Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vương Hải Long, Giám đốc ban dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM, khẳng định: Tuyến cống thu gom nước thải từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và quận 2 (tuyến cống bao thuộc gói thầu XL01 của dự án Vệ sinh môi trường TP - PV) sau đó được đưa về nhà máy xử lý được xem là lớn nhất trên cả nước về quy mô. Dự án đang trong quá trình xây dựng.
Đã hoàn thành 30% khối lượng
Cụ thể, tuyến cống này có đường kính 3,2 m, dài 8 km, được khoan bằng công nghệ kích ngầm (không đào hở), thu gom nước thải cho lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, quận 2 và đưa về nhà máy xử lý nước thải được xây dựng gần cầu Phú Mỹ (quận 2 - quận 7).
Ngoài ra, một chuyên viên của ban quản lý dự án Vệ sinh môi trường TP thông tin: Hiện tuyến cống này đã hoàn thành khoảng 30% khối lượng và dự kiến đến cuối năm 2020, toàn bộ dự án tuyến cống bao sẽ được hoàn thành.
Trước đó, vào cuối tháng 9-2018, ban quản lý dự án Vệ sinh môi trường TP (thuộc Sở GTVT TP) đã bắt đầu kích ống D3200 để xây dựng tuyến cống bao thuộc gói thầu XL01 của dự án Vệ sinh môi trường TP giai đoạn 2.
Cụ thể, gói thầu XL01 thi công tuyến cống bao có mức đầu tư gần 2.000 tỉ đồng, được khởi công tháng 5-2017, chiều dài 8 km cống (đường kính 3,2 m) với 21 giếng (đường kính 11 m, sâu 19-29 m). Trong đó, các giếng S0 - S10, S11 - S20 được thi công từ ngày 25-5-2017.
Về dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2, dự án có tổng mức đầu tư hơn 11.132 tỉ đồng (tương đương 524 triệu USD), thực hiện trong thời gian 2015-2020.
Giai đoạn 2 này bao gồm ba hợp phần chính. Trong đó, hợp phần một: Xây dựng tuyến cống bao từ giếng bờ Đông đến Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè quận 2 (dài 8 km). Hợp phần hai: Xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (công suất thủy lực đến năm 2020 đạt 480.000 m3/ngày và 34.000 m3/giờ). Hợp phần ba: Xây dựng mạng lưới cống thoát nước cấp 2, cấp 3 và hệ thống đấu nối hộ gia đình tại quận 2.
Công trình cống thu nước thải kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và quận 2 đang được thi công. Ảnh: VĐ
Khó khăn về vốn
Chia sẻ thêm về dự án, ông Phan Thanh Tuấn, Phó Giám đốc ban quản lý dự án Vệ sinh môi trường TP, cho biết hiện dự án gặp một số vấn đề về kế hoạch bố trí nguồn vốn và dự án cũng đang nợ tiền nhà thầu, chưa giải quyết xong.
“Về vốn, đúng là chúng tôi đang gặp khó khăn, ban quản lý đã có báo cáo với cơ quan chức năng, hy vọng sẽ sớm được giải quyết trong tháng 4 này để công trình tiếp tục được triển khai thuận lợi hơn” - ông Long trả lời về kế hoạch khắc phục khó khăn.
Theo ban quản lý thì công trình này nhắm đến hai mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Mục tiêu ngắn hạn là sau khi xây dựng hoàn chỉnh toàn bộ dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM, nguồn nước thải sinh hoạt trong lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và quận 2 sẽ được xử lý đạt tiêu chuẩn loại A trước khi thải ra môi trường.
Mục tiêu dài hạn là nhằm cải thiện, nâng cao sức khỏe, đời sống của người dân TP.HCM; khôi phục và bảo tồn hệ sinh thái sông Sài Gòn và lưu vực hạ lưu sông Đồng Nai; cải tạo, chỉnh trang môi trường; nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn môi trường của người dân; thúc đẩy phát triển du lịch, sản xuất, kinh tế cho TP. Dự án này cũng đem lại lợi ích khác cho TP.HCM như nâng cao các kỹ năng về quản lý.
Giai đoạn 1 đã cải thiện được vấn đề ô nhiễm Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài 8,7 km, chảy qua các quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận và Bình Thạnh. Đây là một trong những con kênh liên quận ô nhiễm bậc nhất, tưởng như khó có sinh vật nào tồn tại được. Trên và ven tuyến kênh này cư ngụ hàng ngàn hộ dân lao động, hình thành nên những khu dân cư tự phát nhếch nhác, mất an toàn. Để chỉnh trang đô thị, di dời nhà trên và ven kênh rạch, UBND TP.HCM đã triển khai dự án Vệ sinh môi trường. Ban quản lý đầu tư dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM được giao làm chủ đầu tư. Giai đoạn 1 được triển khai từ năm 1999 đến 2012 với tổng mức đầu tư 276,24 triệu USD. Sau khi giai đoạn 1 hoàn thành, tuyến kênh và đường ven kênh hiện nay đã đầy mảng xanh, sạch đẹp và nước kênh không còn ô nhiễm, hôi thối nữa. |