Nhiều năm qua, TP.HCM đã triển khai hàng loạt giải pháp, mô hình thí điểm, tuy nhiên chương trình thu gom, phân loại rác tại nguồn (PLRTN) vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Người dân vẫn chưa mặn mà với phân loại rác
Cùng với sự phát triển kinh tế, TP.HCM ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Từ thực tế đó, TP.HCM xác định giảm thiểu ô nhiễm môi trường là một những nhiệm vụ trọng tâm. Do vậy, thành phố triển khai nhiều giải pháp để hạn chế ô nhiễm, tiêu biểu là chương trình PLRTN.
Theo đó, từ năm 2018, UBND TP.HCM về việc ban hành Quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, có hiệu lực gần hai năm qua. Quy định nêu rõ, rác thải tại các hộ gia đình, phải được để riêng thành ba loại: hữu cơ, tái chế và rác thải còn lại. Tuy nhiên, đến nay quy định này vẫn chưa được người dân quan tâm, thực hiện.
Hầu hết các chợ ở TPHCM vẫn thực hiện được chưa PLRTN.
Nói về quy định này, chị Thanh Trúc (phường Tân Hưng Thuận, quận 12) cho biết, quanh khu vực chị ở hầu như không ai thực hiện PLRTN. Theo chị Trúc, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do người dân chưa hiểu hết ý nghĩa của việc PLRTN nên còn thờ ơ.
Trong khi đó, chị Mỹ Linh (ngụ huyện Hóc Môn) cho rằng cơ quan chức năng phải thường xuyên tuyên truyền, tác động để mọi người cùng hiểu và thực hiện việc PLRTN. “Việc này phải duy trì một thời gian dài, khi đó PLRTN sẽ trở thành thói quen trong sinh hoạt hàng ngày chứ giờ thì mọi người chưa mặn mà lắm, hầu như ai cũng đựng tất cả các loại rác vào chung một túi ny lon…”, chị Linh nói.
Cần giải pháp hợp lý và sự hợp tác của người dân
TP.HCM là một trong những địa phương lớn của cả nước. Thế nhưng, sự phát triển mạnh mẽ, nguy cơ gia tăng dân số, ô nhiễm môi trường là những điều chúng ta đang phải đối mặt. Thực hiện PLRTN sẽ góp phần giảm chi phí xử lý rác, nước rỉ rác; tiết kiệm diện tích đất chôn lấp rác cũng như bảo vệ môi trường.
Theo định hướng, thành phố đặt ra lộ trình sẽ giảm tỷ lệ xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp còn 50% vào năm 2020 (hiện tại chôn lấp khoảng 76%) và 20% vào năm 2025. Để thực hiện được điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía cơ quan chức năng. Đồng thời đó còn là tinh thần tự giác, vì lợi ích chung của người dân.
Trước thực trạng hiện nay, TP.HCM đang xem xét những phương án mới để việc PLRTN khả thi hơn. Đơn cử như thay đổi phương thức phân loại và xử lý rác thải. Theo đó, thành phố đang ưu tiên triển khai công nghệ đốt rác phát điện, giảm dần tỷ lệ chôn lấp. Do vậy, thay vì phân loại rác theo ba nhóm: hữu cơ, vô cơ và tái chế như trước, người dân chỉ cần phân loại rác ra thành hai loại: rác tái chế và rác thải còn lại.
Người dân tham gia tập huấn cách phân loại các loại rác thải.
Việc phân loại này cũng sẽ giúp cho công tác thu gom được dễ dàng hơn. Cụ thể, rác thải tái chế sẽ được thu gom bằng cách đổi rác lấy vật phẩm có giá trị tương đương để khuyến khích người dân. Riêng rác thải còn lại sẽ được thu gom hàng ngày để làm nguyên liệu cho các nhà máy xử lý.
Ngoài những lợi ích về môi trường và kinh tế, việc PLRTN góp phần thực hiện từng bước công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, giảm chi ngân sách nhà nước, đồng thời nâng cao vai trò của người dân trong việc chung tay cùng với chính quyền thực hiện tốt công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, tiến đến xây dựng TP.HCM trở thành đô thị văn minh, xanh-sạch-đẹp.