TP.HCM nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu

Theo các chuyên gia, tại TP.HCM những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất phải kể đến là nhiệt độ, lượng mưa và triều cường.

Diễn biến phức tạp

Với diện tích tự nhiên 2.095 km2 và dân số hơn 10 triệu người, TP.HCM được xem là trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Tuy nhiên, những năm qua thành phố đã, đang và sẽ tiếp tục gánh chịu nhiều thiệt hại do tác động mạnh mẽ của BĐKH.

Thống kê cho thấy, năm 2014 TP.HCM có khoảng 154 xã, phường thường xuyên ngập úng. Đến năm 2050, Trung tâm Quản lý môi trường quốc tế (ICEM) dự báo con số này lên đến 177, chiếm 61% diện tích của thành phố. Song song đó, những đợt không khí lạnh tăng cường hay đợt nắng nóng oi bức kéo dài là một trong số hậu quả chúng ta phải gánh chịu từ BĐKH.

Thiên nhiên sẽ trở nên hiền hòa hơn nếu chúng ta biết bảo vệ nó

Ngoài ra, công tác quy hoạch đô thị, thiết kế cơ sở hạ tầng chưa hiệu quả trong quá khứ đang khiến TP.HCM đứng trước các hiểm họa tương lai. Trong đó, vấn đề tăng dân số và đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ đã tác động không nhỏ đến sự phát triển của TP.HCM. Bên cạnh đó, làn sóng di cư và sự phân bố dân cư tập trung vào các quận nội thành đã gây ra một sức ép rất lớn về cơ sở hạ tầng, môi trường và quản lý xã hội.

Chú trọng đến bảo vệ môi trường

Trong 10 năm qua, TP.HCM đã đạt được những thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sự phát triển này kéo theo nhiều hệ lụy như: các hiện tượng thời tiết cực đoan, lượng phát thải khí nhà kính tăng cao, ô nhiễm nguồn nước, vấn đề thoát nước…

Dựa vào thực trạng trên, mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM đã đưa ra những dự đoán về tác động của BĐKH đối với thành phố. Theo đó, trong 10 năm tới, nhiệt độ trung bình ở TP.HCM sẽ tăng 0,5-0,8 độ C. Trong khi đó, mưa sẽ tăng dần theo ở khu vực Tây Bắc, nhiều nhất tại huyện Củ Chi. Đến năm 2050, huyện Cần Giờ và huyện Bình Chánh vẫn là nơi chịu cảnh ngập nhiều nhất.

Để giảm thiểu những rủi ro thiên tai cũng như thích ứng với BĐKH, TP.HCM đã xây dựng và thực hiện các kế hoạch hành động về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong điều kiện BĐKH. Hàng năm, thành phố chỉ đạo triển khai công tác ứng phó với biến đổi khí hậu với nhiều hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về BĐKH.

Tăng cường mảng xanh cho thành phố cũng là việc làm thiết thực góp phần giảm nhẹ BĐKH

Trong thời gian qua thành phố đã hướng đến sự phát triển bền vững với các mục tiêu phát triển hợp lý và sự cân bằng giữa ba yếu tố: tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.

Theo đó, TP.HCM ưu tiên tập trung thực hiện các giải pháp như: Đẩy mạnh phổ biến giáo dục bảo vệ môi trường, mục tiêu xây dựng thành phố môi trường, đảm bảo nhận thức đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ môi trường; đẩy mạnh giáo dục môi trường, BĐKH trong các cấp học giáo dục và đào tạo; vận động xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, tiêu dùng bền vững, hình thành ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh chung, tiến tới xây dựng xã hội ít chất thải, cacbon thấp, hài hòa, thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, TP.HCM đang hoàn thiện cơ chế, chính sách lồng ghép yêu cầu bảo vệ môi trường trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về môi trường, phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong bảo vệ môi trường. Tiếp cận công nghệ mới tiên tiến về phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, khai thác sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, tiết kiệm năng lượng, sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo. Sẵn sàng phối hợp với các tổ chức quốc tế, trong nước, các tỉnh trong vùng để xây dựng khung kế hoạch mô hình ứng phó với BĐKH trong thời gian tới. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới