TP.HCM: Những công trình giao thông đột phá trong năm 2020

Ông Lương Minh Phúc, Trưởng Ban quản lý dự án các công trình giao thông TP.HCM (viết tắt là BQL), chia sẻ: Trong năm 2020 BQL sẽ tiến hành khởi công 27 dự án mới và đặt mục tiêu hoàn thành 29 dự án chuyển tiếp. Đồng thời tiếp tục thi công 70 dự án đang dang dở và triển khai các thủ tục, trình phê duyệt chủ trương đầu tư công 78 dự án.

Như vậy, năm 2020 là năm hứa hẹn sẽ mang lại nhiều màu sắc tươi mới cho giao thông TP.

Những công trình lớn được khởi công

Một trong những dự án được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo TP trong thời gian tới là nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7).

Theo ông Phúc, dự án trên sẽ được triển khai trong năm 2020, sau khi hoàn thành, công trình sẽ có hai hầm lưu thông liên tục. Từ đó nút giao này sẽ kéo giảm áp lực phương tiện giao thông và khắc phục tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị Nam Sài Gòn và khu đô thị cảng Hiệp Phước.

Dự án tiếp theo được kỳ vọng mở nút thắt khu Đông TP là dự án cầu Mỹ Thủy 3 (nằm giữa cầu Mỹ Thủy 1 và cầu Mỹ Thủy 2). Công trình cũng sẽ được khởi công trong năm 2020, có chiều dài 124 m với sáu làn xe.

Theo ông Phúc, đây là cây cầu tạo lưu thông liên tục nhằm giải quyết tình trạng ùn ứ, quá tải khu vực này. Khi hoàn thành, công trình sẽ xóa bỏ dứt điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn, giúp việc giao thương hàng hóa giữa khu vực TP.HCM với các vùng lân cận được thuận lợi, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Phúc cũng thông tin năm nay ngành giao thông TP cũng sẽ làm dự án xây cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới trên xa lộ Hà Nội (quận 9, TP.HCM và thị xã Dĩ An, Bình Dương). Mục đích của dự án là đảm bảo kết nối giao thông khi Bến xe Miền Đông mới đi vào hoạt động.

Cụ thể, ngành giao thông xây cầu vượt số 3 (vượt tuyến chính quốc lộ 1) gồm ba làn xe (sát bên cầu vượt số 2 của nút giao ĐH Quốc gia) để tổ chức cho các dòng xe từ hướng Đồng Nai vào Bến xe Miền Đông mới. Xây cầu vượt số 4 (vượt tuyến chính quốc lộ 1) gồm ba làn xe để tổ chức cho các dòng xe từ Bến xe Miền Đông mới rẽ trái quay đầu về hướng trung tâm TP.HCM và về Bình Dương.

“Phải có những cây cầu vượt này thì giao thông vào Bến xe Miền Đông mới trở nên thông suốt” - ông Phúc nói.

Metro số 1 là dự án được kỳ vọng sau khi hoàn thành sẽ thay đổi diện mạo TP. Ảnh: ĐÀO TRANG

Phối cảnh dự án cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới. Ảnh: Ban quản lý dự án cung cấp

Kỳ vọng metro số 1

Một công trình quan trọng sẽ khiến giao thông TP lột xác hoàn toàn trong thời gian tới có thể nói là tuyến metro số 1.

Theo ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, metro số 1 là một công trình giao thông được kỳ vọng của cả người dân và lãnh đạo TP. Dù còn gặp một số khó khăn nhưng tất cả khó khăn đó đã được giải quyết.

Ông Bằng đánh giá năm 2020 là năm bứt phá, đẩy nhanh tiến độ thi công để dự án metro số 1 hoàn thành đúng tiến độ. Cụ thể, năm 2020 có thể chạy thử tàu, 2021 sẽ chính thức đi vào hoạt động.

Đánh giá về công trình metro số 1, trong chuyến thăm và chúc tết các nhân viên BQL đường sắt đô thị, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết: TP sẽ cùng với BQL đường sắt đô thị tháo gỡ những khó khăn để dự án hoàn thành đúng tiến độ. Dự án này sẽ luôn là vấn đề nóng, luôn có trong lịch làm việc hằng tuần của UBND TP để cùng theo dõi và giải quyết vướng mắc.

Phương án giải quyết khó khăn

Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó BQL, chia sẻ khó khăn lớn nhất của các dự án nói trên chủ yếu vẫn là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng bị kéo dài. Đây là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và thi công của các dự án.

Ngoài ra, việc vừa thi công vừa phải đảm bảo cho các phương tiện giao thông lưu thông, chưa kể mặt bằng thi công chật hẹp và công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật cũng ảnh hưởng tiến độ thi công các công trình.

Trước những khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng, ông Lương Minh Phúc khẳng định: BQL sẽ thường xuyên, kịp thời phối hợp với các quận, huyện và các cơ quan chức năng để khảo sát, đo đạc kiểm đếm, xây dựng phương án đền bù cũng như triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời, phối hợp với đơn vị thi công và địa phương vận động các hộ dân bị ảnh hưởng hỗ trợ bàn giao một phần mặt bằng để phục vụ thi công.

Về tổ chức thi công, ông Phúc cho rằng BQL cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu (tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát..) ngay từ đầu. Từ đó sẽ cùng nghiên cứu xây dựng nhiều phương án để chọn được phương án tối ưu nhất, đảm bảo khi thi công đạt chất lượng.

Thông tin thêm về kế hoạch triển khai các công trình giao thông trên địa bàn TP, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT, cho hay giai đoạn 2015-2020 dự kiến có 172 công trình với 232.000 tỉ đồng nhưng nguồn vốn đã chuẩn bị đến năm 2020 thì mới được 76.000 tỉ đồng, chiếm 24% tổng số vốn). Như vậy, nguồn ngân sách dành cho TP cũng rất nhỏ.

