Chiều 16-3, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh TP.HCM đã tổ chức cuộc họp trực tuyến nghe báo cáo về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Bài học từ đeo khẩu trang, cách ly sớm
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết từ tết Nguyên đán đến nay với sự quyết liệt của các cấp, các ngành đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh nhưng cần nhìn rộng ra các nước trên thế giới đang đối mặt với dịch bệnh để rút ra bài học chống dịch cho TP. Nếu làm đúng quy trình, quyết liệt và không lơ là thì sẽ kiểm soát được dịch bệnh.
Theo ông Nhân, qua thống kê ở các nước như Ý, Pháp, Đức, Tây Ban Nha là những nước châu Âu có nền khoa học rất phát triển nhưng khi dịch bệnh xuất hiện họ không coi đeo khẩu trang là yêu cầu và họ cũng không triển khai tìm người nguy cơ lây bệnh để cách ly nên tốc độ lây lan rất lớn.
Ngược lại, có hai nước kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh là Nhật Bản và Hàn Quốc vì họ đã có nhiều giải pháp quyết liệt ngay từ đầu.
Từ đó, bài học đầu tiên mà ông Nguyễn Thiện Nhân đưa ra là nếu quyết liệt thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, cách ly ngay từ đầu thì số ca nhiễm tăng sẽ không lớn, còn nếu đã nhiều ca nhiễm rồi thì kiên quyết ngăn chặn sẽ giảm được tốc độ tăng ca nhiễm. “Nếu không hạn chế bằng biện pháp đeo khẩu trang, cộng với phát hiện khoanh vùng sớm để cách ly thì chỉ cần mất hai tuần một thành phố có thể có 4.000 người nhiễm, hai tuần tiếp sẽ có 12.000 người nhiễm” - ông Nhân phân tích.
Bài học thứ hai là cần có sự chia sẻ cộng đồng. “Bệnh dịch này là không bình thường, không phải chỉ những người sản xuất ngừng lại mới chịu hậu quả, không phải chỉ những người bị bệnh mới chịu hậu quả, mà cuối cùng mỗi người chúng ta đều lãnh hậu quả hết” - ông Nhân nói và cho rằng tinh thần là phải chia sẻ. Mỗi người, mỗi cơ quan, mỗi doanh nghiệp hãy đòi hỏi tiêu thụ ít đi, hãy chấp nhận thu nhập ít đi để giúp cho những người khác, những doanh nghiệp khác mất hoàn toàn thu nhập có thể tồn tại được, sau đó cùng nhau phát triển.
Theo ông Nhân, dịch bệnh có thể kéo dài thêm vài tháng hay một năm hoặc lâu hơn, do đó chúng ta phải điều chỉnh nếp sống, cách sinh hoạt và cách làm việc để duy trì tổng thể năng suất xã hội không quá thấp.
Diễn tập tiếp nhận điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ. (Ảnh do Sở Y tế TP.HCM cung cấp)
Không để người nhiễm vượt quá 100
Còn về các giải pháp, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết giải pháp đầu tiên cần tăng cường chủ động dự báo, phát hiện nguy cơ người lây nhiễm từ các nước và địa phương khác vào TP.HCM. Khi có ca nhiễm lập tức truy tìm những người tiếp xúc để cách ly. Nếu làm tốt sẽ loại trừ được khả năng bị nhiễm bệnh.
Giải pháp thứ hai là phải đeo khẩu trang ở những nơi đông người. Ông Nhân cho rằng chi phí mua khẩu trang có thể đáng kể nhưng so với hậu quả khi không đeo khẩu trang thì nhỏ hơn rất nhiều. “TP.HCM khẳng định có đủ khẩu trang, hiện đang hợp đồng với 16 công ty của các nước sản xuất khẩu trang. Đã có kế hoạch nếu học sinh đi học lại sẽ cung cấp 50 triệu khẩu trang miễn phí tháng đầu. Còn người dân ở địa phương thì UBND phường phải chỉ địa điểm mua khẩu trang” - ông Nhân nói.
