 Nghị số 98/2023/QH15 cho dự án này.
“UBND TP kính đề nghị Bộ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi nội dung này trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu theo hướng linh hoạt trong yêu cầu giải ngân toàn bộ số vốn đầu tư”, UBND TP nêu kiến nghị.
Về phát triển TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng có tốc độ cao và khối lượng lớn), TP đã thông qua danh mục 7 vị trí phát triển TOD dọc tuyến Metro số 1, 2, tuyến Vành đai 3.
Về đầu tư PPP (đối tác công tư): TP đã ban hành danh mục 41 dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa theo phương thức đối tác công tư; 5 dự án BOT nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu để thực hiện đến năm 2028, đã bố trí 50 tỷ đồng vốn trung hạn 2021-2025 để chuẩn bị dự án.