Tuy vậy, ông Lâm cũng thông tin TP đang xây dựng đề án để báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành để làm sao tăng tỉ lệ điều tiết, tính toán tăng nguồn vốn giúp các công trình giao thông sớm hoàn thành và mang lại hiệu quả cao.

Trước đó, trong những ngày giáp tết Canh Tý 2020, công trường dự án metro số 1 có hàng ngàn công nhân vẫn miệt mài, tất bật làm việc.

Mặc dù tiếng máy móc ồn ào, không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ thì các công nhân vẫn làm việc vô cùng ăn ý bằng cách ra tín hiệu bằng tay.

Các công nhân tại công trường metro cho biết sẽ nỗ lực làm việc hết sức mình bởi chẳng bao lâu nữa TP sẽ có tuyến đường sắt đô thị hiện đại bậc nhất, góp phần làm cho diện mạo giao thông TP thêm tươi mới. 

Chuyên gia góp ý

Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc nghiên cứu giao thông vận tải Việt Nam (Trường ĐH Việt Đức), cho rằng giao thông TP.HCM ngày càng gia tăng do lượng phương tiện ngày càng nhiều. Đặc biệt, trục đường Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ đóng vai trò là vành đai 3 nên lượng xe qua khu vực này rất nhiều, gây kẹt xe liên miên.

Tượng tự, khu vực Mỹ Thủy cũng có lượng xe tải, xe container di chuyển từ phía đông tới tây nam nên giao thông thường xuyên bị ách tắc.

Vì vậy, hai công trình nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ và cầu Mỹ Thủy 3 sau khi hoàn thành sẽ góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông.

Song ngành giao thông TP cần đưa ra nhiều dự án lớn, mang tính chất lâu dài do lưu lượng giao thông tăng đều qua các năm.

Đồng thời, để giải quyết cục bộ thì TP cần có nhiều tuyến đường trên cao, cần có một mạng lưới giao thông kết nối, những tuyến đường xuyên tâm và vành đai được hoàn thành thì mới giải quyết được tình trạng kẹt xe.

Đồng quan điểm, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho hay hiện nay ô tô cá nhân phát triển mạnh, giao thông công cộng chậm phát triển, không theo kịp…

Vì vậy để giải quyết ùn tắc, trước mắt thì TP cần sớm khởi công nhiều dự án có quy mô như hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, cầu Mỹ Thủy 3 và cầu vượt Bến xe Miền Đông mới.

Theo ông Cương, nhiều năm nay từ trung tâm xuống Nam TP đã xảy ra ùn tắc bởi khu vực này quá ít cầu. Do đó cần phải làm thêm nhiều cây cầu vượt sông để kết nối vào trung tâm. Song song cần giải quyết các nút thắt về giao thông điển hình như đường Nguyễn Văn Linh thì giao thông khu Nam TP mới thông suốt.

Đánh giá về metro số 1, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng thời gian qua metro số 1 có hơi chậm tiến độ, song đó cũng là điều cần thiết để TP kịp chuẩn bị những kế hoạch khai thác cho tuyến này.

“TP cần ưu tiên đầu tư để tuyến metro số 1 hoàn thành càng sớm càng tốt. Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên và cũng là tuyến nhận được kỳ vọng của người dân nhất. Vì vậy, năm 2020 là năm dồn lực để đưa dự án hoàn thành đúng với kế hoạch” - ông Sơn nói.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, bên cạnh việc hoàn thành dự án đúng tiến độ thì TP cũng cần có tuyến xe buýt song hành đi ngang với trạm metro để tiến hành gom khách cho metro. Tại các trạm nhà ga metro cần có bãi giữ xe để người dân gửi xe và sử dụng phương tiện công cộng.

Ông Sơn đánh giá tiềm năng của metro rất lớn song cũng thử thách rất nhiều, nếu TP xây dựng các phương án kết nối với metro thì TP sẽ thoát khỏi tình trạng kẹt xe như hiện nay. Người dân cũng sẽ ưu tiên sử dụng giao thông công cộng thay vì phương tiện cá nhân.

TP sẽ thay đổi lớn trong 5 năm tới

Ông Lương Minh Phúc, Trưởng BQL, cho biết trong năm 2020 TP sẽ có nhiều dự án được hoàn thành như: Công trình nạo vét luồng biển từ sông Xoài Rạp, đảm bảo lưu thông cho tàu, thuyền. Cầu Thép An Phú Đông vượt qua sông Vàm Thuật cũng hoàn thành trong năm 2020 để kết nối quận 12 với quận Gò Vấp. Dự án hoàn chỉnh vành đai phía đông từ cầu Phú Mỹ đi về phía Khu công nghệ cao cũng sẽ hoàn tất trong năm nay.

Theo ông Phúc, trong năm năm tới, hệ thống giao thông TP sẽ có sự thay đổi rất lớn. Lúc này sẽ hoàn thành khép kín được vành đai 2, hiện nay đang thiếu từ Khu công nghệ cao về Phạm Văn Đồng và KCN Tân Tạo về Nguyễn Văn Linh. Song song mở rộng cho tuyến TP.HCM - Mộc Bài và chuẩn bị kết nối với vành đai 3.

Bên cạnh đó, TP cũng sẽ mở rộng quốc lộ 13, quốc lộ 22, quốc lộ 50, cùng với cầu Cát Lái kết nối ở phía đông TP. Đặc biệt, các nút giao lớn sẽ sớm được hoàn thiện và đi vào khai thác. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới