Chiều 8-10, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 33 (mở rộng) với trọng tâm chính là đánh giá tình hình kinh tế - xã hội TP chín tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm ba tháng cuối năm.
Hội nghị cũng đã xem xét, đánh giá giải pháp và khả năng thực hiện các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI đã đề ra. Đồng thời, quán triệt Chỉ thị 35 về Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV; hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương để thực hiện nội dung này…
Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ ưu tiên cao nhất
Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận định dự báo ba tháng cuối năm sẽ còn nhiều thử thách. TP cũng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5%-8% như đã đề ra.
Trong đó, ông Nên yêu cầu cần ưu tiên giải pháp cho tăng trưởng kinh tế, cùng với đó phải quan tâm các yếu tố hướng đến sự phát triển bền vững, tăng cường giải pháp huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Chính quyền TP phải tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
Đồng thời, tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa bảy cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98 và một số nhiệm vụ còn lại trong Nghị định 84 về thí điểm, phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TP.HCM; chủ động phối hợp với các bộ, ngành để trình Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ kịp thời cho những dự án đang vướng, vượt tầm của TP.HCM.
Quan trọng nhất là phải quyết liệt chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công, xem đây là nhiệm vụ ưu tiên cao nhất của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ trong quý IV này.
“Còn khoảng 80 ngày, với quyết tâm cao nhất phải thực hiện tốt công tác này. Đi kèm với đó là phải kiểm tra, uốn nắn và xử lý những trường hợp không làm hay vì lý do nào đó làm không đạt yêu cầu vì nguyên nhân chủ quan” - Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu.
Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu chính quyền TP cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào sử dụng các dự án, công trình trọng điểm; tập trung thúc đẩy mạnh mẽ ba động lực tăng trưởng chính gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu đi đôi với thúc đẩy các hoạt động tăng trưởng mới.
Song song đó, phải hoàn thành các chỉ tiêu về giáo dục và đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe của người dân, phát triển mạng lưới trường học, đề án giáo dục thông minh và học tập suốt đời…
Ngoài ra, tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội…
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về xóa nhà tạm, nhà dột nát, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu thành lập ban chỉ đạo triển khai công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát do bí thư cấp ủy làm trưởng ban, gắn với công tác phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, nhà ở ven kênh rạch của TP…
TP cũng cần triển khai phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhanh nhất; chủ động xây dựng kế hoạch năm 2025; chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XII, Đại hội XIV của Đảng; chuẩn bị cho 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…
Cuối cùng, Bí thư TP.HCM gửi gắm: “Mọi chủ trương, biện pháp đã được bàn kỹ thì vấn đề còn lại có ý nghĩa quyết định là làm, ai làm, làm như thế nào. Với tinh thần đó, Ban Chấp hành Đảng bộ TP tin tưởng vào sự lãnh đạo kịp thời của Trung ương, Chính phủ, cùng các tỉnh, TP trong vùng, sự chung sức, chung lòng của các tầng lớp nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp để TP phát triển bền vững hơn nữa”.
Tháo gỡ vướng mắc để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng
Trao đổi tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM sẽ tập trung cao độ giải quyết các tồn đọng, vướng mắc lẫn nhau giữa các quận, huyện với sở, ngành trong công tác đầu tư công.
Ông Mãi cũng nhận định cả hệ thống cần tập trung cao độ cho giải ngân vốn đầu tư công.
Năm 2024, kế hoạch đầu tư công của TP là 79.000 tỉ đồng nhưng đến nay chỉ giải ngân đạt 20%. Với 63.000 tỉ đồng chưa thể giải ngân, ông Mãi nói kế hoạch là đến tháng 1-2025 phải xong.
Chính quyền TP cũng phân thành năm nhóm vướng mắc hiện nay để có giải pháp tháo gỡ.
Ở nhóm giải ngân giải phóng mặt bằng khoảng 30.000 tỉ đồng. TP.HCM dự tính khả năng giải ngân 28.000 tỉ đồng, nằm ở ba dự án trọng điểm là dự án rạch Xuyên Tâm, dự án bờ bắc kênh Đôi, đường vành đai 2 cùng với các dự án khác.
Nhóm các dự án khởi công mới khoảng 8.000 tỉ đồng, trang bị thiết bị cho ba bệnh viện cửa ngõ. Nhóm dự án đang thực hiện 9.600 tỉ đồng cũng được đốc thúc hoàn thành sớm.
Nhóm vướng mắc thủ tục với trung ương là 10.000 tỉ đồng gồm dự án chống ngập, 4.000 tỉ đồng với dự án metro số 1. Nhóm vướng mắc thủ tục ở TP có 57 dự án, chủ yếu do quy hoạch. Hiện UBND TP đang giao Sở QH-KT tháo gỡ.
“Với tinh thần đã phân giao nhiệm vụ, mong Thành ủy, bí thư các quận, huyện, TP Thủ Đức và chủ tịch các địa phương đôn đốc tháo gỡ để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm 2024 và năm 2025 đạt 8%-8,5%” - Chủ tịch UBND TP.HCM nói.
Ông Mãi cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp có sự vào cuộc để đôn đốc công tác này. Cùng với đó, phải rà soát để thực hiện có hiệu quả các chỉ số về cải cách hành chính của từng sở, ngành, quận, huyện…
Đặt mục tiêu giảm 30%-50% thời gian xử lý hồ sơ
Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết TP.HCM cam kết cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc giảm bớt thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ cho doanh nghiệp và đơn vị đầu tư công. Mục tiêu là giảm 30%-50% thời gian xử lý hồ sơ để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện dự án một cách hiệu quả hơn.
Chính quyền TP đã lên kế hoạch tập trung giải ngân nhanh các dự án đầu tư công, với số lượng dự án lớn và tổng vốn dự phòng cao. “TP đang nỗ lực thực hiện các giải pháp tổng thể để thúc đẩy đầu tư xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút thêm nguồn lực để phát triển kinh tế TP bền vững” - bà Mai nói.