TP.HCM: Mọi trẻ em phải được cấp giấy tờ tùy thân

(PLO)- Các ban ngành trên địa bàn TP.HCM đã làm việc rất trách nhiệm để hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có giấy tờ tùy thân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 26-6, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát về rà soát, lập danh sách cấp giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký thường trú và CCCD đối với nhóm trẻ em, thanh niên (16-18 tuổi) có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ. Các nhóm trẻ em này nằm trong các cơ sở trợ giúp trẻ em, lớp học tình thương trên địa bàn TP Thủ Đức.

Tại buổi giám sát, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, đã đến hai địa điểm là lớp tình thương trên địa bàn phường Bình Trưng Đông và nhà nuôi dạy trẻ mồ côi Diệu Giác.

TP.HCM: Mọi trẻ em phải được cấp giấy tờ tùy thân
Ông Cao Thanh Bình thăm hỏi các trẻ em ở nhà nuôi dạy trẻ mồ côi Diệu Giác.
Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Để các em có hoàn cảnh đặc biệt được đến trường

Bà Trần Thị Thanh Thủy, người phụ trách lớp học tình thương, cho biết lớp học đã hoạt động được tám năm nay. Lúc đầu lớp chỉ có vài em, chủ yếu là những em có hoàn cảnh khó khăn, không được đến trường với nhiều lý do như không có giấy tờ, nhân thân không rõ ràng, cuộc sống gia đình không ổn định… Hiện lớp có 60 em đang theo học.

Cũng theo bà Thủy, trong 60 em từng theo học, hiện có 32 em đã được đưa đến các trường công lập.

“Lớp học hiện có 13 em đã quá tuổi nhưng chưa được đến trường vì khi tuyển sinh đầu cấp, các em chưa có giấy tờ tùy thân. Hy vọng trong thời gian không lâu, các em sẽ có được giấy tờ tùy thân, được vào các trường công lập” - bà Thủy chia sẻ.

Còn tại nhà nuôi dạy trẻ mồ côi Diệu Giác đang nuôi dưỡng 55 trẻ em. Trong đó có 40 trẻ em dưới 18 tuổi và năm người khuyết tật. Hiện cơ sở có 43 trẻ em đang làm thủ tục đăng ký thường trú, CCCD.

Theo đại diện của nhà nuôi dạy trẻ mồ côi Diệu Giác, từ năm 2012 đến nay, vấn đề trẻ em bị bỏ rơi sau khi được làm thủ tục khai sinh thì trên giấy khai sinh phần dân tộc bị bỏ trống.

“Từ những khó khăn trên, chúng tôi mong rằng các cơ quan, ban ngành có hướng giải quyết để có thể chỉnh sửa lại giấy khai sinh của trẻ em ở phần dân tộc” - đại diện của nhà nuôi dạy trẻ mồ côi Diệu Giác chia sẻ.

Chỉ khai báo nơi ở hiện tại vẫn được cấp căn cước

Trong quá trình hỗ trợ, giải quyết giấy tờ tùy thân cho người dân, có những đơn vị yêu cầu cơ quan công an phải cấp mã số định danh. Tuy nhiên, việc giải quyết cấp mã số định danh trên cơ sở pháp lý là phải có giấy khai sinh. Ngoài ra, có phản ánh rằng hiện tại không cấp CCCD đối với những trường hợp chưa đăng ký thường trú. Theo quy định của luật hiện nay, công dân khi thực hiện cấp CCCD phải có thường trú và việc giải quyết này đang bị vướng. Ngày 1-7, Luật Căn cước có hiệu lực, các trường hợp chưa đăng ký thường trú vẫn được cấp CCCD.

Cũng có một số ý kiến phản ánh các cơ sở nuôi dạy trẻ em chưa được cấp phép thì không được đăng ký thường trú.

Về vấn đề này, để đảm bảo quyền lợi của trẻ em thì chúng ta phải đăng ký thường trú. Nếu trẻ em không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú thì phải thực hiện đăng ký, khai báo nơi ở hiện tại. Bởi việc đăng ký này để cơ quan công an có thể rà soát, kiểm soát được trường hợp thuộc nhân khẩu đặc biệt để được hỗ trợ. Ngoài ra, những người có khai báo nơi ở hiện tại thì vẫn được cấp CCCD theo Luật Căn cước.

Một đại diện Công an TP.HCM

Việc làm hết sức nhân văn

Trao đổi với PV, bà Cao Thị Ngọc Châu, Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP Thủ Đức (TP.HCM), cho biết tính đến tháng 6-2024, trên địa bàn TP Thủ Đức có hai cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập và bốn phường có tổ chức lớp học tình thương.

Qua rà soát, trên địa bàn TP Thủ Đức có 10 trung tâm bảo trợ và trung tâm tâm thần với 2.096 nhân khẩu. Thời gian qua, TP Thủ Đức đã tiến hành thu thập thông tin công dân, cập nhật vào hệ thống dữ liệu dân cư cho 1.334 nhân khẩu. Trong đó đã cấp CCCD và tài khoản định danh điện tử cho 858 nhân khẩu, còn lại 476 nhân khẩu chưa đến tuổi để cấp CCCD...

Ông Cao Thanh Bình chia sẻ: Việc hỗ trợ, giúp đỡ các em có hoàn cảnh đặc biệt trong việc có giấy tờ tùy thân là việc làm hết sức nhân văn. Thời gian qua, các đơn vị như Sở LĐ-TB&XH và Công an TP… đã làm việc rất có trách nhiệm. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều em vẫn chưa được cấp giấy tờ tùy thân.

“Chúng ta cần phải xác định nhiệm vụ đợt này là lấy các em làm trung tâm. Cụ thể là những trẻ em chưa đảm bảo về mặt pháp lý trong việc cấp giấy tờ tùy thân. Khi đã xác định lấy trẻ em làm trung tâm thì dù các em có hoàn cảnh nào chăng nữa vẫn được cấp giấy tờ. Trên địa bàn TP có 2 triệu trẻ em thì 2 triệu trẻ em này bắt buộc phải làm giấy tờ hết. Nếu trong quá trình thực hiện có những trường hợp không làm được, các cơ quan liên quan phải nêu rõ nguyên nhân và phải tập trung giải quyết” - ông Bình nói.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm