TP.HCM nỗ lực điều trị, ngăn tử vong do COVID-19

Chiều 14-7, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM đã có buổi gặp gỡ với lãnh đạo các cơ quan báo chí. Tại buổi gặp, có 13 ý kiến của lãnh đạo các cơ quan báo chí tại TP chia sẻ những băn khoăn, đồng thời hiến kế nhiều vấn đề nhằm góp phần cùng lãnh đạo TP làm tốt hơn công tác truyền thông hiệu quả trong phòng chống dịch.

Các y, bác sĩ, nhân viên y tế làm việc tại BV dã chiến điều trị COVID-19 số 6 trong khu tái định cư Bình Khánh (phường An Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM).
Ảnh: NHẬT LINH

Cố gắng khắc phục tối đa tử vong do bệnh nền

Liên quan đến điều trị F0, F1 tại nhà, Vụ trưởng Vụ Truyền thông (Bộ Y tế) Vũ Mạnh Cường cho rằng cần phải hiểu rõ về chuyên môn gọi là “rút ngắn thời gian điều trị F0”, chứ không phải cách ly F0 tại nhà. Bộ Y tế khuyến cáo yêu cầu tất cả F0 vẫn phải được theo dõi điều trị tại bệnh viện. Ngày thứ 10 trở đi mới cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế nếu có chỉ số virus thấp.

Tại buổi gặp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết trong phòng chống dịch, TP.HCM luôn tuân thủ gần như tuyệt đối nguyên tắc của các thầy thuốc đưa ra, làm đúng hướng dẫn ngành y tế đưa ra dựa trên tác hại của biến chủng. Bên cạnh đó, ngành y tế TP cùng ngành y tế cả nước theo dõi, nghiên cứu, phân tích, đánh giá để hiểu được và đề ra giải pháp sát thực để chuyển hướng chiến lược “đánh” có hiệu quả nhưng không ảnh hưởng nhiều đến xã hội thì đây là bài toán khó với TP.

Bí thư Thành ủy cho rằng trọng tâm của thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn TP đó là giãn cách, cách ly và phong tỏa một số vùng trên địa bàn TP. Từ đó, truy vết, xét nghiệm và tầm soát số người bị lây nhiễm, không để dịch lây lan ra cộng đồng. Đồng thời tập trung nhiều nhiệm vụ tích cực nhằm hạn chế tối đa ca tử vong. “Muốn như thế thì phải lo từ xa, lo nâng cao thể trạng để đủ sức đề kháng, phải chăm sóc từ lúc đầu. Một người vượt qua được bệnh tật thì phải có nhiều yếu tố, đặc biệt là khâu chăm sóc” - ông Nên nói và cho biết TP cố gắng khắc phục tối đa tử vong do bệnh nền, phải cố gắng điều trị cả bệnh nền cho bệnh nhân. “Chúng ta không thiếu tiền, thuốc nhưng phải lo khâu này bằng cả trách nhiệm và lương tâm” - ông Nên nhấn mạnh.

 

Dự kiến bắt đầu tiêm vaccine đợt 5 từ ngày 18-7

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết trong đợt tiêm chủng vaccine phòng dịch COID-19 lần 5, TP sẽ tổ chức 630 điểm tiêm chủng tại 312 trạm y tế quận, huyện. Dự kiến mỗi điểm tiêm cho 120 người/ngày. Số lượng ban đầu là 1,1 triệu liều vaccine, tiến hành trong 2-3 tuần.

Ông Mãi cũng cho biết nếu có thể thì đến ngày 18-7, TP.HCM sẽ triển khai tiêm đồng loạt.

Chuyển hướng đúng, siết lại từng khâu phòng dịch

Cùng chiều 14-7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã họp giao ban trực tuyến với lãnh đạo TP.HCM về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng TP.HCM về cơ bản đã chuyển hướng đúng, siết lại từng khâu phòng chống dịch. Điểm nổi bật nhất là công tác xét nghiệm đã bài bản hơn, góp phần quan trọng trong truy vết, điều tra dịch tễ. Các phần mềm hỗ trợ công tác phòng chống dịch cũng được xây dựng và sẵn sàng triển khai. Đến nay cơ bản kết quả xét nghiệm được trả trong vòng 24 giờ.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, TP.HCM cần tiếp tục đưa công cụ công nghệ để khớp nối kết quả xét nghiệm và thông tin người lấy mẫu, phân tích dịch tễ để phục vụ cho điều tra dịch tễ, phân tích chỉ điểm những khu vực trọng tâm, trọng điểm cần tập trung truy vết, lấy mẫu.

TP.HCM cũng cần tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân thấy TP đã cố gắng tổ chức lại đời sống sinh hoạt, phân phối hàng hóa, không để ai bị thiếu thốn, dứt bữa nhưng cũng phải vận động người dân cùng chia sẻ khó khăn, không thể giống như lúc bình thường.

Ông Vũ Đức Đam cũng lưu ý TP.HCM tiếp tục quan tâm tới những người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là những khu, cụm dân cư tập trung rất đông người nghèo. Ngoài hỗ trợ về vật chất, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thì bà con rất cần trợ giúp về đời sống văn hóa, tinh thần để bớt cảm thấy bí bách trong thời gian giãn cách.

TP.HCM cũng đã cải tiến và bỏ những quy định để người dân lưu thông thuận lợi trong TP, giải quyết tình trạng ách tắc. Tuy nhiên, để giải quyết căn bản tình trạng này, Phó Thủ tướng đề nghị TP cần liên thông hệ thống mã QR Code của TP và hệ thống đang triển khai trên cả nước để thống nhất mỗi người dân có một mã QR Code tích hợp kết quả xét nghiệm, khai báo y tế điện tử để quét mã khi đến các cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, di chuyển qua các chốt kiểm soát…•

 

Hy vọng đây là trận cuối cùng đẩy lùi COVID-19

Chiều 14-7, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và sự phân công của Sở Y tế TP.HCM, đội chi viện chuyên về hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng của BV Chợ Rẫy đã lên đường làm nhiệm vụ tại Trung tâm hồi sức bệnh nhân COVID-19 quy mô 1.000 giường.

Đội chi viện gồm 25 bác sĩ và 28 điều dưỡng do BS CK2 Trần Thanh Linh, Phó Khoa hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy, người từng có kinh nghiệm điều trị cho BN91, làm đội trưởng.

Trung tâm hồi sức COVID-19 chuyên tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 nặng vừa được Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM gấp rút triển khai tại BV Ung bướu Cơ sở 2 (TP Thủ Đức).

Trước giờ lên đường thực hiện nhiệm vụ mới, BS Trần Thanh Linh chia sẻ: “Đây là “trận đánh” lớn nhất và chúng tôi cũng hy vọng sẽ là trận cuối cùng để đẩy lùi COVID-19. Với nhiệm vụ phụ trách 300 giường hồi sức nặng và 30 giường hồi sức nguy kịch, đội ngũ nhân viên y tế BV Chợ Rẫy sẽ là lực lượng chủ lực ở đây”.

Theo kế hoạch, trong sáng 15-7, đội sẽ sớm đưa vào hoạt động 30 giường hồi sức tích cực cho những bệnh nhân COVID-19 cần phải đặt ECMO hoặc thở máy, lọc máu...

HOÀNG LAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm