Anh TVS (ngụ quận 12, TP.HCM)đang chăm con trai 14 tuổi tại khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng 1.
Nhập viện khi bệnh đã nặng
Anh cho biết trước đó trẻ bị sốt, gia đình tưởng sốt thường nên chỉ mua thuốc uống, truyền nước cho trẻ tại nhà.
Sang ngày thứ 4, trẻ hết sốt nhưng thấy khó thở, nổi mẩn đỏ khắp người nên anh đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng 1 khám.
Lúc vào bệnh viện trẻ đã bị sốc sốt xuất huyết, đông máu, được đưa vào khoa Cấp cứu rồi sau đó chuyển lên khoa Sốt xuất huyết.
“Con tôi bị sốt xuất huyết nặng, phải truyền dịch và theo dõi thường xuyên. Giờ tình trạng con có đỡ hơn, bác sĩ nói đến tối nếu tình trạng tiến triển tốt thì không cần truyền dịch nữa” - anh S nói.
Giường bên cạnh là con trai 10 tuổi của chị VTPL (ngụ Hóc Môn) cũng đang điều trị sốt xuất huyết. Chị L cho biết con chị mới nhập viện điều trị được 1 ngày.
Cách nhập viện 4 ngày, con chị có biểu hiện sốt cao 38 độ C, uống thuốc hạ sốt nhưng không giảm mà ngày càng sốt cao hơn. Hôm sau thấy con lừ đừ, da nổi ban đỏ, chị liền đưa con đến bệnh viện địa phương.
Điều trị ở bệnh viện địa phương được 3 ngày, con chị bớt sốt nhưng sau đó chuyển biến nặng, chảy máu cam nên được chuyển bằng xe cấp cứu lên Bệnh viện Nhi đồng 1, trên xe vẫn còn truyền dịch.
“Vào đây bác sĩ chẩn đoán con tôi đã bị sốt xuất huyết nặng. Nhà tôi hiện không ai bị sốt xuất huyết, đây là lần đầu con tôi bị, con cũng chưa tiêm vaccine sốt xuất huyết” - chị L chia sẻ thêm.
Sốt xuất huyết có xu hướng tăng
TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết một tháng gần đây trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận điều trị 5 ca sốt xuất huyết mới, trước đó chỉ tiếp nhận khoảng 2-3 ca/ngày.
Hiện khoa đang điều trị nội trú 60 ca, trong đó 12 ca nặng.
“So với một tháng trước, số bệnh nhi nhập viện và điều trị sốt xuất huyết có xu hướng tăng. Nhiều trẻ nhập viện khi đã có dấu hiệu nặng như sốc sốt xuất huyết, suy đa cơ quan” - bác sĩ Tuấn nói.
Theo bác sĩ Tuấn, một số trường hợp sốt xuất huyết nhập viện trễ thường là do phụ huynh chủ quan. Cũng có thể ở bước thăm khám ban đầu, các triệu chứng biểu hiện không rõ ràng, chẩn đoán nhầm với bệnh tay chân miệng, sốt siêu vi, sốt phát ban...
Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám và điều trị nội trú tại khoa là ở TP.HCM. Do sốt xuất huyết là bệnh có thể điều trị tại địa phương, khoa thường xuyên hỗ trợ các cơ sở y tế tuyến dưới thông qua hình thức trực tuyến trong công tác hội chẩn, điều trị bệnh.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết gần đây, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận điều trị khoảng 3 ca sốt xuất huyết mới.
Tính đến 12-11, hiện bệnh viện đang điều trị khoảng 13 ca sốt xuất huyết. Trong đó, khoa Nhiễm đang điều trị 9 ca, khoa Cấp cứu 2 ca và 2 ca nặng đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc đang phải lọc máu.
“So với cùng kỳ năm ngoái thì sốt xuất huyết không có dấu hiệu tăng, nhưng so với cách đây một tháng thì bệnh có tăng nhẹ. Hiện cũng đang là mùa mưa, điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi phát triển. Nếu chúng ta không phòng ngừa thì sắp tới sốt xuất huyết có thể sẽ tăng nữa” - bác sĩ Tiến cảnh báo.
Nhận biết sớm dấu hiệu bệnh nặng
Bác sĩ Tuấn cho hay, bệnh nhi sốt xuất huyết thường có các triệu chứng sốt kéo dài, sốt cao đột ngột; mệt mỏi, lừ đừ; đau nhức mình mẩy, đau đầu, đau xung quanh hốc mắt và thái dương, đau cơ, đau khớp; chán ăn… Những triệu chứng này thường rất dễ nhầm với các bệnh lý thông thường.
Khi bệnh diễn tiến sang những ngày sau, có thể thêm các biểu hiện nặng như nổi ban xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng.
Giai đoạn nặng của sốt xuất huyết thường là từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Lúc này, bệnh chuyển biến nặng, bệnh nhi mệt nhiều, lừ đừ, đau bụng, ói nhiều, tay chân mát lạnh. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy người bệnh bị sốc sốt xuất huyết.
Một số biến chứng của bệnh như chảy máu cam, đi cầu ra máu. Thậm chí, đối với nhóm nữ ở độ tuổi dậy thì, bệnh còn có thể gây ra biến chứng xuất huyết tử cung nặng. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, sốt xuất huyết có thể dẫn đến suy đa tạng như gan, cơ tim, hệ thần kinh… thậm chí tử vong.
“Không nên chủ quan khi bệnh nhân đã hết sốt. Bất kỳ trẻ em hay người lớn nào sốt cao không đỡ từ 2 ngày trở lên cần được đưa đến cơ sở y tế để thăm khám, phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. Điều này cũng tránh nguy cơ người bệnh gặp phải các biến chứng như sốc sốt xuất huyết, suy đa cơ quan” - bác sĩ Tuấn khuyến cáo.
Để chủ động phòng ngừa sốt xuất huyết, bác sĩ Tuấn lưu ý người dân không nên để ao tù nước đọng xung quanh nhà, trong các chum, vại, vỏ bánh xe... Cần phát quang bụi rậm, phun thuốc diệt muỗi.
Đặc biệt, muỗi gây sốt xuất huyết thường hoạt động ban ngày và chiều tối, vì vậy nếu ngủ nên ngủ trong mùng, thường xuyên xịt muỗi để tránh bị muỗi đốt.
Sốt xuất huyết tăng liên tục trong 4 tuần
Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), vào tuần 44 (28-10 đến 3-11) ), TP ghi nhận 661 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 21% so với trung bình 4 tuần trước.
Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 44 là 10.641 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, TP Thủ Đức và quận 7.
Đáng chú ý, dịch sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng liên tục trong 4 tuần gần đây, từ 516 ca ở tuần 41 lên 661 ca ở tuần 44. Số ca nhập viện trong tuần 44 cũng gia tăng với 414 ca, tăng 89 ca so với tuần trước, trong đó có 113 ca lưu trú tại tỉnh khác (chiếm tỉ lệ 27,3%).