Giải pháp thứ ba là hạn chế tụ tập đông người, trước mắt đảm bảo không quá 100 người. Ngoài ra, TP.HCM cũng sẽ đảm bảo năng lực cách ly và chữa bệnh. Đến cuối tháng 2 năng lực cách ly tập trung của TP là 2.000 người, cuối tháng 3 là 3.000 người, cuối tháng 4 là 4.000 người và sau tháng 5 nếu cần thiết là 24.000 người.
Còn về năng lực giường bệnh khoảng 1.600 giường, tương ướng với 16.000 người nhiễm. Về bác sĩ sẽ có 1.000-1.400 bác sĩ để phòng, chống dịch. Máy thở, đặt khoảng 1.200 máy sẵn sàng ứng phó với bệnh tăng cao. “Hy vọng không phải dùng năng lực này” - ông Nhân nói.
Cuối cùng, ông Nhân cho biết TP.HCM cố gắng khống chế số người bị nhiễm không vượt quá 100, nếu có phải quyết liệt ngăn cản.
“TP.HCM không thiếu kinh phí để phòng, chống dịch. Chúng ta sẽ giữ vững được TP là nơi an toàn, là nơi vẫn duy trì được điều kiện cơ bản của cuộc sống” - ông Nhân khẳng định.
Máy bay hạ cánh trên tinh thần đảm bảo cách ly Hạn chế các chuyến bay từ vùng dịch đến Việt Nam. Khi hạ cánh thì các bộ Y tế, Quốc phòng, GTVT bàn và quyết định vị trí hạ cánh trên tinh thần đảm bảo cách ly. Việc sàng lọc ngay trên máy bay sẽ giúp giải tỏa tốt ở các sân bay. Các sân bay phải có trách nhiệm kiểm soát y tế. Bộ Y tế phải làm tốt quy trình này một cách công khai, cụ thể. Thủ tướng Chính phủ NGUYỄN XUÂN PHÚC |
Xem xét cho khách nước ngoài cách ly tại khách sạn
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong giao Sở Du lịch phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất trình UBND TP xem xét sử dụng cơ sở lưu trú làm cơ sở cách ly.
Theo ông Phong, UBND TP đã có chỉ đạo người nước ngoài khi vào khu cách ly tập trung sẽ được hoàn toàn miễn phí. Nhưng theo nguyện vọng, nhiều khách nước ngoài muốn đến cơ sở du lịch để cách ly và sẵn sàng trả phí.
Đại diện Sở Công Thương TP thông tin khảo sát hiện có năm khách sạn đã sẵn lòng tham gia cách ly du khách nước ngoài, vấn đề cần bàn tiếp theo là nhân lực và vận hành, sở đã làm việc với Sở Y tế và trình sớm UBND TP.
Thêm bốn ca nhiễm mới trong ngày Một du học sinh từ Pháp, một tiếp viên chuyến VN54, một du khách Pháp và một người Việt Nam sống tại Ninh Thuận dương tính nCoV, trở thành ca bệnh thứ 58, 59, 60 và 61, theo Bộ Y tế. Bệnh nhân thứ 58 là nữ, 26 tuổi, nhà tại phố Yên Thế, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội. Người này du học tại Pháp, nhập cảnh Nội Bài ngày 15-3. Bệnh nhân thứ 59, 30 tuổi, trú Bồ Đề, Long Biên, tiếp viên trên VN54 ngày 2-3 là chuyến bay từ London về Hà Nội chở theo nhiều người mắc COVID-19. Bệnh nhân thứ 60 quốc tịch Pháp, nam giới, 29 tuổi. Người này đi trên chuyến bay từ Paris về Nội Bài ngày 9-3 (trên chuyến bay này có ca dương tính với COVID-19 đã được công bố). Bệnh nhân thứ 61, nam giới, 42 tuổi, quê quán Ninh Thuận. Người này đi Malaysia ngày 27-2, về Việt Nam ngày 4-3 trên chuyến bay VJ826, nhập cảnh Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Hiện Việt Nam ghi nhận 61 ca COVID-19, trong đó 16 người đã khỏi, 45 người đang điều trị. |