TP.HCM: Ngập không còn dai dẳng, triền miên như trước

Chiều 12-7, kỳ họp thứ 15 HĐND TP.HCM khóa IX đã tiến hành phiên họp chuyên đề về báo cáo, giám sát tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án chống ngập trên địa bàn TP.

Nhiều điểm ngập đã giảm ngập

Ông Trương Trung Kiên, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.HCM, khẳng định qua giám sát cho thấy nhiều điểm ngập trên địa bàn các khu vực quận 5, 6, 9, Tân Phú, Bình Tân, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Hóc Môn, Củ Chi đã giảm ngập.

Theo ông Kiên, các đơn vị đã hoàn thành hơn 84% việc nâng cấp các tuyến hẻm theo mục tiêu, hoàn thành chỉnh trang 1.343 tuyến đường hẻm kết hợp kết nối hệ thống thoát nước với các tuyến thoát nước chính...

Hiện các đơn vị cũng triển khai thực hiện hàng loạt dự án chống ngập do triều. Dự kiến đến năm 2020, 48 dự án sẽ hoàn thành và 16 dự án khác sẽ tiếp tục được thực hiện, hoàn thành sau năm 2020.

Còn nhiều dự án chậm tiến độ

Tuy nhiên, ông Kiên cho rằng đa số các dự án bị chậm tiến độ. Mục tiêu giải quyết các tuyến ngập do mưa, ngập do triều, xây dựng cải tạo các nhà máy xử lý nước thải và các hạng mục dự án chống ngập do triều khó có thể hoàn thành giai đoạn 2016-2020 theo kế hoạch. Nhiều dự án đang thực hiện gặp vướng mắc về vốn, bồi thường và giải phóng mặt bằng nên hiệu quả bị hạn chế.

Ngoài ra, vẫn còn tình trạng một vài dự án thoát nước, giảm ngập đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng hiệu quả còn hạn chế, chưa giải quyết dứt điểm tình trạng ngập khiến người dân bức xúc. “Có tình trạng dự án khi thực hiện gây phát sinh điểm ngập mới” - ông Kiên nói và dẫn chứng trên đường Kinh Dương Vương, ở tuyến đường này chống ngập bằng giải pháp nâng cao mặt đường vừa ảnh hưởng đến công trình của người dân, vừa gây ngập cho các tuyến đường nhánh và hẻm xương cá cắt ngang, gây bức xúc cho các hộ dân.

Một trong những nguyên nhân gây ngập mà ông Kiên chỉ ra là do công tác quản lý thiếu chặt chẽ, đồng bộ. Chính vì thế mà nhiều công trình nhà ở, cơ sở sản xuất xây dựng trên và ven kênh rạch, lấn chiếm các cửa xả và hành lang an toàn sông, kênh rạch chưa được xử lý dứt điểm. “Hầu hết các dự án chậm tiến độ vì vướng mặt bằng. Trong đó, công tác tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư và các đơn vị liên quan chưa được chuẩn bị kỹ nên chưa lường hết các ảnh hưởng, tác động đến người dân” - ông Kiên nói và cho rằng đó là lý do vì sao dự án phải đình lại để điều chỉnh đi, điều chỉnh lại, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện và đội vốn đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan (trái) và nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM  Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu thảo luận tại phiên họp. Ảnh: HOÀNG GIANG

Chỉ rõ địa chỉ trách nhiệm

Trước báo cáo trên, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho rằng mặc dù đã nhận diện được nguyên nhân và hậu quả của ngập nước nhưng kết quả giám sát này chưa chỉ ra được trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương khi để những hạn chế tồn tại trong công tác chống ngập. “Nhiều năm trước, HĐND TP đã chất vấn việc lấn chiếm, xây dựng trên kênh rạch, phê duyệt và cấp phép xây dựng lấn chiếm, lấp kênh rạch và xác định là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập khó giải quyết như hiện nay” - bà Tâm nói.

Nguyên chủ tịch HĐND TP cho rằng không nên né tránh nữa, phải chỉ ra cho được cơ quan chịu trách nhiệm thì cơ quan đó mới tập trung, tích cực thực hiện.

ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm đánh giá hiệu quả đầu tư các dự án chống ngập chưa cao, nhiều dự án chậm. Hiện trên địa bàn TP còn tình trạng nhiều kênh rạch, bờ sông bị lấn chiếm, thu hẹp, thậm chí biến mất. Cụ thể như ở quận 2 có tình trạng quán hàng hoặc các công trình nhà ở nằm ngay trên hành lang bảo vệ bờ sông Sài Gòn. “Vậy chính quyền các cấp có cưỡng chế các căn nhà, quán xá lấn chiếm hay không?” - bà Trâm đặt câu hỏi.

Nhiều ĐB khác cũng dẫn ra nhiều dự án chống ngập chưa phát huy hết hiệu quả như trên đường Nguyễn Văn Quá (quận 12), đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9)...

Từ đó các ĐB đề nghị rà soát lại hệ thống 2.900 tuyến kênh rạch trên địa bàn, đồng thời TP cần tiếp tục phân cấp hợp lý cho các quận/huyện quản lý kênh rạch và thực hiện việc nạo vét, khơi thông dòng chảy trong khi chờ dự án lớn của TP hoàn thành.

Liên quan đến nguồn vốn, ông Võ Văn Hoan cho biết nguồn vốn chống ngập giai đoạn 2016-2020 cần hơn 96.327 tỉ đồng, trong đó ngân sách đáp ứng hơn 6.356 tỉ đồng (chưa được 10%) nên cần phải huy động các nguồn vốn khác. Trong đó, TP sẽ tính đến phương án thanh toán quỹ đất công dọc hai bờ kênh cho nhà đầu tư để họ giải phóng mặt bằng, xây dựng bờ kè, đường giao thông hai bên. 

Sẽ điều chỉnh các quy hoạch chống ngập lạc hậu

Được yêu cầu giải trình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng chống ngập là bài toán rất nan giải. Hiện TP đang đối điện với những cơn mưa lớn, kéo dài, đồng thời triều cường không ngừng dâng cao, mặt đất lún là những áp lực lớn đối với TP trong việc giải quyết ngập.

“Nếu không giải quyết được bài toán chống ngập sẽ tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và đặc biệt nó tạo ra điểm nghẽn của quá trình phát triển” - ông Hoan nói.

Lấy ví dụ cụ thể một số dự án chống ngập bằng cách nâng đường quá cao như đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân), Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cho rằng làm như thế là không quan tâm đến cuộc sống của người dân. “Cách làm như thế là không đúng nên sắp tới phải thực hiện dự án theo hướng không gây ảnh hưởng đến người dân” - ông Hoan nói.

Theo ông Hoan, những năm gần đây ngập ở TP.HCM không còn diễn ra dai dẳng, triền miên, người dân có phản ánh ngập nhưng không gay gắt như những năm trước. Đây là những hiệu quả bước đầu khi triển khai đồng bộ các giải pháp. Tuy nhiên, ông Hoan cũng nhìn nhận công tác quản lý nhà nước về chống ngập cũng có điểm chưa được tốt. Từ đó ông cho biết trong thời gian tới, UBND TP sẽ tiếp tục rà soát lại quy hoạch, điều chỉnh và kiến nghị điều chỉnh các quy hoạch chống ngập đã lạc hậu.

TP cũng sẽ xây dựng chuẩn cốt nền; đánh giá khảo sát lại, xác định chức năng của từng sông, kênh rạch; phân cấp ủy quyền cho địa phương quản lý sông, kênh rạch; lập trung tâm dự báo ngập.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới